Diễn đàn “Tai nạn giao thông – nguyên nhân và giải pháp”

Nâng chất hạ tầng giao thông - Trách nhiệm cơ quan quản lý - Ý thức người dân

Tai nạn giao thông (TNGT) luôn là hiểm họa đe dọa nghiêm trọng tới đời sống dân sinh. Hiện tại, không một ngày nào không có thông tin về số người chết, bị thương vì TNGT (ít nhất cũng vài chục người gặp nạn/ngày đã được đăng tải thông tin trên mặt báo). Điều nhức nhối nhất hiện nay là chúng ta chưa có một giải pháp thật sự hữu hiệu, căn cơ nhằm kéo giảm tai nạn, bảo vệ an toàn cho hàng triệu người đi đường. Hàng ngày thần chết vẫn rình rập để cướp đi mạng sống của người dân, TNGT vẫn không thuyên giảm mà còn có chiều hướng tăng cao. Vậy nguyên nhân do đâu? Đâu là giải pháp?

Thứ nhất, hạ tầng giao thông của chúng ta nếu đem so với nhiều nước trên thế giới thì quá hỗn tạp: còn yếu, thiếu và đều là một mớ bòng bong rối rắm. Xe cộ ngày một đông nghẹt mà diện tích đường sá vẫn y như cũ, không đầu tư mở rộng thêm nhiều đường để xe cộ lưu thông được thông thoáng, tránh được va quẹt gây tai nạn và nạn kẹt xe. Trên các tuyến đường, điển hình như quốc lộ 1A từ Bắc vào Nam còn nhiều “cung đường tử thần” chưa được dọn sạch, nhiều đoạn đường quanh co nguy hiểm chưa được “chỉnh lại cho thẳng”,…

Riêng tuyến đường sắt Bắc-Nam hiện còn tồn tại rất nhiều hiểm họa như: Hệ thống đường ngang chưa được đầu tư tương xứng, nhiều đường ngang tự phát, thiếu trạm gác tàu, đèn báo hiệu, biển báo,… Ở các nước như Mỹ, Anh… người ta đều quy định khoản cách xe là bao nhiêu mét trong khi ở ta xe này cách xe kia chỉ có vài gang tay, thậm chí “đuôi xe trước chạm đầu xe sau”. Thường thấy nhiều vụ TNGT “dính chùm” giữa nhiều xe với nhau chỉ vì thiếu một khoảng cách an toàn.

Thứ hai, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước chưa tập trung giải quyết dứt điểm vấn đề giao thông. Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an chưa có những cách làm khoa học để đảm bảo an toàn giao thông. Đất nước đang trong giai đoạn công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đang hòa nhập vào nền kinh tế thế giới mà đường sá quá nhỏ hẹp như hiện nay thì sao có thể phát triển nổi, TNGT sao tránh được? Nếu có tầm nhìn rộng hơn, thoáng hơn thì việc xây dựng và mở rộng giao thông đã được cơ quan nhà nước tính tới và tiến hành cho xây dựng từ rất lâu chứ không phải bây giờ chúng ta mới đem ra luận bàn.

Pháp luật hiện nay chưa thật sự có đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm luật giao thông vì mức phạt được quy định trong Nghị định 152 của Chính phủ vốn áp dụng từ lâu nay còn nhẹ tay dẫn đến chuyện “lờn luật” của người đi đường, cùng lúc vi phạm hàng loạt lỗi giao thông nghiêm trọng như phóng nhanh, vượt ẩu, chở quá tải, quá khổ, lái xe trong tình trạng đã uống rượu bia,…

Việc tuần tra, xử lý vi phạm của lực lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) chưa kiên quyết (còn làm theo kiểu xin-tha) và chưa mở rộng địa bàn hoạt động (phần lớn chỉ tuần tra ở các khu vực đông dân cư, đường nhựa còn khu vực vùng quê, đường đất rất hiếm khi thấy CSGT lộ diện).

Chuyện cấp giấy phép lái xe vẫn còn đang bị thả nổi, chưa có sự sàng lọc gắt gao, nạn giấy phép lái xe giả, dỏm vẫn tồn tại. Vấn đề sức khỏe của tài xế, tay nghề, độ tuổi,.. vẫn chưa được quan tâm (ai học lái xe có bằng là có thể cầm lái mà không phải thông qua đợt sát hạch về tay nghề, sức khỏe, trình độ, độ tuổi nào).

Cần nói thêm một việc rất hệ lụy nữa đó là vấn đề kiểm định xe ở các trung tâm đăng kiểm hiện nay còn lơ là, xem nhẹ việc kiểm định. Câu hỏi mà nhiều người đặt ra là tại sao có rất nhiều xe dù cũ nát, quá hạn mà khi đem kiểm định vẫn được “cấp phép” cho chạy? Nên nhớ phần lớn những vụ tai nạn nghiêm trọng đều rơi vào những chiếc xe kém chất lượng, quá hạn này.

Trạm dừng để tài xế, hành khách đến giờ này vẫn chưa được tập trung xây dựng. Hiện chỉ mới có một vài nhà xe như Mai Linh tự xây trạm dừng (nhưng cũng bị nhiều cơ quan làm khó vì cái giấy phép nên giờ vẫn chưa thể hoàn thành).

Thứ ba, người dân khi tham gia giao thông chưa nâng cao được ý thức, trách nhiệm. Đây là nguyên nhân căn bản đẩy thảm nạn giao thông tăng cao. Dù cơ sở hạ tầng giao thông đạt chuẩn, mức phạt có được nâng cao lên gấp mười lần, xe cộ có mới cáu… mà người dân không  ý thức trong khi tham gia giao thông, uống rượu, lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ thì vẫn không thể nào làm cho thảm nạn TNGT giảm xuống.

Đối với tài xế ôtô khi ngồi sau tay lái thì phóng nhanh, vượt ẩu bất chấp mạng sống của nhiều người trên đường, cầm lái vượt quá thời gian quy định mà không nghỉ ngơi, nạn tranh giành khách lộng hành,… Các chủ xe vì kiếm đồng lời đã “ép” tài xế (người làm thuê cho mình) phải cho xe chạy càng nhanh càng tốt và tai nạn đương nhiên xảy ra.

Riêng người đi xe gắn máy thì vượt đèn đỏ, lạng lách, chở hai, chở ba, chạy xe trong tình trạng say rượu. Ngay cả người đi bộ cũng băng qua đường, đi dưới lòng đường tự nhiên…Vậy thì thử hỏi TNGT sao không xảy ra?

Bản thân tôi là người từng chứng kiến rất nhiều vụ TNGT thương tâm và luôn băn khoăn, lo lắng đối với vấn đề giao thông của nước ta hiện nay. Thông qua diễn đàn này của báo tôi xin đề xuất một số giải pháp để ngăn chặn, giảm thiểu TNGT đó là phải “nâng chất” (chất lượng) hạ tầng giao thông, trách nhiệm cơ quan quản lý Nhà nước, ý thức người dân. Vậy nâng chất như thế nào?

1. Phải mở rộng diện tích đường sá, triệt tiêu được các “điểm đen” thường xảy ra tai nạn, xây dựng đường ngang qua lại đường sắt có chất lượng (trạm gác, đèn báo hiệu, biển báo,…).

2. Nghiên cứu sớm đưa ra quy định bắt buộc về khoảng cách xe từ 10m - 20m.

3. Tăng mức phạt và phạt thật nặng đối với các trường hợp vi phạm luật giao thông để tạo sức răn đe đối với người đi đường (chú ý chủ xe của những chiếc xe gây tai nạn).

4. Cần trang bị dây thắt an toàn trên tàu, xe ô tô, buộc người ngồi trên tàu, ô tô phải thắt dây an toàn.

5. Coi trọng công tác cấp giấy phép lái xe, xem xét độ tuổi nào thì được lái xe đường dài, định kỳ kiểm tra sức khỏe, kinh nghiệm, đạo đức và trình độ học vấn của người ngồi sau tay lái.

6. Kiên quyết dẹp bỏ xe quá hạn, đưa vào sử dụng những loại xe có chất lượng. Đối với xe khách nên sớm hướng tới chuẩn xe chất lượng cao, dẹp bỏ những chuyến xe đò ọp ẹp, nguy hiểm.

7. Xây dựng trạm dừng xe nghỉ dọc đường trên khắp mọi miền đất nước để hành khách, tài xế nghỉ ngơi và có điều kiện bảo trì sửa chữa xe chạy an toàn.

8. Lực lượng CSGT tăng cường tuần tra xử lý vi phạm không khoan nhượng đối với hành vi phạm luật giao thông. Đặc biệt là nên hướng về kiểm tra ở vùng nông thôn. Đến ngày 15-12-2007 phải xử lý nghiêm những trường hợp không đội nón bảo hiểm khi tham gia giao thông theo quy định của Chính phủ.

9. Tăng cường giáo dục ý thức đi đường cho người dân bằng cách  mở các cuộc tuyên truyền lưu động, phát động các cuộc thi về an toàn giao thông,…

Tôi nghĩ làm tốt được vấn đề này không những sẽ ngăn chặn và giảm thiểu được đại nạn TNGT mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển.

Võ Minh Huy (Quảng Ngãi)

Tin cùng chuyên mục