Lao động ngành dệt may

Thiếu về lượng, yếu về chất

Thiếu về lượng, yếu về chất

Trước yêu cầu phát triển nhanh trong thời gian tới, tận dụng được cơ hội Việt Nam gia nhập WTO, các doanh nghiệp ngành dệt may rất lo ngại về tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng trong ngành cả về lượng lẫn chất.

  • Tuyển mới không bù đắp số lượng nghỉ

Ông Vũ Ngọc Thuần, Tổng Giám đốc Công ty May Đồng Tiến, đã bày tỏ sự lo ngại trước tình hình công nhân nghỉ việc quá nhiều trong mấy tháng vừa qua. “Đối với chúng tôi, đây là một tổn thất nghiêm trọng”, ông Thuần nói vậy.

Thiếu về lượng, yếu về chất ảnh 1
Máy dệt khí hiện đại mới được đầu tư của CT Dệt May Việt Thắng cần có công nhân tay nghề cao để làm chủ được công nghệ mới. Ảnh: P.N.

Trong 6 tháng đầu năm nay, CT May Đồng Tiến đã tuyển mới 580 công nhân vào đào tạo nghề thì cũng lại có hơn 500 công nhân nghỉ việc, trong đó có 190 công nhân cũ có tay nghề. Vấn đề ở chỗ là số công nhân cũ này, năng suất lao động cao gấp đôi, gấp ba lao động mới đào tạo nghề, khi nghỉ làm ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất lao động và lợi nhuận của doanh nghiệp.

Ông Vũ Sỹ Nam, Tổng Giám đốc Công ty CP May Nhà Bè, cũng trong tình cảnh đứng ngồi không yên khi số lượng công nhân của CT May Nhà Bè biến động mạnh trong thời gian qua. Số lượng công nhân mới tuyển vào không bù đắp nổi số lượng công nhân đi ra, trong khi đơn hàng đã ký nhiều và thời gian giao hàng rất cấp bách.

Hàng trăm lao động tại CT May Nhà Bè biến động trong thời gian qua khiến cho doanh nghiệp lúc nào cũng phải bố trí bộ phận tuyển dụng và đào tạo nghề cho công nhân mới mà không kịp với yêu cầu. Ông Nam cho biết, CT May Nhà Bè đã liên hệ với các địa phương tuyển dụng người và đưa về đây, trả tiền dịch vụ cho các đơn vị làm dịch vụ tuyển dụng. Công nhân mới được bố trí chỗ ở và học việc trong hai tháng đầu với mức lương học việc bình quân hơn 600.000 đồng/tháng, những tháng sau đó trả lương theo sản phẩm, nhưng sau hai tháng thì nhiều công nhân lại chạy sang các xí nghiệp khác với lời mời gọi mức lương hấp dẫn hơn.

  • Chất lượng công nhân yếu ảnh hưởng đầu tư

Một hiện tượng mà CT May Nhà Bè đau đầu là có những công nhân tay nghề khá ở đây khi muốn có tiền mua sắm thì làm đơn xin nghỉ việc để lấy “một cục tiền” nghỉ việc. Sau đó chính công nhân này lại xin vào làm một xí nghiệp khác cũng thuộc CT May Nhà Bè, vì “khát” lao động nên xí nghiệp nào cũng nhận. Doanh nghiệp chạy tiền trả lương và phụ cấp nghỉ việc để rồi sau đó lại nhận họ vào khiến cho tình hình tài chính khó khăn. Chính ý thức của công nhân chưa quan tâm đến các chế độ về sau như hưu trí mà chỉ chăm chăm vào kiếm một ít tiền khiến họ không gắn bó với công ty, không thể hết lòng với công việc và hậu quả là năng suất lao động thấp.

Ông Nguyễn Đình Trường, Giám đốc CT May Việt Tiến, cũng cho biết, mới đây Việt Tiến “phát hoảng” khi một công ty con ở Đồng Tháp báo cáo cùng một lúc hơn 150 công nhân nghỉ việc đồng loạt, chuyền may trống trơn vì họ bận về nhà cắt lúa. Do xí nghiệp xây dựng tại vùng nông thôn theo chương trình hỗ trợ các địa phương thực hiện công nghiệp hóa nông thôn, nên tuyển dụng người tại chỗ vào làm việc.

Thế nhưng khi đến mùa thu hoạch, do thiếu lao động nên giá công cắt lúa tăng vùn vụt, từ 15.000 đồng/ngày lên 20.000 rồi 30.000 đồng/ngày. Với giá này hầu như người trồng lúa không còn có lãi, mà để lúa chín trên đồng thì chỉ vài ngày là rụng hết, thế là các bậc cha mẹ buộc phải yêu cầu con cái về phụ cắt lúa trong vài ngày. Di chuyển các nhà máy ra các địa phương khác để giải quyết bài toán lao động, nhưng với chất lượng đội ngũ lao động “bán công-bán nông” như vậy quả là một nỗi lo đối với doanh nghiệp.

Theo ông Vũ Sỹ Nam, trước hiện tượng công nhân biến động, doanh nghiệp buộc phải cương quyết không chấp nhận kiểu nghỉ việc như vậy, không cho tuyển dụng trở lại những người này. Đây là thiệt hại đơn thiệt hại kép đối với doanh nghiệp, khi Luật Lao động chưa quy định những ràng buộc pháp lý và chế tài từ phía người lao động để bảo vệ quyền lợi người sử dụng lao động. Trong đó hầu hết các công nhân được hỗ trợ lương học việc, bố trí ăn ở, nhưng học xong họ đi làm việc nơi khác, doanh nghiệp không thể bắt họ bồi thường.

Đây là những bất cập trong Luật Lao động khiến cho tình hình biến động ngành dệt may hiện nay đang rất gay gắt, chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ phát triển ngành. Phần lớn các doanh nghiệp đều khẳng định, đầu tư mở rộng năng lực sản xuất họ không ngại mà cái khiến cho họ chùn tay chính là lao động ngành dệt may vừa thiếu lại vừa yếu. Nếu không có những biện pháp căn cơ hơn để thúc đẩy đào tạo nghề, nhất là đào tạo công nhân ngành dệt may thì sẽ ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư phát triển ngành. 

VĂN MINH HOA

Tin cùng chuyên mục