Nỗi buồn “tứ đại phái”

1.

1. Đọc truyện kiếm hiệp, bao giờ cũng thấy giang hồ xem Thiếu Lâm và Võ Đang là hai ngôi sao bắc đẩu trong võ lâm. Thỉnh thoảng, một bí kíp võ học bá đạo nào đó xuất hiện, một thế lực nào đó nổi lên khiến giang hồ dậy sóng, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn trật tự võ lâm lại được nhanh chóng khôi phục, Thiếu Lâm và Võ Đang lại trở lại đúng vị trí và vai trò mà mình được tôn vinh. Hiếm có trường hợp hai võ phái này suy yếu đi, bởi vì võ học của các bậc tăng nhân và đạo sĩ có cội nguồn vững chắc, truyền thống lâu dài, được nuôi dưỡng và lưu truyền hết đời này đến đời khác.

2. Barcelona và Real Madrid chính là Thiếu Lâm và Võ Đang ở La Liga. Ở Ý, là AC Milan và Inter Milan. Tương tự, ở Hà Lan là Ajax Amsterdam và PSV Einhoven, ở Bồ Đào Nha là FC Porto và Benfica, ở Scotland là Rangers và Celtic. Khi tính thêm Nga My và Côn Luân (hoặc Hoa Sơn, Không Động... tùy thời điểm), giang hồ có “tứ đại phái” - ngôn ngữ bóng đá gọi là “The Big Four”. Giải Ý mở rộng ra sẽ có thêm Juventus và AS Roma (hai đội này hiện đang tuột luốt vì nhiều lý do).

Ở giải Anh, “tứ đại phái” hiển nhiên là Manchester United, Arsenal, Liverpool và Chelsea, mặc dù trong thời điểm hiện tại phái Đường Môn Manchester City đang nổi dậy mãnh liệt, và tạm thời chiếm chỗ của Liverpool. “Tứ đại phái” ở Đức thường là Bayern Munich, Bayer Leverkusen, Borussia Dortmund, Werder Bremen (hiện nay Hannover 96 đang chiếm chỗ của Werder Bremen).

3. “Tứ đại phái” không phải ngẫu nhiên mà được thiên hạ tôn xưng. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, đây là những môn phái, những câu lạc bộ có bề dày truyền thống, đặc biệt là có sự ổn định về mặt thành tích, có lực lượng cổ động viên đông đảo. Năm nào cũng vậy, mỗi khi các giải bóng đá quốc gia ở châu Âu đi dần vào cuối mùa, thiên hạ lại dồn mắt xem những cuộc đua tứ mã, tam mã hay song mã của các đại gia, xem ai sẽ cán đích trước - và đằng nào cũng vẫn là các khuôn mặt trong “The Big Four”.

Trong võ lâm tất có nhiều tay tham vọng, luôn nuôi mộng lật đổ hòng thay đổi cục diện giang hồ, như Manchester City, Tottenham ở Anh, Napoli, Udinese ở Ý, hay Valencia, Villarreal ở Tây Ban Nha nhưng thực lực của những kẻ quấy rối nếu thành công cũng chỉ chen chân được vào tốp 4 chứ chưa đủ khả năng để chinh phục ngai vàng. Trường hợp một đội bóng ngoại vi soán ngôi vô địch thỉnh thoảng vẫn xảy ra, nhưng rất hiếm.

4. Thành tích ổn định của những câu lạc bộ tốp đầu cũng là một chỉ dấu cho thấy tính ổn định của một giải bóng đá - ở đó tính truyền thống được coi như một bệ đỡ, thậm chí như một năng lượng vật chất quyết định đến phong độ, niềm khát khao thắng lợi và hùng tâm tráng chí của một đội bóng. Ở Việt Nam, trước khi giải bóng đá chuyên nghiệp có mỹ danh là V-League được thành lập, bóng đá quốc gia cũng có những tượng đài như Thể Công, Công an Hà Nội, Tổng cục Đường sắt ở phía Bắc, Cảng Sài Gòn, Hải Quan, Công an TPHCM ở phía Nam.

Miền Trung có Quảng Nam Đà Nẵng, sau này là Sông Lam Nghệ An. Đó là những đội bóng tranh chấp nhau hàng năm để sở hữu chiếc cúp vô địch, ít ra cũng để lọt vào nhóm “The Big Four”. Khi V-League ra đời, sau những mùa đầu sàng lọc, giải quốc gia cũng hình thành được “tứ đại phái” của mình với Hoàng Anh Gia Lai, Đồng Tâm Long An, Becamex Bình Dương và SHB Đà Nẵng.

5. Trong khi thiên hạ những tưởng từ nay trật tự giang hồ sẽ được thiết lập như các giải bóng đá bên trời Âu khi báo giới bắt đầu so sánh Becamex Bình Dương với Chelsea và kiểu làm bóng đá rất Perez của ông bầu Đoàn Nguyên Đức giúp Hoàng Anh Gia Lai được ví với Real Madrid. Nhưng nếu quan sát các mùa giải gần đây, ta sẽ nhận ngay ra tính bấp bênh của “tứ đại phái” nội địa.

Tìm cho ra Thiếu Lâm, Võ Đang của giang hồ V-League đã khó, nhận diện đâu là Nga My, Côn Luân cũng chẳng dễ chút nào. Những ngày này, trong khi Đồng Tâm Long An chết gí dưới đáy, Hoàng Anh Gia Lai và Becamex Bình Dương cũng đang ngoi ngóp giữa lưng chừng bảng xếp hạng, phải chắt chiu từng điểm để ngoi lên. SHB Đà Nẵng đang xếp hạng nhì, nhưng gần đây liên tiếp vấp phải những trận hòa và thua muối mặt, và nếu Sông Lam Nghệ An không bất ngờ chựng lại thì thầy trò Lê Huỳnh Đức đã bị bỏ rất xa.

6.  Khi nội bộ Thiếu Lâm, Võ Đang, Nga My, Côn Luân lâm vào cảnh rối ren hoặc đã nhạt phai mộng tranh bá đồ vương, những môn phái nhỏ như Hải Sa phái, Cự Kình bang tất nhiên thừa cơ hội phát dương quang đại. Thanh Hóa, Đồng Tháp, Khánh Hòa có những thời điểm quật khởi khiến cục diện giang hồ rối tung. Nhưng rồi đến lượt những môn phái này nghĩ đến hậu quả (nếu chẳng may “tứ đại phái” hồi sinh phục hận) nên bắt đầu run rẩy và cố tình đánh rơi điểm số một cách bất thường, đặc biệt là Hải Sa phái Đồng Tháp.

Vì tất cả những lẽ đó mà đến giờ này khi V-League đã trải qua hai phần ba chặng đường, các fan bóng đá chẳng biết tình thế sẽ còn xoay chuyển rối tinh rối mù như thế nào và cuối cùng đội bóng nào sẽ lên ngôi, cho dù đến giờ này Sông Lam Nghệ An, đội bóng nằm ngoài “The Big Four” đang dẫn đầu cuộc đua - điều khó có thể xảy ra ở các giải bóng đá châu Âu.

Sở dĩ như vậy, bởi các đội bóng V-League hiện nay chẳng có truyền thống nào để gìn giữ, chẳng có lịch sử nào để bảo vệ, tinh thần màu cờ sắc áo bị kim tiền đè bẹp và bởi đa số các ông bầu tự tạo ra những giá trị chuyển nhượng ảo, mức lương ảo, tiền thưởng ảo để rốt cuộc lâm vào tình cảnh bây giờ hằng tuần phải dùng ngân lượng để nuôi dưỡng nhiệt tình của các cặp giò.

Đó không phải là bóng đá. Vì thực ra đâu phải ông bầu nào nhảy vào V-League cũng vì bóng đá và để làm bóng đá!

Chu Đình Ngạn

Tin cùng chuyên mục