Phố núi Pleiku rộn ràng đón Festival cồng chiêng

Hiện nay, d
Phố núi Pleiku rộn ràng đón Festival cồng chiêng

(SGGPO).- Hiện nay, dọc các tuyến đường Hùng Vương, Lê Duẩn, Trường Chinh, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Hai Bà Trưng, Anh hùng Núp... của TP Pleiku, cờ, băng rôn, khẩu hiệu chào mừng Festival cồng chiêng quốc tế 2009 đã được trang hoàng lộng lẫy.

Đặc biệt, tại Quảng trường 17-3, nơi sẽ diễn ra lễ khai mạc và bế mạc đã được ban tổ chức trang hoàng nhiều kiểu trụ đèn và kiểu đèn trang trí rất ấn tượng. Một khán đài mới đã được dựng lên để phục vụ cho Festival với sức chứa gần 1.000 người. Tại các giao lộ trong TP Pleiku, gần 400 bảng tên đường được thay mới, với hình ảnh cách điệu rất bắt mắt.

Quảng trường 17-3 về đêm

Quảng trường 17-3 về đêm

Những hàng thông xanh mướt đã được Công ty công trình đô thị TP Pleiku trồng lại sau cơn bão số 9, khoác lên phố phường Pleiku một màu tươi mới, đầy sức sống. Trong những ngày qua, TP Pleiku đã huy động hàng nghìn lượt học sinh ở các trường trong thành phố ra quân dọn dẹp đường phố, ngõ hẻm.

Ông Nguyễn Trung Tâm - Giám đốc Sở GT-VT tỉnh Gia Lai cho biết, đoàn kiểm tra của Sở đã kiểm tra các phương tiện thủy nội địa hoạt động trên các hồ và các khu du lịch như Ayun Hạ, Yaly, Sê San. Qua kiểm tra phương tiện, dụng cụ cứu sinh, điều kiện người lái, đoàn đã yêu cầu một số đơn vị chưa đáp ứng điều kiện hoạt động nhanh chóng khắc phục để đảm bảo an toàn khi đưa phương tiện vào vận hành phục vụ du khách.

Bên cạnh đó, Sở GT-VT đã chủ động làm việc với các doanh nghiệp vận tải lớn trên địa bàn như: Hồng Hải, Thuận Hưng, Việt Hưng, Bảy Lang, Diên Hồng, Việt Tân Phát… nhằm đảm bảo phục vụ theo kế hoạch, đồng thời điều phối 20 xe chất lượng cao (từ 16 đến 45 chỗ ngồi) để phục vụ các đoàn khách.

Trong dịp này, Sở GT-VT cũng đã phối hợp cùng Công ty cổ phần Đức Long Gia Lai, Công ty TNHH Thái Hòa - chi nhánh Gia Lai, Công ty TNHH Vân Nam tổ chức khai thác 5 tuyến xe buýt phục vụ lễ hội, bắt đầu hoạt động từ ngày 10-11 đến hết ngày 17-11, với tần suất 15 phút/chuyến.

Cùng với việc trang trí, chỉnh trang đô thị, nhân dịp Festival Cồng chiêng quốc tế năm 2009, Bảo tàng tỉnh Gia Lai sẽ trưng bày bức tranh gò đồng lớn nhất từ trước đến nay, thể hiện quá trình đấu tranh, xây dựng và phát triển của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Gia Lai.

Tập dượt màn đồng diễn cho lễ khai mạc Festival Cồng chiêng

Tập dượt màn đồng diễn cho lễ khai mạc Festival Cồng chiêng

Bảo tàng tỉnh Gia Lai cũng trưng bày và giới thiệu phiên bản chiếc trống đồng Ngọc Lũ lớn nhất Việt Nam với đường kính 1,52m, nặng 1 tấn. Song song đó là triển lãm ảnh về Anh hùng Núp. Triển lãm, sẽ tái hiện chân dung Anh hùng Núp - cánh chim đầu đàn của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên trong quá trình hoạt động cách mạng và trong cả đời thường.

Tại Công viên văn hóa Đồng Xanh, Công ty cổ phần Văn hóa-Du lịch Gia Lai đã cho đúc chiếc chiêng đồng lớn nhất Việt Nam. Chiêng đồng có đường kính 2,5m, trọng lượng 700 kg. Chiêng được đúc từ 1 tấn đồng do các nghệ nhân ở làng đúc đồng truyền thống Phước Kiều, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn (Quảng Nam) thực hiện. Đây là loại chiêng có núm, với 3 vòng tròn đồng tâm, hoa văn trang trí đẹp mắt, tinh xảo theo truyền thống Tây Nguyên cùng hình ảnh đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đoàn kết nắm chặt tay nhau. Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã công nhận đây là chiếc chiêng đồng lớn nhất Việt Nam.

Trong dịp này, Công ty cổ phần Văn hóa-Du lịch Gia Lai cũng khánh thành công trình tượng 18 vị Vua Hùng tại Công viên văn hóa Đồng Xanh.

Phục vụ cho việc mua sắm của du khách trong và ngoài nước nhân dịp Festival lần này, hầu hết các chủ cửa hàng trên địa bàn TP Pleiku đều đã có sự chuẩn bị từ nhiều tháng qua. Chị Huỳnh Ngọc Linh, chủ shop quà lưu niệm Ngọc Linh trên phố Nguyễn Văn Trỗi cho biết: “Từ mấy tháng nay, cửa hàng tôi đã đặt hàng từ các đầu mối nên hiện lượng hàng nhập về tăng gấp 3, 4 lần so với ngày thường”. Trong khuôn khổ Festival Cồng chiêng quốc tế năm 2009 tại Gia Lai, một hoạt động không kém phần hấp dẫn sẽ được diễn ra, đó là Hội làng nghề tiểu thủ công nghiệp.

Ông Trương Minh Thu - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm khuyến công và Xúc tiến đầu tư (Sở Công thương Gia Lai) cho biết: “Trung tâm sẽ tổ chức Hội làng nghề với các nghề: Dệt thổ cẩm, đồ gỗ mỹ nghệ, nhạc cụ truyền thống và rèn công cụ… Ngoài việc trưng bày, bán các sản phẩm còn có các màn biểu diễn trực tiếp của các nghệ nhân như dệt thổ cẩm, tạc tượng, rèn công cụ để du khách thưởng ngoạn”.

Festival Cồng chiêng quốc tế năm 2009 sẽ diễn ra tại Gia Lai từ ngày 12 đến 15-11, nhưng những ngày qua tại TP Pleiku, các hoạt động chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất. Tất cả đã dồn sức cho ngày hội lớn.

 ĐỨC TRUNG

Tin cùng chuyên mục