Cẩm nang y học

Vài lưu ý về thuốc giảm đau

Đau là một cảm giác vô cùng khó chịu mà ai cũng đã từng trải qua. Tùy theo mức độ nặng nhẹ khác nhau, hầu như tất cả chúng ta đều muốn tìm cách chấm dứt cơn đau càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, tác dụng giảm đau bao giờ cũng đi kèm với một số tác dụng phụ và việc lạm dụng thuốc giảm đau sẽ dẫn đến những tác hại khôn lường cho sức khỏe.
Vài lưu ý về thuốc giảm đau

Đau là một cảm giác vô cùng khó chịu mà ai cũng đã từng trải qua. Tùy theo mức độ nặng nhẹ khác nhau, hầu như tất cả chúng ta đều muốn tìm cách chấm dứt cơn đau càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, tác dụng giảm đau bao giờ cũng đi kèm với một số tác dụng phụ và việc lạm dụng thuốc giảm đau sẽ dẫn đến những tác hại khôn lường cho sức khỏe.

Vài lưu ý về thuốc giảm đau ảnh 1

Một ca ngộ độc rượu đang được điều trị. Ảnh: NG.TR.

Với sự tiến bộ của y dược học, thuốc đã trở thành một cứu cánh, phương tiện giảm đau rất hữu hiệu. Có thể nói, các thuốc giảm đau đã thực sự làm một cuộc cách mạng trong điều trị, ngoài việc làm cho cuộc sống bệnh tật trở nên bớt đau khổ, dễ chấp nhận hơn, nó còn đóng vai trò trị liệu thực sự.

Tuy nhiên, tác dụng giảm đau bao giờ cũng đi kèm với một số tác dụng phụ. Có thể liệt kê tác dụng phụ của thuốc giảm đau theo hai nhóm lớn như sau:

Để điều trị các cơn đau nội tạng như đau ung thư, sỏi thận, sỏi mật, hậu phẫu : sử dụng các thuốc giảm đau gây nghiện loại opi, riêng rẽ hay kết hợp với các thuốc giảm đau ngoại biên, thuốc kháng động kinh, thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần để giảm đau. Các thuốc opi có thể gây tử vong nếu quá liều, chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ và được quản lý nghiêm ngặt theo quy chế thuốc gây nghiện. Chúng có các tác dụng phụ là gây nghiện, gây ngủ, suy hô hấp, gây nôn, táo bón, bí tiểu.

Thuốc giảm đau không gây nghiện : làm giảm các cơn đau nguồn gốc ngoại biên như nhức đầu, đau răng, đau bụng kinh, đau do chấn thương, đau xương, cơ .… Nhóm này bao gồm : Thuốc giảm đau thuần túy với hoạt chất Floctafenin và thuốc giảm đau hạ sốt (Paracetamol, Antipyrin, Metamizol): Paracetamol là lựa chọn hàng đầu đối với sốt và đau với liều không vượt quá 3g/ngày cho người lớn và 80mg/kg cho trẻ em. Tuy ít tác dụng phụ nhưng lưu ý nếu dùng quá liều (trên 8-10g) sẽ gây tổn thương gan nặng, nguy cơ này càng cao đối với người nghiện rượu.

Thuốc giảm đau hạ sốt kháng viêm : nhóm thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) với các hoạt chất như Aspirin, Indometacin, Diclofenac, Ibuprofen, Ketoprofen, Piroxicam, Tenoxicam, Meloxicam, Naproxen, Nimesulid… Ngoài tác dụng giảm đau trong điều trị nhức đầu, đau răng sau phẫu thuật, tác dụng kháng viêm được lợi dụng để điều trị các triệu chứng viêm (sưng, nóng, đỏ, đau) trong viêm thấp khớp, viêm xương-khớp, viêm gân, viêm sau phẫu thuật, bệnh gout …

Nhìn chung các thuốc này đều có tác dụng phụ trên hệ tiêu hóa : đau thượng vị, loét dạ dày-tá tràng, được khắc phục bằng cách uống thuốc khi no hoặc dùng dạng thuốc chỉ tan ở ruột. Thuốc không dùng được cho người bị dị ứng với Aspirin, loét dạ dày-tá tràng, suy gan thận cấp, hen phế quản, 3 tháng cuối thai kỳ, người có khuynh hướng dễ chảy máu hay đang dùng thuốc chống đông máu.

Trong nhóm này, Aspirin khá phổ biến với liều trung bình (300-2.400mg/ngày) có tác dụng giảm đau hạ sốt và liều cao (2.400-4.000 mg/ngày) có tác dụng kháng viêm. Cần lưu ý không nên dùng Aspirin cho trẻ dưới 18 tuổi do nguy cơ hội chứng Reye có thể gây tử vong (có thể thay bằng Paracetamol).

Càng ngày việc sử dụng thuốc giảm đau càng trở nên phổ biến, cũng chính vì vậy mà nó đang bị lạm dụng. Ngoài các tác dụng phụ có hại của từng loại thuốc, nguy hiểm không kém là thói quen ỷ lại vào thuốc, lơ là việc điều trị căn nguyên bệnh.

Nếu chỉ chú ý giảm đau, các triệu chứng bệnh lý có thể bị che lấp, bỏ qua, gây nhầm lẫn hoặc chậm trễ trong chẩn đoán bệnh, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Nguyên tắc là một thuốc giảm đau không được dùng quá 10 ngày và thuốc hạ sốt không dùng quá 3 ngày nếu vẫn tiếp tục sốt trên 39,50 C, phải tìm căn nguyên bệnh để điều trị cho đúng. Trong mọi trường hợp, để bảo đảm sử dụng thuốc giảm đau hiệu quả, an toàn, bệnh nhân phải tuân theo sự chỉ định của bác sĩ và hướng dẫn của dược sĩ.

PGS.TS. Phạm Khánh Phong Lan
Giảng viên Khoa Dược - Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh

Tin cùng chuyên mục