Vi chất dinh dưỡng - không thể thiếu

Vi chất dinh dưỡng - không thể thiếu

Trung bình đời người tiêu thụ khoảng 130 tấn gạo, ngũ cốc, thịt, cá, dầu mỡ, rau quả và nước uống. Ngoài ra, có những chất rất nhỏ (vi chất) mà cơ thể chỉ cần một lượng rất ít, nhưng khi thiếu chúng, sẽ gây nên hậu quả nghiêm trọng.

Không thể thiếu vi chất dinh duỡng

Vi chất dinh dưỡng - không thể thiếu ảnh 1

Cho trẻ uống vitamin A.

Cả đời người chỉ cần khoảng 1 muỗng cà phê i-ốt, 3 muỗng cà phê vitamin A... Nhưng thiếu nó sẽ khiến hàng triệu người bị bướu cổ, chậm phát triển thể chất và trí tuệ do thiếu iốt, hàng triệu trẻ em và bà mẹ bị mù mắt và tử vong do thiếu vitamin A, hàng triệu phụ nữ trong giai đoạn sinh sản bị thiếu máu do thiếu sắt.

Vitamin A, sắt, iốt, kẽm là những vitamin và khoáng chất mà người Việt rất dễ thiếu- nhất là ở trẻ em và phụ nữ mang thai, cho con bú. Trước khi có các chương trình quốc gia như “dùng muối i-ốt”, “uống vitamin A”, “uống viên sắt”, cả nước có hơn 95% dân số có biểu hiện của thiếu i-ốt; trên 50% bà mẹ mang thai bị thiếu máu thiếu sắt; hàng năm có đến hàng ngàn trẻ mù mắt và tử  vong do thiếu vitamin A.

Có khoảng 40 vi chất dinh dưỡng quan trọng đối với sức khỏe con người. Nếu chúng ta không quan tâm đến chúng trong khẩu phần ăn hàng ngày thì rất dễ có nguy cơ bị thiếu hụt. Sự thiếu hụt này xảy ra từ từ, không có biểu hiện. Đến khi các triệu chứng nặng xuất hiện, ta mới nhận ra mình thiếu vi chất dinh dưỡng. Tính tiềm ẩn này làm cho cuộc chiến chống thiếu vi chất dinh dưỡng gặp nhiều khó khăn và tốn nhiều thời gian, công sức.

Vitamin A – Bạn đường của đôi mắt: Thiếu vitamin A dễ gây loét và mù lòa (gọi là bệnh khô mắt);  làm da khô, dễ nứt nẻ và suy yếu sức đề kháng.

Vitamin A có nhiều trong thực phẩm có nguồn gốc động vật như gan, thịt, cá, trứng và  sữa toàn phần. Tiền vitamin A (beta-caroten) có nhiều trong rau quả xanh và vàng cam đậm (rau muống, rau dền, mồng tơi, rau đay, rau ngót, cà rốt, bông cải xanh, bí đỏ, xoài, đu đủ, gấc…).

Iốt giúp hình thành và phát triển não: Nếu thiếu iốt ở giai đoạn bào thai, bộ não sẽ bị tổn thương nặng nề;  trẻ sinh ra sẽ kém phát triển tâm thần và bị  các khuyết tật thần kinh khác (điếc, lác mắt ; khoèo chân, tay…). Học sinh nếu bị thiếu iốt sẽ giảm thành tích học tập do khả năng tập trung trí óc kém. Phụ nữ mang thai nếu thiếu iốt sẽ dễ bị sẩy thai, thai chết lưu hoặc sanh non.

Để bổ sung iốt, chỉ cần sử dụng muối iốt thay cho muối thường khi ăn và chế biến thực phẩm.

Sắt tạo máu và trí thông minh: Thiếu sắt sẽ dẫn đến thiếu máu, giảm phát triển trí tuệ, giảm năng suất lao động trí óc và chân tay, giảm sức đề kháng của cơ thể đối với nhiễm trùng.

Chất sắt có nhiều trong thịt, cá, gan, huyết, hoặc rau xanh như rau dền, bồ ngót và các loại đậu hạt. Ăn thêm trái cây tươi giàu vitamin C sau bữa ăn chính như cam, bưởi, táo, sơ-ri, đu đủ, chuối… sẽ giúp hấp thu tốt chất sắt từ bữa ăn. 

Kẽm giúp trẻ mau lớn và chống biếng ăn: Kẽm kích thích tăng trưởng ở trẻ em, tăng hấp thu và tổng hợp chất đạm, tăng cảm giác ngon miệng, tăng chức năng của hệ miễn dịch. Kẽm có nhiều trong thực phẩm có nguồn gốc động vật và hải sản, đặc biệt cao trong con hàu.

Đưa vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm

Có nhiều biện pháp để đưa vi chất dinh dưỡng đến với cộng đồng như dùng thuốc uống để cho kết quả tức thời (uống vitamin A liều cao…) và để duy trì kết quả ấy người ta dùng thực phẩm tự nhiên lẫn thực phẩm công nghiệp có tăng cường vi chất.

Muối I-ốt là một ví dụ điển hình để phòng chống chứng thiếu i-ốt trong cộng đồng. Sau đó là các chương trình tương tự như đường có tăng cường vitamin A, nước mắm có tăng cường sắt... Ngoài ra, các loại bánh quy, bột ngũ cốc, dầu ăn, mì ăn liền, sữa,… hiện thường được tăng cường các vi chất dinh dưỡng. Đặc biệt có loại sữa còn được bổ sung cả kẽm, lysin vào để gia tăng tối đa tiềm năng chiều cao (NutiVita…), hoặc bổ sung DHA, Taurine để phát triển trí não (NutiIQ…), bổ sung vitamin A, vitamin D…

Hàng triệu người bị bệnh và tử vong do thiếu vi chất, nhưng số người bị chứng thừa vi chất lại rất hiếm hoi nên hãy yên tâm khi sử dụng thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng. Tất nhiên cái gì nhiều quá cũng không tốt, nên cần chọn thực phẩm phù hợp với nhu cầu và sức khỏe hàng ngày. Tại Nhật, Mỹ, chương trình dinh dưỡng học đường của họ cách đây mấy thập niên với việc bổ sung kẽm, lysin vào trong sữa, gạo cho trẻ đã đưa lại hiệu quả rõ rệt trong cải thiện giống nòi, tạo ra các thế hệ vượt trội về tầm vóc…

BS. Hữu Phương

Tin cùng chuyên mục