Bi kịch từ chương trình “chủng tộc thượng đẳng”

Bi kịch từ chương trình “chủng tộc thượng đẳng”

Cuối năm 2006, một nhóm đại diện cho hàng ngàn nạn nhân được sinh ra trong khuôn khổ chương trình Lebensborn (Nguồn sống) – một chương trình sản xuất ra những đứa trẻ “thượng đẳng” cho chế độ phát xít Đức, do thủ lĩnh SS Heinrich Himmler điều hành – đã tổ chức cuộc họp mặt tại Wernigerode, một địa điểm từng đặt phòng hộ sinh Lebensborn trong khuôn khổ chương trình này. Những thành viên này đã trao đổi thông tin, kinh nghiệm, cũng như giúp đỡ nhau trong việc tìm kiếm những cha mẹ trên thực tế của mình sau nhiều năm dài phải sống trong cảm giác dằn vặt của sự xấu hổ và xa lánh.

  • Chương trình “thế hệ thượng đẳng”
Bi kịch từ chương trình “chủng tộc thượng đẳng” ảnh 1

Guntram Weber và Gisela Heidenreich – từng là hai đứa trẻ nạn nhân của chương trình Lebensborn

Thực chất của Lebensborn là một chương trình chăm sóc và di chuyển trẻ em nhằm bảo đảm sự di truyền chủng tộc của Đế chế thứ ba. Theo đó, bọn phát xít khuyến khích những phụ nữ có “dòng máu sạch” sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh tóc sáng và mắt xanh – một thế hệ “thượng đẳng” mà theo Hitler sẽ có trách nhiệm lãnh đạo thế giới sau này.

Chương trình được triển khai từ năm 1935, cho phép các phụ nữ có thai ngoài giá thú có thể bí mật sinh con ở xa nhà. Ngoài ra, chương trình còn thành lập nhiều nhà trẻ và tổ chức môi giới nhận con nuôi nếu như người mẹ từ chối nuôi con.

Phần lớn những người cha “vô danh” trong các trường hợp này là những tên lính SS đã có gia đình, những kẻ đã hưởng ứng lời kêu gọi của Himmler là phải tích cực phổ biến chủng tộc Aryan được coi là thượng đẳng của mình.

Các yêu cầu đối với những phụ nữ được chọn vào các bệnh viện của Lebensborn cũng rất khắt khe – họ phải chứng minh được bản thân mình, cũng như cha những đứa trẻ là những người Aryan thế hệ thứ ba. Những đứa trẻ ngay khi được sinh ra cũng được làm lễ rửa tội theo đúng nghi lễ của SS – chúng được đặt lên mình một con dao găm của SS, trong khi người mẹ thề nguyện trung thành với các lý tưởng phát xít.

Phát biểu về cuộc gặp của những nạn nhân trong chương trình này, chủ tịch nhóm hỗ trợ được thành lập từ năm ngoái này cho biết: “Nhiều người trong số chúng tôi chỉ mới gần đây mới được biết về nguồn gốc của mình. Sau khi nghỉ hưu, chúng tôi muốn tìm hiểu lại về toàn bộ cuộc sống trước đây của mình”.

Liên quan đến chương trình chủng tộc bí mật này, phần lớn tài liệu của Lebensborn đã bị đem đốt hết từ cuối Chiến tranh Thế giới thứ 2, trong khi chủ nhân các gia đình nuôi dạy những đứa trẻ trên đều không hé răng tiết lộ một chi tiết đáng chú ý nào từ vài chục năm qua. Chỉ mới gần đây, trên gác thượng của một bệnh viện ở Wernigerode (nơi trước năm 1999 từng là một bệnh viện phụ sản), người ta mới phát hiện ra một loạt các tài liệu về chương trình này.

  • Nỗi đau của người trong cuộc

Ông Guntram Weber, 63 tuổi (một giáo viên dạy văn tại Berlin) gần đây mới biết được, cha đỡ đầu của mình chính là Heinrich Himmler, còn người cha đẻ thực sự lại là một viên thiếu tướng SS. “Tôi đã nghi ngờ về việc người mẹ từ vài chục năm qua đã nói dối tôi – Weber nói – bà ấy kể rằng, bố tôi là một tài xế xe vận tải phục vụ trong lực lượng không quân Đức và đã chết tại Croatia. Tuy nhiên mẹ tôi lại không hề có một chút tài liệu hay tấm ảnh nào về ông ấy”.

Theo những thống kê ban đầu, trong khuôn khổ chương trình Lebensborn tại Đức đã có khoảng 8.000 trẻ em được sinh ra. Đó là chưa kể tới 12 ngàn trẻ em khác ra đời tại Na Uy, nơi lính Đức được “khuyến khích” có con với những người phụ nữ mang dòng máu Viking. Những đứa trẻ ra đời theo chương trình này có bất cứ khuyết tật nào đều bị gửi tới khu bệnh viện gọi là “euthanasia” (chết không đau đớn). Có khoảng 60% số người mẹ tham gia vào chương trình Lebensborn đều đã có chồng, thậm chí vợ của nhiều quan chức phát xít cũng bị “tận dụng” trong chương trình này.

Đến năm 1958, Weber tự tổ chức một cuộc điều tra riêng và phát hiện ra mình chính là một đứa trẻ trong chương trình Lebensborn. “Tôi bỗng dưng biết được rằng, cha của tôi là một tội phạm chiến tranh – Weber kể lại – ông ta đã có vợ và hai đứa con vào thời điểm mẹ tôi mang thai. Rất có thể chức vụ cao của ông ấy đã gây ấn tượng đối với mẹ tôi. Sau chiến tranh, ông ấy chạy trốn tới Argentina và chết ở đó vào năm 1970. Từ lúc đó, tôi bỗng cảm thấy mình là một người cô đơn và thiếu tự tin. Nhưng khi gặp gỡ những đứa trẻ khác trong quá khứ có cùng cảnh ngộ, tôi đã cảm thấy nhẹ nhõm đi nhiều. Cho dù tôi vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi mặc cảm mình là người kém giá trị”.

Gisela Heidenreich, một người phụ nữ tóc sáng mắt xanh cao lớn, ngay từ những năm 1950 đã biết được, cha của bà là một sĩ quan SS đã có vợ, còn mẹ là một nữ thư ký làm việc cho chương trình Lebensborn. Bà bắt đầu nghiên cứu về quá khứ của mình sau khi xem một bài báo trên tạp chí về chương trình “phối giống” Lebensborn của SS. “Thế giới của tôi khi đó dường như đã sụp đổ. Mẹ tôi hóa ra không phải là một nữ thư ký thông thường, mà là một kẻ phải sinh ra tôi theo mệnh lệnh – Heidenreich đã kể như vậy trong cuốn sách đang viết về cuộc tìm kiếm sự thật của mình – đa phần những người phụ nữ này thường phải đưa ra lời thề với lực lượng SS và họ thà chết chứ không muốn nói ra sự thật đáng xấu hổ này”.

LINH NGA (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục