Liệt sĩ 41 năm lại... trở về

Người “liệt sĩ” trở về
Liệt sĩ 41 năm lại... trở về

Chiến tranh kết thúc, tình cảm sâu nặng và mối tình xúc động của người con gái Jrai, ở làng Pết, xã Dun, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã níu kéo chiến sĩ Phùng Văn Chánh ở lại vùng đất đỏ bazan lập nghiệp. Cuộc sống bộn bề, hơn bốn mươi năm sau anh mới có điều kiện về quê thăm lại gia đình và mới biết từ lâu mình đã trở thành… liệt sĩ. 

Người “liệt sĩ” trở về

Liệt sĩ 41 năm lại... trở về ảnh 1

Vợ chồng ông Phùng Văn Chánh

Mùa đang rộ, con đường vào xã Tam Dương, huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) tất bật những người. Giờ này mà đóng bộ “bảnh bao”, vai lỉnh kỉnh thế kia thì chắc là khách rồi. Một bà mau miệng hỏi người đàn ông: “Bác về nhà ai đấy ?”. “Tôi về nhà bà Xứ”. Ông vừa dứt câu, chiếc đòn gánh trên vai bà thõng xuống rồi bà kêu thất thanh: “Ông Chánh! Bà con ơi, ông Chánh vẫn còn sống!”. Nhanh như điện, cái tin ông Chánh còn sống lan khắp xóm. Người ta bỏ việc kéo đoàn rồng rắn theo về nhà bà Xứ.

Người chị gái ngày ông đi hãy còn là một cô thôn nữ xinh tươi, vậy mà giờ đã da mồi tóc bạc! Chị đứng chết sững rồi lao vào ôm chầm lấy em. Tiếng nấc nghe nghẹn ứ: “Cậu ơi, mẹ mất rồi, chị dâu cũng mất rồi. Hai anh trai đã hy sinh, anh rể cậu cũng hy sinh ở mặt trận Kon Tum. Căn nhà này nhiều nước mắt quá rồi, vậy mà còn phải khóc cậu nữa. Cậu ơi là cậu!”.

Ông Chánh nhìn lên bàn thờ, tấm hình ông ngày nhập ngũ, bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Phùng Văn Chánh kế bên bàn thờ của ba người anh. Ông gạt nước mắt thắp lên một nén nhang.

Ngày tiếp ngày, người thăm hỏi tấp nập. Ai cũng đến để nghe chuyện ly kỳ, có một không hai này. Mãi đến ngày ông gần trở về Gia Lai cả nhà mới có dịp ngồi lại để bàn chuyện gỡ cho ông cái danh hiệu “liệt sĩ”.

Chuyện là suốt mười năm từ lúc ông đi B, không một tin tức gì, người nhà cứ nghĩ ông đã hy sinh song cũng nén chờ. Đến sau năm 1975, những người mất tích cuối cùng ở xã đã được báo tử mà ông vẫn bặt vô âm tín, gia đình mới làm đơn khiếu nại. Cuối cùng người ta đã làm thủ tục công nhận liệt sĩ cho ông; lấy ngày nhập ngũ ghi giấy báo tử, cấp tiền tử tuất và tổ chức lễ truy điệu; còn xây cho ông một ngôi mộ trong nghĩa trang liệt sĩ xã hẳn hoi.

Hành trình của “liệt sĩ”

Cha mất sớm, các anh đi bộ đội, học đến lớp 4 thì Phùng Văn Chánh phải ở nhà đỡ đần mẹ. Năm 1966, nhà đã có 2 liệt sĩ nhưng Chánh vẫn xung phong đi bộ đội. Năm 1968, Chánh đi B. Đơn vị đóng quân ở địa bàn H6 (tứùc huyện Chư Sê, Gia Lai). Nhiệm vụ của đơn vị Chánh chủ yếu là đánh địch trên đường 19. Bao nhiêu lần thập tử nhất sinh nhưng ông vẫn qua khỏi.

Tháng 7-1969, Chánh bị thương, sức khỏe yếu nên được điều về Tỉnh đội Gia Lai tiếp tế lương thực, thực phẩm cho bộ đội. Một lần vào bản tìm mua gạo để dự trữ cho mùa mưa, Chánh đã gặp Rơma H’Plem.

Cho đến giờ, Plem cũng chẳng biết mình bao nhiêu tuổi. Song cứ tính mùa rẫy nối tiếp, thì Plem lúc đó hơn 25 tuổi, làm công tác phụ nữ ở Huyện ủy H6. Chánh muốn có hàng thì phải nhờ Plem vận động dân bí mật mua giúp… Chưa hẹn hò gì, nhưng ông Kpă Thìn lúc đó là tỉnh đội trưởng ghép hết đám này đến đám khác mà Plem chẳng chịu ai.

Chiến tranh kết thúc, Chánh vui vẻ xin ra quân. Nhưng về quê thì làm gì để sống? Mẹ già, hai chị đã nuôi nấng mình cả một thời, giờ lại cưu mang nữa sao?...

Ông Chánh nói: “Sau chuyến về quê, lòng tôi đã thanh thản rồi chú ạ. Thời chống Mỹ, làng tôi có hơn 50 người nhập ngũ mà giờ chẳng còn mấy ai. Tôi may mắn hơn bao người. Hóa ra tôi đã quá mặc cảm, tự ti nên mới ra chuyện...”

Plem không tin vào mắt mình khi gặp lại Chánh. Nghe Chánh ngỏ lời và muốn cưới Plem làm vợ, cô e ngại: “Mình là con gái dân tộc thiểu số mà, lấy mình làm vợ thì bà con, cha mẹ ở quê không đồng ý đâu, khó lắm! Thôi anh về quê lấy vợ để còn nuôi dưỡng cha mẹ già…”. Nói là thế, nhưng trái tim thì không nghĩ vậy.

Tháng 8-1975, hai người dắt nhau về làng của Plem ra mắt. Chẳng nệ chuyện cưới hỏi, cha vợ cho một sào ruộng và nhường nhà sàn cho vợ chồng Chánh ở. Biết Chánh là bộ đội, lại là thương binh nên cán bộ xã mời ra làm ở văn phòng ủy ban.

Hai vợ chồng tích cóp từng lon gạo một, cứ ba trăm lon gạo thì đổi được 1 bò đực, nuôi lớn thì đổi được 1 đôi bò cái nhỏ. Cứ thế, mấy năm sau vợ chồng anh mới làm nổi cái nhà bây giờ… Cuộc sống vất vả nhưng Chánh và Plem luôn động viên nhau gắng làm ăn và nuôi con khôn lớn…

Những khó khăn đã thành hình sự mặc cảm trong Chánh. Về quê thế nào người ta cũng nghĩ, “cùng đi bộ đội mà sao ông tới giờ mới về, lại xốc xếch thế kia?”. Bao câu hỏi lẩn quẩn trong đầu và vết thương cứ hành hạ Chánh, nên anh cứ khất lần… Hiểu lòng cha, đứa con rể của ông (ông bà có một con gái duy nhất) đã lo chi phí để vợ và cha về thăm quê một chuyến…

Ái Hàn

Tin cùng chuyên mục