Xử lý cảnh sát giao thông ứng xử kém với dân

Đó là khẳng định của Thượng tá Trần Thanh Trà (ảnh), Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TPHCM tại buổi lễ bế giảng khóa tập huấn về “Văn hóa ứng xử, đạo đức tác phong của cán bộ, chiến sĩ CSGT” được tổ chức mới đây. Thượng tá Trần Thanh Trà, nói:
Xử lý cảnh sát giao thông ứng xử kém với dân

Đó là khẳng định của Thượng tá Trần Thanh Trà (ảnh), Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TPHCM tại buổi lễ bế giảng khóa tập huấn về “Văn hóa ứng xử, đạo đức tác phong của cán bộ, chiến sĩ CSGT” được tổ chức mới đây. Thượng tá Trần Thanh Trà, nói:

Bất kể cán bộ, chiến sĩ nào bị người dân phản ánh vi phạm các quy định trong ứng xử, giao tiếp với người vi phạm giao thông, đều được kiểm tra, xác minh làm rõ. Nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của ngành.

* PV: Thời gian qua, đã có nhiều phản ánh của người dân về cách ứng xử của CSGT không mấy thiện cảm, có lời nói không đúng mức với người vi phạm giao thông. Vấn đề này sẽ được chấn chỉnh như thế nào trong thời gian tới?

* Thượng tá TRẦN THANH TRÀ: Thời gian qua có một bộ phận không nhỏ cán bộ, chiến sĩ CSGT chưa nắm rõ quy trình công tác, thiếu kinh nghiệm trong thực tế, nhiều trường hợp có thái độ không tốt trong cách ứng xử, giao tiếp với người vi phạm giao thông. Để chấn chỉnh tình trạng này, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) tổ chức khóa tập huấn về “Văn hóa ứng xử, đạo đức tác phong của cán bộ, chiến sĩ CSGT” cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ tại các đơn vị. Qua đó nâng cao ý thức và khả năng ứng xử, giao tiếp trong lực lượng CSGT toàn TP để tiếp tục xây dựng hình ảnh CSGT ngày càng đẹp, thân thiện trong mắt người dân.

* Người dân cũng mong muốn lực lượng CSGT luôn làm tốt nhiệm vụ được giao, thể hiện bản lĩnh, liêm khiết trong thực thi công vụ, nhằm góp phần lập lại trật tự giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông hiện nay. Ông có kỳ vọng vào điều này?

* Lãnh đạo PC67 và Ban Giám đốc Công an TP rất kỳ vọng vào điều này, trước hết là sau khóa tập huấn vừa qua sẽ tạo được bước chuyển biến rõ rệt trên tất cả các mặt trong lực lượng CSGT. Trước hết, mọi cán bộ, chiến sĩ CSGT khi làm nhiệm vụ phải nắm vững quyền hạn, trách nhiệm, hình thức và nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông, tự giác đấu tranh với chính mình trước những cám dỗ về vật chất, thực hiện nghiêm túc, đúng quy định pháp luật, tránh bị khiếu kiện. Trong giao tiếp, ứng xử với người vi phạm giao thông phải hòa nhã, đúng mực và kiên quyết với những hành vi chống người chống người thi hành công vụ.

* Có ý kiến cho rằng, sở dĩ người vi phạm giao thông có hành vi chống người thi hành công vụ, một phần do thái độ và cách ứng xử không tốt của cán bộ, chiến sĩ CSGT khi làm nhiệm vụ?

* Theo tôi, trước tiên có một phần lỗi của người tham gia giao thông khi bị vi phạm thường có tâm lý sợ phải đóng phạt, đi lại nhiều lần mất thời gian nên đã năn nỉ, xin xỏ cán bộ, chiến sĩ CSGT để được bỏ qua lỗi vi phạm. Theo quy trình công tác, cán bộ, chiến sĩ nào bỏ qua lỗi vi phạm của người tham gia giao thông là vi phạm các quy định của ngành. Do vậy, khi lực lượng CSGT làm nhiệm vụ tỏ ra cương quyết, người vi phạm sẽ phản ứng, né tránh, không công nhận vi phạm của mình, dẫn đến hành vi quá khích. Nhiều trường hợp bị ức chế tâm lý, bị kích động mạnh do trong người có hơi men…, không kiềm chế được nên đã có hành vi chống người thi hành công vụ.

Về phía lực lượng CSGT khi làm nhiệm vụ cũng có trường hợp cán bộ, chiến sĩ thiếu giải thích, có lời ăn tiếng nói không đúng mức, gay gắt…, làm cho người vi phạm giao thông phản ứng lại, hoặc tìm cách chống đối, không ký tên vào biên bản vi phạm.

* Thời gian qua đã có cán bộ, chiến sĩ CSGT nào có hành vi nêu trên bị xử lý kỷ luật, thưa ông?

* Từ năm 2012 đến nay, lãnh đạo PC 67 chưa xử lý bằng các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, chiến sĩ CSGT vi phạm văn hóa ứng xử, giao tiếp với người vi phạm giao thông. Tới đây chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý cán bộ, chiến sĩ CSGT nào có hành vi ứng xử kém với người dân, bất kể là ai, cấp nào.

* Để xây dựng hình ảnh CSGT ngày càng đẹp, thân thiện với người dân, theo ông cần có giải pháp gì?

* Ngoài việc nâng cao ý thức và khả năng ứng xử, giao tiếp trong lực lượng CSGT, lãnh đạo PC 67 còn đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với các phong trào thi đua “Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”. Qua đó, giúp mỗi cán bộ, chiến sĩ CSGT khơi dậy niềm vinh dự, tự hào với danh hiệu Công an nhân dân, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 

HOÀI NAM (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục