Dự án “treo”… xóa như thế nào?

Từ nhiều năm nay, TPHCM đã liên tục rà soát tiến độ thực hiện của nhiều dự án xây dựng có liên quan đến đất đai và đã tiến hành thu hồi lại đất đối với những dự án chậm triển khai, mà nói nôm na là dự án “treo”. Công tác này, thời gian gần đây càng được triển khai mạnh mẽ hơn do Chính phủ có chủ trương xóa quy hoạch “treo” , dự án “treo” trên khắp các tỉnh thành trong cả nước.
Dự án “treo”… xóa như thế nào?

Từ nhiều năm nay, TPHCM đã liên tục rà soát tiến độ thực hiện của nhiều dự án xây dựng có liên quan đến đất đai và đã tiến hành thu hồi lại đất đối với những dự án chậm triển khai, mà nói nôm na là dự án “treo”. Công tác này, thời gian gần đây càng được triển khai mạnh mẽ hơn do Chính phủ có chủ trương xóa quy hoạch “treo” , dự án “treo” trên khắp các tỉnh thành trong cả nước.

  • Đừng kết tội chủ đầu tư?

Một khu đất được quy hoạch. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Một khu đất được quy hoạch. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Một lãnh đạo của Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho biết: Nhiều doanh nghiệp trong Hiệp hội đang khốn đốn vì dự án của mình không triển khai được. “Không phải vì chúng tôi thiếu tiền, thiếu năng lực thực hiện dự án, cái chính là vướng giải tỏa”, vị này khẳng định.

Ông kể một mạch: “Công ty HL triển khai một dự án xây dựng nhà ở quận 7. Toàn bộ dự án rộng 58 ha, đơn vị đã giải tỏa được hơn 57 ha, chỉ còn vài ngàn mét vuông với một vài hộ, vậy mà nhiều năm nay không giải tỏa được.

Những chủ đất ở đây đòi đến 30 triệu đồng/m2 đất vườn”. Cũng tại quận 7, từ hơn 3 năm nay, một doanh nghiệp khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự Công ty HL. Đơn vị này có một dự án tại phường Phú Thuận, đã giải tỏa được gần 70% diện tích với giá đền bù cho dân khoảng 6 - 7 triệu đồng/m2. Những hộ dân còn lại, không những không chấp nhận di dời mà còn liên tục đòi tăng giá đền bù: từ 10 triệu đồng/m2 vào khoảng đầu năm 2006, đến nay đã lên tới 14 triệu đồng/m2 trong khi đó, Sở Tài chính đã từng thẩm định giá tại khu vực này chỉ khoảng 5,5 triệu đồng/m2.

Công ty TP cũng “khóc ròng” từ 10 năm nay vì chỉ một hộ không chịu giải tỏa mà cả dự án của họ ở quận 2 không triển khai được. Cũng theo vị lãnh đạo Hiệp hội này, nhiều doanh nghiệp đã tính đến khả năng nhượng bộ “giá nào cũng mua” để sớm triển khai dự án song một số địa phương không cho với lý do sẽ ảnh hưởng đến công tác đền bù của các dự án khác gần đó.

“Ngồi lại với nhau để bàn về những chuyện như vậy, chúng tôi cũng không trách một số chính quyền địa phương đã làm thế”, vị lãnh đạo này nói. Thế nhưng, điều ấy dường như lại đang mâu thuẫn với quy định “ đối với các dự án kinh doanh, chủ đầu tư chủ động thương lượng với dân, đền bù cho dân theo giá thị trường”.

Thị trường trong những tình huống cụ thể nêu trên là người mua đang rất muốn mua, như thế tất yếu giá sẽ bị đẩy lên cao. Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh địa ốc đều có vay vốn của ngân hàng. “Mỗi ngày trôi đi, dự án không triển khai được, tiền lãi ngân hàng cứ phải trả, chúng tôi xót xa lắm”, người đại diện cho Hiệp hội Bất động sản thành phố cũng là chủ một doanh nghiệp kinh doanh địa ốc tầm cỡ của thành phố than thở. Theo ông, đừng kết tội chủ đầu tư khi dự án chậm triển khai (!?).

  • Xóa dự án “treo” là tạo điều kiện cho dự án không “treo”

Trưởng phòng quản lý Tài nguyên Môi trường một quận ven của thành phố, nơi có hàng chục dự án kinh doanh địa ốc đang được triển khai cho biết: “Nhìn nhiều doanh nghiệp không thể hoàn tất việc đền bù giải tỏa, chúng tôi áy náy lắm nhưng chẳng biết phải giúp họ như thế nào?

Chúng tôi không thể giúp cưỡng chế những hộ không di dời và cũng không thể cho phép họ đẩy giá đền bù lên cao quá bởi lẽ trên địa bàn còn không ít dự án công ích cần giải tỏa. Không thể có sự chênh lệch quá mức giữa giá đền bù của các dự án công ích và dự án kinh doanh vì như thế sẽ bất ổn ngay. Đó là chưa nói đến khả năng, nếu đẩy giá đền bù lên quá cao thì giá bán của dự án sau này cũng sẽ rất cao trong khi chúng ta đang cố gắng xây dựng những khu dân cư có giá thành phù hợp với sức mua của đại đa số người dân.

Mấu chốt vấn đề ở đâu? Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp kinh doanh địa ốc tên tuổi của thành phố nhận định, đây là câu chuyện của lịch sử. Trước khi Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực, đã có tình trạng doanh nghiệp ép dân “mua đất với giá rẻ rồi bán đi với giá cao”, thu lợi nhuận kếch xù. Người dân bán đất rơi vào cảnh nghèo túng… Mâu thuẫn vì thế phát sinh.

Khắc phục bất hợp lý này Nhà nước đã quy định: Chủ đầu tư phải thương lượng với dân, mua đất của dân với giá thị trường. Chủ trương là đúng nhưng nhiều chủ đất lại lợi dụng để làm khó doanh nghiệp: không bán đất hoặc đẩy giá lên rất cao. Như vậy, để tháo gỡ vướng mắc trên, theo doanh nghiệp này: Nhà nước cần có chính sách đảm bảo quyền lợi không chỉ cho người dân mà còn cho cả doanh nghiệp.

Vừa qua, UBND TPHCM đề xuất Chính phủ: “Đối với các dự án đầu tư mà nhà đầu tư đã tự thỏa thuận bồi thường được khoảng 80% tổng diện tích nhưng 20% còn lại không thể thỏa thuận thì cho phép thu hồi đối với phần diện tích không thể thỏa thuận nhằm giúp nhà đầu tư sớm triển khai dự án”, theo rất nhiều doanh nghiệp trong Hiệp hội Bất động sản, đây là một động thái hoàn toàn đúng, sẽ cơ bản gỡ được những khó khăn mà doanh nghiệp đã gặp trong thời gian qua.

Tuy nhiên, ở góc độ người dân, theo những người mà phóng viên Báo Sài Gòn Giải phóng đã gặp gỡ và tiếp xúc: “Nhà nước cần tính lại giá đền bù cho dân cả ở 2 loại dự án: kinh doanh và công ích. Tránh tình trạng giá đền bù cho các dự án công ích thấp và buộc các dự án kinh doanh phải thấp theo. Giá đền bù phải đúng theo giá thị trường và cần có một cơ quan độc lập xác lập mức giá này”.

Điều thú vị là lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường lại rất đồng tình với ý kiến này của người dân. Và không chỉ có thế, theo Sở Tài nguyên Môi trường, cần có một tòa án giải quyết những tranh chấp về đền bù giải tỏa. Một khi lợi ích của người dân và nhà đầu tư được đảm bảo thì các dự án sẽ có điều kiện triển khai tốt. Những dự án chậm triển khai sẽ được hạn chế đến mức tối đa. Như vậy, Nhà nước sẽ không còn phải nhọc công chỉ đạo xóa dự án ‘treo”. Cách hay nhất để xóa dự án “treo” là tạo điều kiện cho dự án không “treo”, lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM khẳng định.

Tình hình triển khai các dự án đầu tư hạ tầng tại TPHCM

Từ tháng 3-2006 đến nay, Sở Tài nguyên Môi trường và UBND các quận, huyện đã tiến hành rà soát việc thực hiện 1.046 dự án với tổng diện tích 7.717,48 ha đã được giao từ ngày 1-1-2003.

Trong đó: Dự án nhà ở: có 161 dự án hoàn thành cơ sở hạ tầng kỹ thuật, 183 dự án đang triển khai ở mức độ bình thường, 14 dự án chậm tiến độ bồi thường, giải tỏa. Dự án sản xuất kinh doanh: 177 dự án đã cơ bản xong, 125 dự án đang thực hiện ở mức độ bình thường, 14 dự án chậm tiến độ bồi thường hoặc chưa xây dựng. Dự án phục vụ công cộng: 86 dự án đã cơ bản hoàn thành, 271 dự án thực hiện ở mức độ bình thường, 15 dự án chậm tiến độ bồi thường.

Từ đầu năm 2003 đến nay, UBND TPHCM đã thu hồi đất đối với 29 dự án không triển khai hoặc triển khai chậm. Tổng diện tích của các dự án này là 432,5ha, trong đó từ đầu năm 2006 đến nay có 10 dự án bị xử lý với diện tích 83 ha.

(Nguồn: Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM)

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục