Ông chủ chung cư 727 Trần Hưng Đạo

Vào những năm 1960 của thế kỷ trước, nguyên một dãy phố cũ kỹ trên đường Trần Hưng Đạo được san ủi để mọc lên một tòa nhà cao 13 tầng, lớn nhất Sài Gòn lúc bấy giờ.

Tòa nhà có tên gọi Building President tọa lạc tại số 727 đường Trần Hưng Đạo, phường 1, quận 5. Chủ nhân tòa nhà này chính là tỷ phú một thời, ông Nguyễn Tấn Đời. Tháng 4-1975, chung cư này được tiếp quản giao cho nhiều đơn vị phân phối làm nhà ở cho CBCNV.

Xây dựng xong, ông Đời ký hợp đồng cho thuê toàn bộ ngôi nhà với Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ đóng tại miền Nam để những sĩ quan cao cấp của quân đội viễn chinh trú ngụ. Qua bản hợp đồng, chủ nhân tòa nhà đã lấy lại toàn bộ tiền đầu tư, khoản lợi nhuận to lớn và những trang thiết bị hiện đại do người Mỹ lắp đặt khi hết hạn cho thuê.

Ông Nguyễn Tấn Đời sinh trưởng tại vùng Châu Đốc, tỉnh An Giang, trong một gia đình nông dân. Thời trẻ ông làm nghề buôn trâu bò qua biên giới. Nhờ giữ chữ tín trong buôn bán nên ông nhanh chóng tích góp được một số vốn để vào Sài Gòn lập nghiệp vào năm 1954.

Từ một con người không được học hành nhiều, không bằng cấp, Nguyễn Tấn Đời thành đạt theo cách người Mỹ gọi là “self made man”, con người tự đào tạo. Ông bắt đầu công việc kinh doanh từ việc thành lập hãng gạch bông Đời Tân và mau chóng vượt lên những đối thủ trong ngành gạch ngói.

Thành công với hãng gạch, Nguyễn Tấn Đời mua cả khu phố cạnh chợ Bến Thành để xây dựng nhà hàng Mai Loan cao 6 tầng, nổi tiếng sang trọng bậc nhất Sài thành với các tiện nghi lần đầu mới có ở Việt Nam thời bấy giờ như tủ lạnh, máy lạnh, máy nước nóng.

Thành đạt trong kinh doanh khách sạn và cho thuê mướn nhà, nhất là việc cho thuê Building President, Nguyễn Tấn Đời nhanh chóng trở thành một trong số những người giàu có nhất đất Sài Gòn và được gọi là “vua building”.

Từ “vua building”, ông chuyển sang “vua ngân hàng”. Trong một thời gian ngắn, ông thành lập mạng lưới Ngân hàng Tín Nghĩa có 32 chi nhánh ở khắp miền Nam. Tài khoản ký thác trong ngân hàng lên đến 30 tỷ đồng, trong khi tổng số tiền ký thác của các ngân hàng tư khác chỉ khoảng 18 tỷ đồng.

Ông Đời đã chủ động đưa ra chiến lược cạnh tranh, thay đổi cách phục vụ, mời mọc khách hàng đến với ngân hàng. Trước đó, các ngân hàng khác không tìm đến khách hàng, những ai cần ngân hàng thì tự tìm đến.

Năm 1971, Nguyễn Tấn Đời tham gia chính trường với danh vị hạ nghị sĩ quốc hội, đơn vị tỉnh Kiên Giang. Sự lớn mạnh của Ngân hàng Tín Nghĩa, cũng như sự bành trướng thế lực của ông Đời đã gây khó chịu cho các đại gia, quan chức thời đó.

Năm 1974, các cơ sở của Ngân hàng Tín Nghĩa bị niêm phong, ông Đời bị ngồi tù tại Chí Hòa. Năm 1975, Nguyễn Tấn Đời được tha và lặng lẽ sang Canada định cư. Tại đây, ông mở một số nhà hàng Nhật và qua đời ở tuổi 70.

DÃ QUỲ (sưu tầm)

Tin cùng chuyên mục