Có liên quan đến quy hoạch xây dựng?

Nhiều quan điểm khác nhau
Có liên quan đến quy hoạch xây dựng?

Lốc xoáy, cây đổ, ngập nước

Liên tiếp 10 ngày gần đây, TPHCM đã phải hứng chịu nhiều trận mưa với vũ lượng lớn, biến nhiều khu vực của thành phố “thành sông”. Chưa hết, gió lớn kèm theo mưa đã kéo đổ hàng chục cây xanh còn xanh tốt và đã có trường hợp tử vong do cây đè. Tại sao vậy?

Mật độ xây dựng cần tính toán kỹ nhằm giảm thiểu tình trạng công trình xây dựng trở thành vật cản gió, hạn chế độ thấm nước. Ảnh: CAO THĂNG

Nhiều quan điểm khác nhau

Theo PGS-TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Nước và biến đổi khí hậu thuộc Đại học Quốc gia TPHCM, Phó ban điều hành chương trình chống ngập TPHCM, một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra những trận mưa với vũ lượng lớn kèm gió lốc là hiện tượng đảo nhiệt. Hiện tượng đảo nhiệt hình thành khi bầu không khí nóng và nhẹ trong nội thành bốc lên, tạo điều kiện cho khí lạnh từ nơi khác tràn về gây mưa kèm gió lớn. Bầu không khí trong nội thành nóng là do bị “hun” bởi nhiệt năng tỏa ra từ hoạt động giao thông, sản xuất công nghiệp và việc sử dụng nhiều thiết bị liên quan đến năng lượng khác. Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt, Chánh Văn phòng biến đổi khí hậu TPHCM cũng cho rằng hiện tượng đảo nhiệt đang ảnh hưởng tiêu cực tới thời tiết thành phố. Nhất là trong thành phố đang có nhiều công trình xây dựng lớn được hình thành.

Những công trình này nếu không được tính toán hướng gió một cách hợp lý, vô hình trung sẽ trở thành vật cản đường đi của gió, biến gió lành thành gió dữ, tạo thành những cơn gió xoáy trên địa bàn thành phố. Chưa hết, theo tiến sĩ Nguyễn Trung Việt, khí thải từ hoạt động giao thông, hoạt động sản xuất công nghiệp…không những “hun” nóng bầu không khí thành phố mà còn thải ra nhiều chất độc hại như NH3, CO2… gây hiệu ứng nhà kính, làm biến đổi khí hậu. Hiện tượng đảo nhiệt cộng hưởng với hiện tượng biến đổi khí hậu làm cho thời tiết của TPHCM ngày càng diễn biến phức tạp, khắc nghiệt hơn.

Không đồng ý với ý kiến của các chuyên gia môi trường, một chuyên gia về quy hoạch xây dựng của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM cho rằng, hiện tượng đảo nhiệt chỉ xảy ra cục bộ, tại những khu vực tập trung nhiều hoạt động giao thông, hoạt động sản xuất công nghiệp hoặc khu vực có nhiều công sở, nhà dân sử dụng các thiết bị điện tử như máy lạnh, tủ lạnh… Với quy mô cục bộ, nhỏ lẻ như vậy, hiện tượng đảo nhiệt không đủ “sức” ảnh hưởng tiêu cực đến thời tiết thành phố.

Các công trình cao tầng có thể cản đường đi của gió nhưng cũng chỉ “đẩy” gió xoáy, xoay quanh chân công trình. Cũng theo chuyên gia này, không chỉ có hàng chục cây xanh trong khu vực trung tâm bị ngã đổ trong cơn mưa chiều chủ nhật 17-8-2014, toàn địa bàn thành phố, nhất là khu vực quận Bình Thạnh, ven đường Nguyễn Thị Minh Khai gần cầu Thị Nghè còn có khá nhiều cây xanh nhỏ khác bị bật gốc. Như vậy phải có một luồng gió rất mạnh đã thổi trên diện rộng và tràn qua thành phố. Hiện tượng đảo nhiệt hình thành cục bộ, không thể tạo ra những cơn gió lớn như thế.    

Cần có một nghiên cứu sâu

Rải rác trong nhiều đồ án xây dựng đô thị đã được phê duyệt hoặc trong nhiều tài liệu nghiên cứu đã được các sở ngành chức năng công bố, công tác thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng đô thị theo hướng bền vững… đã được đặt ra. Đơn cử, quy hoạch sử dụng đất TPHCM vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có khá nhiều nội dung liên quan đến giảm thiểu những tác động tiêu cực trong xây dựng đối với môi trường… Ví dụ, công tác xây dựng và sử dụng đất tại huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè, quận 2, quận 9, Thủ Đức… được khuyến cáo nên bảo vệ không gian xanh. Hạn chế bê tông hóa đường và nhiều công trình xây dựng khác. Mật độ xây dựng, hướng xây dựng cần tính toán kỹ nhằm giảm thiểu tình trạng công trình xây dựng trở thành vật cản gió, nhằm đảm bảo độ thấm nước, không khí mát và trong lành cho khu vực.

Một tài liệu khác của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM phối hợp cùng các nhà khoa học Đức thực hiện: Cẩm nang về quy hoạch và thiết kế đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu cũng có đề cập đến vai trò quan trọng của việc xây dựng đối với công tác “điều hòa không khí” thành phố. Tài liệu này khẳng định, xây dựng hành lang thông gió là một việc rất quan trọng nhằm tạo ra không khí mát và trong lành cho thành phố. Việc xây dựng hành lang thông gió phải được xác định và quy hoạch rõ ràng ngay trong các đồ án phát triển đô thị cấp thành phố.

Ở cấp quận, huyện, các hành lang thông gió nhỏ cũng cần được xác định và bảo vệ. Sự cản trở hành lang thông gió có thể tác động tiêu cực đến khí hậu của toàn thành phố. Khuyến cáo trong công tác xây dựng được đưa ra trong tài liệu này là để đảm bảo cung cấp không khí trong lành cho thành phố, cho từng khu phố, đường phố và các block nhà nên được xây dựng theo hướng gió chính. Hướng gió chính hợp lý nhất cho TPHCM là hướng gió mùa. Đường phố nên được đặt song song với hướng gió chính hoặc nghiêng góc từ 30 độ. Mặt đường cắt phải đủ rộng và không bị chặn bởi các công trình hoặc cây xanh dày đặc.

Nên hạn chế sự cản gió. Các tòa nhà cao tầng ở TPHCM thường đặt trên khối đế cao 5 - 6 tầng. Do vậy, lưu lượng gió có thể bị hạn chế ở tầm cao đối với người đi bộ. Nên tránh xây dựng tòa nhà có thể tích lớn. Khối thể tích lớn gây ra hiệu ứng chắn gió, tuy cũng có thể giảm gió trong trường hợp hiệu ứng phễu hút gió. Đối với các tòa nhà dọc theo bờ sông, cần phải tạo ra hành lang để tận dụng luồng gió mát mẻ lưu thông từ mặt nước. Các không gian lớn như sân bay, đường cao tốc, các công viên cũng có thể là các kênh dẫn gió vào thành phố. Do vậy, chúng nên được tính toán để chuyển hướng gió theo hướng mong muốn vào thành phố.

Tuy khá chi tiết nhưng những nghiên cứu nêu trên vẫn chưa tập trung sâu vào hiện tượng đảo nhiệt. Hiện tượng đảo nhiệt có tác động tiêu cực như thế nào đối với thời tiết TPHCM… chưa được một văn bản có tính pháp quy nào cảnh báo. Do vậy, trước những diễn biến bất thường của thời tiết và hậu quả của nó đối với cuộc sống của người dân TPHCM, trong khi các nhà khoa học còn đang tranh luận, thiết nghĩ thành phố nên vào cuộc. Hãy hỗ trợ cho các nhà khoa học nghiên cứu sâu hơn về hiện tượng đảo nhiệt và các vấn đề liên quan để kịp thời cảnh báo cho người dân thành phố những nguy cơ có thể xảy ra từ hiện tượng này cùng với những giải pháp ngăn chặn.

Theo một chuyên gia của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, trước những diễn biến bất thường của tự nhiên, nhiều thành phố trên thế giới đã đầu tư ngay cho công tác nghiên cứu tìm nguyên nhân và giải pháp xử lý. Một cách làm khoa học như vậy là điều kiện tiên quyết giúp cho TPHCM phát triển bền vững vừa giúp người dân thành phố có một môi trường sống an toàn hơn.

NGUYỄN KHOA


Khu trung tâm hành chính TPHCM
Phải có kiến trúc đẹp nhất, tiêu chí xây dựng tiên tiến nhất

Nhiệm vụ thiết kế “Quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 và thiết kế kiến trúc công trình khu trung tâm hành chính thành phố” vừa được UBND TPHCM phê duyệt.

Theo nhiệm vụ này, công tác thiết kế, xây dựng khu trung tâm hành chính phải đạt được kiến trúc đẹp nhất, có sáng tạo với các tiêu chuẩn về môi trường sinh thái nhất, tận dụng được chiếu sáng tự nhiên, tiêu chí xây dựng tiên tiến nhất, ứng dụng được công nghệ xanh, sử dụng vật liệu lâu bền phù hợp tiêu chuẩn và điều kiện khí hậu của TPHCM. Tiết kiệm diện tích xây dựng, tận dụng tối đa không gian để dành chỗ cho cây xanh, lối đi, đặc biệt dành diện tích cho sân vườn, khoảng trống có thể tập trung đông người trong các dịp tổ chức hội nghị, sinh hoạt tập thể. Cốt nền của trụ sở HĐND TPHCM - UBND TPHCM làm chuẩn cho cốt nền khu trung tâm hành chính thành phố và cốt nền các tuyến đường xung quanh, nhất là cốt nền đường Nguyễn Huệ. Công trình trụ sở UBND TPHCM được bảo tồn phải được bố trí hài hòa với các công trình xây mới.

Các chỉ tiêu, kiến trúc cho toàn khu như sau: tầng cao công trình tối đa 14 tầng (không kể tầng hầm) với chiều cao công trình tối đa 48m, mật độ xây dựng tối đa 60%, hệ số sử dụng đất tối đa 3,0, tổng diện tích sàn sử dụng (tạm tính) 54.200m², tổng diện tích sàn của các công trình dự kiến giữ lại khoảng 13.000m², tổng diện tích sàn dự kiến của khối công trình xây dựng mới 41.200m², chỉ giới xây dựng công trình: sát lộ giới các tuyến đường. Yêu cầu về giao thông, kết nối giao thông đối nội và đối ngoại hợp lý, đảm bảo giao thông thông suốt. Nghiên cứu giải pháp tiếp cận khu trung tâm hành chính theo 2 hướng: tiếp cận ra vào tầng hầm dành cho đối tượng sử dụng xe cá nhân, tiếp cận đối với đối tượng sử dụng xe buýt. Bố trí sân bay dành cho máy bay trực thăng, có đường hầm băng qua đường Lý Tự Trọng. Xây dựng tầng hầm đậu xe cho khu vực và cán bộ công nhân viên.

Được biết, khu trung tâm hành chính rộng 18.088m², phía Đông Bắc giáp đường Lê Thánh Tôn, phía Tây Bắc giáp đường Đồng Khởi, phía Tây Nam giáp đường Lý Tự Trọng, phía Đông Nam giáp đường Pasteur.

TÂM ĐỨC

Tin cùng chuyên mục