Kiểm soát sử dụng túi ni lông

Thực hiện Đề án “Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020 nhằm thích ứng biến đổi khí hậu trên địa bàn TPHCM” (theo Quyết định 582/2013 của Thủ tướng Chính phủ), thời gian qua đã mang lại một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, việc vận động các tiểu thương chuyển qua sử dụng túi ni lông thân thiện với môi trường hiện vẫn còn nhiều khó khăn.

Thực hiện Đề án “Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020 nhằm thích ứng biến đổi khí hậu trên địa bàn TPHCM” (theo Quyết định 582/2013 của Thủ tướng Chính phủ), thời gian qua đã mang lại một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, việc vận động các tiểu thương chuyển qua sử dụng túi ni lông thân thiện với môi trường hiện vẫn còn nhiều khó khăn.

Một hoạt động tuyên truyền về không sử dụng bao ni lông khó phân hủy cho học sinh. Ảnh: Phương Hà

Kiến nghị cấm phát túi ni lông khó phân hủy

Báo cáo với Bộ Tài nguyên - Môi trường, UBND TPHCM cho biết, những năm qua, thực hiện Đề án “Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020 nhằm thích ứng biến đổi khí hậu trên địa bàn TPHCM”, TP đã chỉ đạo các sở, ngành trên địa bàn triển khai nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, vận động người dân, đơn vị bán lẻ giảm sử dụng túi ni lông chậm phân hủy. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, UBND TP cũng nhận thấy việc vận động các tiểu thương chuyển sang sử dụng túi ni lông thân thiện với môi trường để thay thế túi ni lông khó phân hủy còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là do việc thực thi Luật Thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông thông thường chưa được chú trọng đúng mức và chưa cũng kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các loại bai bì, dẫn đến tình trạng túi ni lông thân thiện môi trường không thể cạnh tranh được về giá với một số sản phẩm túi ni lông thông thường. Cùng với đó, việc kiểm soát chất lượng túi ni lông thân thiện môi trường chưa được các cơ quan chức năng thực hiện chặt chẽ; chưa có cơ chế, chính sách pháp luật về kiểm soát sử dụng túi ni lông khó phân hủy…

Chính vì thế, trong văn bản gửi Bộ Tài nguyên - Môi trường mới đây, UBND TPHCM đã kiến nghị bộ này tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc sản xuất sản phẩm túi ni lông thân thiện với môi trường theo đúng hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận túi ni lông thân thiện môi trường; quy định về nhãn túi ni lông thân thiện môi trường để giúp người dân và các cá nhân bán lẻ dễ nhận biết; xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật về kiểm soát sử dụng túi ni lông khó phân hủy. Trong đó, đáng lưu ý là TP kiến nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường nghiên cứu ban hành quy định cấm phát miễn phí túi ni lông tại các chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, nhà sách…

Hạn chế phát miễn phí

Măc dù nhiều năm qua, Sở Tài Nguyên - Môi trường TPHCM đã phối hợp với Sở Công thương và các đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền vận động người dân tiết giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy và yêu cầu các hệ thống bán lẻ hiện đại, như siêu thị, cửa hàng tiện lợi chuyển sang sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường và hiện nay, các siêu thị lớn trên địa bàn TPHCM như Co.opmart, Big C… cũng đã triển khai sử dụng túi tự hủy; tuy nhiên, thực tế hiện thói quen sử dụng bao ni lông thông thường của người dân còn rất lớn. Nhiều cửa hàng tạp hóa, quán ăn, cửa hàng bán lẻ; đặc biệt tại các chợ truyền thống, tiểu thương vẫn phát túi ni lông khó phân hủy miễn phí cho người dân sử dụng.

Theo số liệu của Sở Công thương TPHCM vào cuối năm 2016, riêng kênh phân phối bán lẻ tại TP đã sử dụng hơn 9 tấn túi ni lông/ngày trong hoạt động kinh doanh, đa phần là túi ni lông khó phân hủy. Trong đó, có đến 80% được sử dụng tại mạng lưới các chợ truyền thống. Nguyên nhân số lượng lớn túi ni lông khó phân hủy được sử dụng nhiều như trên là do bên cạnh thói quen mua bán của người dân, việc túi ni lông khó phân hủy được sử dụng phổ biến còn do tính tiện lợi của nó. Trong khi các sản phẩm thay thế, như túi thân thiện với môi trường thì giá thành sản xuất cao hơn nhiều. Rõ ràng, với khối lượng lớn túi ni lông khó phân hủy được sử dụng mỗi ngày, nếu không có giải pháp thu gom và xử lý đúng cách sau khi sử dụng sẽ gây những ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và môi trường sống. Việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy đã trở thành thói quen và không dễ gì loại bỏ trong thời gian ngắn nên công tác vận động, tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân rất cần thiết. Để làm được việc này, UBND TPHCM vừa giao Sở Tài nguyên - Môi trường phối hợp với các sở, ngành liên quan mở rộng công tác tuyên truyền, vận động người dân giảm sử dụng và phân loại khi thải bỏ loại túi ni lông khó phân hủy.

Ngoài ra, TP cũng yêu cầu Sở Giáo dục - Đào tạo tiếp tục duy trì việc đưa nội dung kiểm soát ô nhiễm môi trường do túi ni lông khó phân hủy gây ra vào các hoạt động giáo dục và truyền thông cho học sinh tại trường học. Cùng với đó, TP yêu cầu Sở Công thương tiếp tục thực hiện nhiều chương trình tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân bán lẻ; đặc biệt là tiểu thương tại các chợ cam kết giảm sử dụng túi ni lông; hạn chế hoặc không phát miễn phí túi ni lông khó phân hủy cho người tiêu dùng; sử dụng các loại túi, phương tiện đựng hàng thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông. TP cũng giao Cục Thuế TPHCM có trách nhiệm giám sát việc thu nộp thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông khó phân hủy đang lưu thông, phân phối trên thị trường; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh vi phạm.

An Yên

Tin cùng chuyên mục