Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn: Thi tuyển lãnh đạo sẽ hạn chế chạy chức, chạy quyền

Bên lề hội nghị tổng kết công tác năm 2009 và triển khai nhiệm vụ năm 2010 của ngành nội vụ được tổ chức tại TPHCM mới đây, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn (ảnh) đã có cuộc trao đổi với PV Báo SGGP xoay quanh công tác tuyển chọn, quy hoạch, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính quyền các cấp.

Bên lề hội nghị tổng kết công tác năm 2009 và triển khai nhiệm vụ năm 2010 của ngành nội vụ được tổ chức tại TPHCM mới đây, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn (ảnh) đã có cuộc trao đổi với PV Báo SGGP xoay quanh công tác tuyển chọn, quy hoạch, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính quyền các cấp.

Cứ “lên” là “ở” đến khi về hưu?

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn cho rằng, do từ trước đến nay chúng ta chưa có cơ chế, chính sách tuyển chọn, sử dụng nhân tài rõ ràng và chưa cụ thể hóa được các tiêu chí đánh giá công chức gắn với từng chức trách, nhiệm vụ, nên đã xảy ra tình trạng chạy chức, chạy quyền.

- PV: Dư luận cho rằng, chạy chức, chạy quyền đang phổ biến ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống Đảng, đoàn thể và chính quyền các cấp. Theo bộ trưởng thì mức độ có đến như vậy không?

- Bộ trưởng TRẦN VĂN TUẤN: Theo tôi, chạy chức, chạy quyền không đến mức thành phổ biến như nhận định của dư luận hiện nay. Chạy chức, chạy quyền đúng là có xảy ra ở một số địa phương, ngành, đơn vị, nhưng phổ biến thì chưa. Chạy chức, chạy quyền thường xảy ra khi chuẩn bị quy trình quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ các cấp…

- Từ trước đến nay có tình trạng đã lên chức rồi là “ở” luôn cho đến khi về hưu. Tới đây, tình trạng này có khắc phục được không?

- Luật Cán bộ, công chức có hiệu lực từ ngày 1-1-2010 quy định, nếu cán bộ, công chức mà 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị cho thôi chức hoặc nghỉ việc. Như vậy, sẽ không còn tình trạng đã “lên” rồi là “ở” cho đến lúc về hưu.

- Để hạn chế tình trạng chạy chức, chạy quyền, theo bộ trưởng, cần phải có biện pháp gì?

- Bộ Nội vụ vừa trình Thủ tướng Chính phủ Đề án tổ chức thi tuyển các chức danh lãnh đạo. Nếu được thông qua, hàng năm sẽ tổ chức thi tuyển các chức danh lãnh đạo từ phó phòng, trưởng phòng các quận huyện và tương đương; các phó giám đốc, giám đốc các sở ngành của tỉnh thành. Chủ trương này theo tôi sẽ tạo môi trường cạnh tranh trong đội ngũ cán bộ, công chức. Ai đủ tài năng, tiêu chuẩn và mong muốn tham gia vào bộ máy lãnh đạo, quản lý chính quyền các cấp đều có cơ hội để khẳng định mình.

Thi tuyển lãnh đạo: mở rộng đến đâu?

- Như vậy, việc thi tuyển sẽ được mở rộng đến mọi đối tượng, mọi trình độ trong đội ngũ cán bộ, công chức?

- Trước hết phải xác định việc thi tuyển các chức danh lãnh đạo phải có những yêu cầu tối thiểu về tiêu chuẩn về quá trình công tác, phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn… Nếu không chuẩn bị kỹ các bước đi cụ thể thì khó có thể chọn được người thực sự am hiểu về chuyên môn, có khả năng giải quyết các tình huống xảy ra trong thực tế.

Trước những việc khó khăn, người cán bộ đó có thể nói được, nhưng chưa chắc đã làm được. Vấn đề phẩm chất đạo đức, nếu không có quá trình thử nghiệm, có trường hợp người giỏi nhưng không có phẩm chất đạo đức thì chưa chắc đã đáp ứng được yêu cầu công việc. Cho nên hướng mà Bộ Nội vụ trình Chính phủ Đề án tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo phải kết hợp làm tốt đầu vào để tuyển chọn được những cán bộ, công chức đạt mức tiêu chuẩn tối thiểu về quá trình đóng góp, cống hiến và phẩm chất đạo đức, năng lực, trách nhiệm, khả năng chuyên môn.

- Hình thức tổ chức thi tuyển các chức danh lãnh đạo sẽ thực hiện ra sao?

- Việc thi tuyển cố gắng làm thế nào phải khách quan, để thông qua thi tuyển sẽ lựa chọn được những cán bộ có thực tài. Hình thức thi sẽ là thi viết và thi vấn đáp; đồng thời quá trình thi sẽ lưu lại những bài vấn đáp qua ghi âm, ghi hình trực tiếp. Đề thi sẽ là đề mở để tránh sự chuẩn bị trước đáp án nhằm bảo đảm chất lượng của cuộc thi. Với cách đó, theo tôi sẽ có điều kiện chọn được những cán bộ có năng lực, có phẩm chất đạo đức và đáp ứng công việc tốt hơn.

Vấn đề quan trọng là công tác quy hoạch, đào tạo phải được chuẩn bị kỹ từ trước, để đến khi tổ chức thi tuyển các chức danh lãnh đạo là chúng ta có ngay một đội ngũ am hiểu về chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức, có khả năng ứng đối, quyết đoán khi giải quyết các công việc trong thực tế. Công tác quy hoạch cũng phải tiến hành các bước bỏ phiếu, rồi cấp có thẩm quyền duyệt quy hoạch.

Bước tiếp theo, là quy trình bổ nhiệm cán bộ cũng phải tiến hành thật khách quan, người được bỏ phiếu để bổ nhiệm phải là người có tinh thần trách nhiệm, không bị tác động khi bỏ phiếu giới thiệu. Có làm tốt được những việc như vậy, tình trạng chạy chức chạy quyền sẽ bị hạn chế nhiều và có thể nói, nếu phát huy dân chủ tốt và đề cao tinh thần trách nhiệm của các cấp các ngành thì không có chỗ để cho người chạy chức chạy quyền có thể làm được cái việc bỏ đồng tiền, vật chất ra mà mua được chức.

- Thế nhưng, trên thực tế việc tuyển chọn cán bộ, công chức nhiều nơi làm rất hình thức và không công khai, dân chủ. Đơn cử như ở tỉnh Bắc Ninh, Quảng Bình mà vừa qua báo chí nêu, có tình trạng “hắt hủi” nhân tài?

- Trường hợp ở Bắc Ninh, tôi đã chỉ đạo kiểm tra lại. Trường hợp chỗ chị Hương ở Quảng Bình thì nói rõ hơn. Nơi tuyển ở đây đưa ra tiêu chuẩn tuyển dụng công chức có bằng cao đẳng về chế biến thực phẩm. Nhưng chị lại không có bằng này, mà lại có bằng đại học chế biến chung, chứ không nêu rõ chuyên ngành cần tuyển. Qua các bước xem xét giải quyết lại, đến nay chị Hương đã được tuyển chọn vào làm việc đúng nguyện vọng của mình.

- Bộ Nội vụ và cơ quan nội vụ các cấp thời gian qua đã phát hiện, xử lý được tổ chức, cá nhân nào vi phạm các quy định về tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo và bổ nhiệm cán bộ?

- Ở tỉnh Quảng Bình và Quảng Ninh có phát hiện một số giáo viên được tuyển dụng không đúng tiêu chuẩn. Sau khi thanh tra, bộ đã chỉ đạo cho thôi việc các trường hợp này. Còn việc xử lý vi phạm trong bổ nhiệm cán bộ thì chưa có trường hợp nào.

- Xin cảm ơn bộ trưởng.

HOÀI NAM (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục