Chính sách “một cục” - nhiều bất cập

Do nhu cầu trước mắt, rất nhiều người lao động xin nghỉ việc, hoặc đi giám định y khoa nhằm chứng minh đã suy giảm khả năng lao động để được lãnh “một cục” trợ cấp BHXH. Trong khi đó, có trường hợp sau khi nghỉ việc bị bệnh hiểm nghèo, muốn được hưởng BHXH một lần mà lại… không được.
Chính sách “một cục” - nhiều bất cập

Do nhu cầu trước mắt, rất nhiều người lao động xin nghỉ việc, hoặc đi giám định y khoa nhằm chứng minh đã suy giảm khả năng lao động để được lãnh “một cục” trợ cấp BHXH. Trong khi đó, có trường hợp sau khi nghỉ việc bị bệnh hiểm nghèo, muốn được hưởng BHXH một lần mà lại… không được.

Làm hồ sơ hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH tại Bảo hiểm xã hội TPHCM. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Làm hồ sơ hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH tại Bảo hiểm xã hội TPHCM. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Người cần... không có

53 tuổi, ông N.A.K. bị bệnh hiểm nghèo. Với thời gian tham gia BHXH trên 30 năm, hoàn cảnh khó khăn, ông K. gõ cửa cơ quan BHXH, trình bày: “Hiện tôi đang mắc bệnh hiểm nghèo và có nguyện vọng giải quyết chế độ BHXH một lần được không? Nếu được, thủ tục hồ sơ thế nào?”. “Trường hợp ông hỏi không thuộc đối tượng hưởng trợ cấp BHXH một lần vì đã đóng BHXH trên 20 năm” - cơ quan BHXH cho biết. Đồng cảnh như ông K., hiện nhiều người lao động có thời gian tham gia BHXH trên 20 năm song chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, vì bị bệnh hiểm nghèo nên rất mong được giải quyết chế độ BHXH một lần. Các cán bộ chính sách BHXH chia sẻ, đó là nguyện vọng chính đáng, vì điều người dân cần lúc này là có ngay một khoản tiền để lo chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe. Nghịch cảnh ở chỗ, khi tiếp nhận những trường hợp như thế, dù cán bộ rất muốn giải quyết nhưng lực bất tòng tâm, chỉ vì người lao động đã… đóng BHXH trên 20 năm!

Theo quy định của Luật BHXH, chỉ những người đóng BHXH dưới 20 năm mới được giải quyết trợ cấp BHXH một lần, trừ trường hợp đi định cư ở nước ngoài. Như vậy, những trường hợp sau khi nghỉ việc chưa có việc làm mới, chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo nhưng nếu “lỡ” đóng BHXH trên 20 năm thì coi như không được giải quyết trợ cấp BHXH một lần. “Đó là chuyện không phù hợp cả về lý lẫn tình. Người bị bệnh hiểm nghèo như ung thư, chạy thận nhân tạo, chưa biết sống chết thế nào, họ có thể chờ đến khi đủ tuổi để hưởng lương hưu hay không?” - ông Trần Dũng Hà, Giám đốc BHXH quận 3 nhận xét. Theo ông Trần Dũng Hà, chính những lúc như thế này, lẽ ra chính sách an sinh cần phát huy tác dụng, cần thể hiện tính ưu việt như mục đích của nó thì ngược lại, đã khiến những người tham gia BHXH cảm thấy họ bị bỏ rơi. Vì thế, cần bổ sung quy định người tham gia BHXH trên 20 năm chưa đủ tuổi về hưu mà mắc bệnh hiểm nghèo do Bộ Y tế quy định thì được hưởng BHXH một lần, nếu có yêu cầu. 

Người có lại... lạm dụng

Trong khi đó, không ít người vì nhu cầu trước mắt, đã xin nghỉ việc để chờ hưởng BHXH một lần. Bà Trần Thị Lòng, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bến Tre kể, hàng ngày bà phải giải quyết không biết bao nhiêu trường hợp trợ cấp một lần. Thậm chí, họ xin giới thiệu đi giám định y khoa để “chứng minh” đã bị suy giảm khả năng lao động. Người lao động còn tâm lý xin nghỉ sớm vừa được tiền, vừa còn “trẻ” để làm thêm được gì thì làm. “Người lao động chưa thấy ý nghĩa lâu dài của chính sách BHXH. Mình là người giải quyết mà rất xót ruột vì trong số đó nhiều người có năng lực, có kinh nghiệm. Rất cần tư vấn, vận động hay có cách nào đó ràng buộc họ, nếu không sẽ khó giữ lại lực lượng lao động này” - bà Trần Thị Lòng xót xa.

Tại TPHCM, BHXH TP cho biết, mỗi năm TP có trên 80.000 người lao động hưởng trợ cấp một lần. Theo BHXH Việt Nam, mỗi năm cả nước có trên 500.000 người thôi việc. Tỷ lệ này đáng báo động vì chiếm đến 1/2 số người mới tham gia BHXH mỗi năm và dẫn đến tình trạng “vào” 2, “ra” 1. Song thực tế, có đến 80% số người nghỉ trước tuổi, thôi việc… sau đó họ lại đi làm nơi khác. Điều đó cho thấy, mục đích của đa số người nghỉ việc là muốn nhận “một cục” chứ không phải không còn khả năng lao động như họ nói. Điều đáng tiếc, nếu nhận BHXH một lần thì thời gian đã đóng BHXH xem như không còn giá trị; sau này, nếu họ tiếp tục đi làm thì thời gian đóng BHXH tính lại từ đầu và rất khó đủ điều kiện để hưởng lương hưu.

Theo đánh giá, ngoại trừ trường hợp đi định cư ở nước ngoài, còn quy định hiện nay về điều kiện hưởng trợ cấp BHXH một lần chưa đảm bảo mục đích an sinh xã hội. Bởi, về lâu dài, nhất là khi tuổi cao, sức yếu, do không được hưởng lương hưu hàng tháng, không loại trừ các đối tượng này sẽ tiếp tục là gánh nặng cho xã hội do phải giải quyết trợ cấp xã hội. Nhằm đảm bảo an sinh xã hội, nên quy định chỉ được hưởng trợ cấp một lần trong trường hợp: hết tuổi lao động nhưng không đủ 20 năm đóng BHXH; đi nước ngoài định cư (kể cả người đang hưởng lương hưu); người mắc bệnh hiểm nghèo và có nguyện vọng nhận trợ cấp một lần.

ĐƯỜNG LOAN

Tin cùng chuyên mục