Chắp cánh khát vọng đột phá, sáng tạo

Những ngày Xuân Mậu Tuất trôi qua với nhiều niềm vui, khí thế hào hứng khi lần đầu tiên sau nhiều năm nước ta gặt hái thành quả ngọt ngào: GDP hoàn thành vượt mức kế hoạch, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục… Từ nền tảng này, đất nước đang đứng trước nhiều yếu tố thuận lợi để thúc đẩy công cuộc phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững hơn. Có thể nói hơn lúc nào hết, người dân, giới doanh nghiệp đều bày tỏ khát vọng xây dựng quốc gia thịnh vượng, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách chênh lệch với các nước, vươn lên “hóa hổ”, “hóa rồng”.

Nhưng để hướng tới một quốc gia giàu mạnh trong bối cảnh hiện nay là một thách thức lớn. Bởi lẽ, để nước ta đi nhanh bằng việc giữ tốc độ tăng trưởng cao liên tục không phải là điều dễ dàng khi những điểm yếu nội tại vẫn chưa được khắc phục căn cơ: tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mới của thời đại. Bên cạnh ấy, trong thế giới phẳng hiện nay tính cạnh tranh này càng khốc liệt, là một cuộc đua không ngưng nghỉ. Đất nước ta đang tụt hậu so nhiều quốc gia khác, đi chậm đồng nghĩa với việc không bắt kịp tiến trình phát triển của thế giới. Muốn tồn tại phải có khát vọng đột phá, sáng tạo; vạch rõ chiến lược và xác định hướng đi đúng đắn.
Ngày xuân dấy lên nhiều hứng khởi nhưng ta cũng phải nhìn rõ thực tế chính mình. Nước ta dù đã bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình của thế giới nhưng vẫn chưa thu hẹp được khoảng cách với các nền kinh tế thành công ở châu lục: Singapore, Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc… Nếu duy trì mức tăng trưởng hiện nay thì ta phải mất 20 năm mới đạt được mức thu nhập bình quân đầu người của Malaysia, hơn 10 năm mới bằng Thái Lan. Nhưng vấn đề khi ta đạt được mức độ phát triển trên thì họ cũng đã khác, trong khi đó những nguồn lực cũ thúc đẩy tăng trưởng nước ta đã đến ngưỡng tới hạn: tài nguyên, đất đai, nguồn vốn đầu tư…

Một cản ngại khác là thế giới đang bùng nổ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với trí tuệ nhân tạo và nền kinh tế số; làm thay đổi căn bản nền sản xuất; tác động đến mọi mặt đời sống - xã hội; làm thay đổi cách quản trị từ doanh nghiệp đến quy mô nhà nước. Vì vậy, nếu không khơi tính đột phá, sáng tạo, Việt Nam trong tương lai gần sẽ đối mặt với sự lạc hậu về tầm nhìn - công nghệ, suy giảm sản xuất - kinh doanh, dư thừa lao động thiếu kỹ năng - trình độ thấp…

Tình thế này đòi hỏi phải nhanh chóng hóa giải những vấn nạn cũ. Với chủ trương thực hiện Chính phủ kiến tạo phát triển, 4 năm qua đã có 4 phiên bản Nghị quyết 19 cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam. Những cải cách đã có tác động thấy rõ, tuy nhiên mục tiêu lọt vào tốp 4 khối ASEAN ta vẫn chưa đạt được và thứ hạng về khởi sự kinh doanh ở Việt Nam so với thế giới vẫn ở mức dưới trung bình, xếp hạng 123/190 nền kinh tế. Chúng ta tự hào về cải thiện thủ tục hành chính, nhưng WB công bố báo cáo, cho thấy nhiều vấn đề đáng suy ngẫm: Trong 10 năm liên tục WB không ghi nhận được cải cách nào về đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản; áp lực về chi phí kinh doanh, logistics quá lớn, gây sức ép hoạt động doanh nghiệp; có đến trên 400 văn bản liên quan đến quản lý, kiểm tra chuyên ngành làm doanh nghiệp vất vả đối phó.

Có thể tinh giảm các văn bản và đầu mối quản lý nhưng nền kinh tế vẫn vận hành ổn định và kiểm soát chặt chẽ? Nhìn sang các nước, ta thấy có nhiều vấn đề được cho là “nhạy cảm” nhưng vẫn do hệ thống tư nhân, các đại công ty vận hành dưới sự kiểm soát của Nhà nước: công nghiệp quốc phòng, dịch vụ an ninh, kê khai thuế, xếp hạng tín nhiệm quốc gia… Vậy căn bệnh “nghiện quản lý” của ta có quá cần thiết để phình to? Giới doanh nghiệp kỳ vọng phiên bản Nghị quyết 19-2018 đang soạn thảo sẽ tiếp tục dẹp bỏ phân nửa điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, ngành và giảm ít nhất 50% các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành để thực sự tạo thông thoáng trong đầu tư kinh doanh. Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ trỗi dậy trở thành “con hổ” mới của khu vực. Tuy nhiên, để làm được điều đó, Việt Nam phải tiếp tục thực hiện cải cách thể chế, xây dựng cơ chế thị trường, Nhà nước phải tạo điều kiện kinh tế tư nhân phát triển. Hoàn thiện, hiện đại hóa thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả của các thể chế Nhà nước cũng sẽ góp phần làm nhẹ chi phí doanh nghiệp, thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh hiệu quả hơn”.

Chính phủ đề ra mục tiêu tăng trưởng năm 2018 là 6,7%; trong khi đó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) dự báo ở mức 6,58% và WB là 6,5%. Dự báo là dự báo và việc Việt Nam có đạt được kỳ tích như năm 2017 hay không còn ở phía trước. Chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác cải cách hành chính mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu: “Phải làm chuyển biến nhận thức trong toàn hệ thống công quyền, làm cho các bộ luôn ý thức được trách nhiệm của mình là công bộc của dân, hiểu dân, trọng dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân”. Làm được điều ấy mới chắp cánh tinh thần đột phá, sáng tạo; tạo sự thống nhất cùng nỗ lực phấn đấu xây dựng đất nước phồn vinh.

Vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân ngày nay đã được khẳng định rõ, thật sự là “người lính trên mặt trận kinh tế”, không phải để chống đói nghèo như trước đây, mà góp phần chấn hưng đất nước, có hoài bão vươn lên so vai cùng bạn bè quốc tế. Chắp cánh cho khát vọng sáng tạo, vươn lên trong thời đại công nghiệp 4.0 là đòi hỏi cấp bách của cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục