Định hình những “ranh giới đỏ”

Cuối tuần qua, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã ban hành thông báo về việc xem xét, thi hành kỷ luật Ban Cán sự đảng Bộ LĐTB-XH và nhiều cá nhân vi phạm liên quan. Như vậy, chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phải thi hành kỷ luật gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý.

Nhìn vào các vụ việc cho thấy một thực tế: Nếu như trước đây, các vụ việc tiêu cực phần lớn liên quan đến đất đai, thì nay đã lan rộng ra lĩnh vực đấu thầu, sử dụng tài sản công, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng, đăng kiểm, y tế, giáo dục… đồng thời liên quan nhiều cấp, ngành, lĩnh vực, có những vụ việc liên quan cả cán bộ Trung ương lẫn địa phương.

Tuy nhiên, điều rất đáng ghi nhận là các vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt lớn, nghiêm trọng, phức tạp đều được khởi tố, điều tra xử lý thận trọng, nghiêm khắc, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Trong đó, quy trình xử lý cán bộ sai phạm chặt chẽ, trước hết xử lý về mặt Đảng, đến xử lý về chính quyền và điều tra khởi tố theo quy định pháp luật, tuy chặt chẽ thận trọng nhưng lại rất nhân văn, được đảng viên, dư luận trong nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Tuy nhiên, nhìn những con số cán bộ bị kỷ luật liên tục thời gian qua đã và đang nói lên một thực tế rất đáng lo, là vì sao Đảng ta đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhưng vẫn còn nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý vi phạm, phải chăng cán bộ vẫn chưa biết sợ? Phần lớn vi phạm của cán bộ không phải là nhất thời mà sai trong một thời gian dài, vậy tổ chức có kịp thời kiểm tra, giám sát từ khi vi phạm mới manh nha hay đến khi vi phạm nhỏ thành sai phạm lớn mới kịp phát hiện? Hay phải chăng công tác cán bộ vẫn còn lỗ hổng?

Thời điểm này, các địa phương, cơ quan, đơn vị đang hoàn tất các khâu trong quy hoạch cán bộ để chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ tới. Trong các phiên họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng và rất nhiều hội nghị khác, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh: phải giữ vững nguyên tắc, phát huy dân chủ trong xem xét, quyết định nhân sự quy hoạch; không vì số lượng mà hạ thấp tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, cũng cần có cơ chế kiểm tra, kiểm soát không để “lọt” những người có các hạn chế, khuyết điểm vào quy hoạch cấp chiến lược…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu rất cụ thể là các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu phải chịu trách nhiệm khi giới thiệu về nhân sự quy hoạch. Ở mỗi cấp đều phải bám vào những tiêu chuẩn, tiêu chí đã được quy định và được Tổng Bí thư quán triệt để lựa chọn cho đơn vị mình đội ngũ cán bộ đủ tâm, đủ tầm tham gia vào bộ máy.

Đề cập đến trách nhiệm quan trọng của người đứng đầu, thời gian qua, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lai Châu đã kỷ luật và cơ quan chức năng đã truy tố trách nhiệm hình sự đối với Trưởng Phòng GD-ĐT, Phó Phòng GD-ĐT huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu), do hai người này buông lỏng và thiếu trách nhiệm, thiếu sâu sát trong lãnh đạo, quản lý để cấp dưới cấu kết nhau “qua mặt”, thực hiện không đúng các quy định, chiếm đoạt số tiền lớn của Nhà nước. Đây là một trường hợp cụ thể người đứng đầu phải chịu trách nhiệm khi cơ quan có cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật.

Thực tế cuộc sống luôn diễn biến phức tạp, bên cạnh việc siết lại trách nhiệm người đứng đầu, đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền cần tiếp tục có những giải pháp khả thi, hữu hiệu hơn nữa để công tác cán bộ được chính xác, chặt chẽ hơn; cũng như thực hiện những giải pháp đồng bộ, cụ thể để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong các ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.

Trong đó cần đặc biệt quan tâm phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực vi phạm phổ biến thời gian qua, làm sao tạo khuôn khổ pháp lý, vạch và định hình rõ rệt những “ranh giới đỏ” để cán bộ không bước qua. Đồng thời tạo khuôn khổ để cán bộ dám nghĩ, dám làm, không e ngại, sợ sệt, mạnh dạn đóng góp, cống hiến cho sự phát triển chung.

Tin cùng chuyên mục