Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân:

Dự báo chính xác, khoa học là tiền đề phát triển bền vững, lâu dài

Trước thềm năm 2007, mặc dù bộn bề với bao công việc cuối năm của người đứng đầu chính quyền TP, nhưng trước yêu cầu của bạn đọc, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cũng dành cho báo SGGP một cuộc trao đổi chân tình, như lời tâm sự năm mới, về các vấn đề thời sự bức xúc của người dân TP, về cơ hội và thách thức đối với TP khi con thuyền Việt Nam “bơi ra biển lớn”…
Dự báo chính xác, khoa học là tiền đề phát triển bền vững, lâu dài

Trước thềm năm 2007, mặc dù bộn bề với bao công việc cuối năm của người đứng đầu chính quyền TP, nhưng trước yêu cầu của bạn đọc, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cũng dành cho báo SGGP một cuộc trao đổi chân tình, như lời tâm sự năm mới, về các vấn đề thời sự bức xúc của người dân TP, về cơ hội và thách thức đối với TP khi con thuyền Việt Nam “bơi ra biển lớn”…

- Phóng viên:
Thưa Chủ tịch, hiện nay, mỗi khi ra đường người dân TPHCM luôn ám ảnh bởi tình trạng kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm... Năm 2007, liệu những “vấn nạn” ấy có được cải thiện?

Dự báo chính xác, khoa học là tiền đề phát triển bền vững, lâu dài ảnh 1

- Chủ tịch UBND TPHCM LÊ HOÀNG QUÂN: Đó là những vấn đề mà trong quá trình phát triển, nhiều đô thị trên thế giới cũng phải đối mặt. Trong mấy năm gần đây, quá trình đô thị hóa ở TPHCM diễn ra với tốc độ nhanh, nhiều khu đô thị mới được hình thành đã tác động mạnh đến sự biến động về dân số và quản lý đất đai trên địa bàn.

Hiện tại, số dân di cư sống tại TP vào khoảng 1,8 triệu người, chiếm 32% dân số toàn TP và vẫn đang tiếp tục tăng nhanh. Đây có thể coi là một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các hoạt động dịch vụ như học hành, khám chữa bệnh, đi lại, sinh hoạt văn hóa… ở TP bị quá tải, xuống cấp trầm trọng. TPHCM đã có nhiều nỗ lực khắc phục và tôi tin rằng sẽ có một bước cải thiện trong năm 2007.

- Từ lâu và nhiều lần rồi, HĐND TPHCM đã phản ánh bức xúc của người dân, nhưng dường như biện pháp giải quyết UBND TP chưa đủ liều lượng?

- Chúng tôi chia sẻ với những bức xúc của người dân, song giải quyết bài toán quản lý đô thị không thể ngày một ngày hai. Vấn đề quan trọng để giải quyết là phải có tầm nhìn chiến lược; các giải pháp phải căn cơ, đồng bộ và thực hiện phải khẩn trương. Chính quyền TP đã và đang làm hết sức mình nhằm cải thiện môi trường sống cho người dân!

Trước kỳ họp HĐND TP, UBNDTP làm việc với các sở, ngành để rà soát kiểm tra việc nào làm được việc nào làm chưa được. Nếu lỗi chủ quan thì phải nhận để sửa chữa, còn lỗi đó tại khách quan cũng phải trình bày cặn kẽ để các đại biểu, người dân hiểu và cùng chung sức khắc phục.

Trách nhiệm của chính quyền là phải cố gắng nhiều hơn trong mọi trường hợp. Từng bộ phận, từng cấp, từng ngành làm nhiều hơn, trách nhiệm hơn với công việc của mình, công minh công tâm trong xử lý thì sẽ giảm phiền hà cho dân nhiều lắm! Thước đo tính hiệu lực, hiệu quả của chính quyền chính là sự hài lòng của dân.

  • Tạo ra “bột” để... “gột hồ”

- TPHCM có tỷ lệ tăng dân số cơ học cao nhất nước. Để giải quyết tình trạng “quá tải” này, đáng lẽ Trung ương phải tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP. Thế nhưng, ngân sách điều tiết cho TP không tăng mà còn bị cắt bớt 3% (từ 29% xuống còn 26%). Thưa ông, không có “bột” làm sao “gột lên hồ”?

Dự báo chính xác, khoa học là tiền đề phát triển bền vững, lâu dài ảnh 2

Một chung cư mới bên bờ kênh Nhiêu Lộc đem lại bộ mặt khang trang cho TP. Ảnh: VIỆT DŨNG

- Đúng là điều tiết có giảm đi so với thời kỳ ổn định ngân sách lần thứ nhất, song thực tiễn những năm qua cho TP nhiều kinh nghiệm quý về phát huy và khai thác tiềm lực vốn rất dồi dào trong nhân dân TP.

Vấn đề mấu chốt là sớm xây dựng và ban hành các chính sách phù hợp nhằm phát huy vốn trong dân, kể cả nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài. Hơn nữa, TP chúng ta đang đứng trước cơ hội phát triển rất mạnh mẽ, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập WTO.

Thời gian tới, sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào TP hơn, các nguồn vốn đầu tư tăng lên; giải quyết việc làm nhiều hơn cho người lao động, nhất là lao động giàu chất xám; các loại hàng hóa, dịch vụ sẽ dồi dào, tạo ra động lực phát triển và những dòng chảy đồng vốn từ trong dân. Nhưng muốn được như thế, mỗi người, doanh nghiệp, mỗi ngành, cần phải chủ động hơn, sáng tạo và năng động hơn. Đó chính là cách chúng tạo nên “bột”…

- Thưa ông, như báo chí phản ánh, tình trạng sử dụng nhà, xưởng trên địa bàn TPHCM còn lãng phí rất lớn. Trong năm nay, chính quyền TP sẽ có chủ trương, biện pháp gì để thu hồi, quản lý, sử dụng hiệu quả hơn, đặc biệt là khối mặt bằng nhà xưởng do các đơn vị trung ương quản lý?

- Trong 5 năm thực hiện Quyết định 80/TTg của Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp và xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn TP, có 97,87% đơn vị chấp hành tốt công tác kê khai và xây dựng phương án xử lý theo hướng sắp xếp nhà đất của đơn vị mình. Hiện chỉ còn ít đơn vị chưa chấp hành. Tuy nhiên, việc xem xét và quyết định các phương án sắp xếp còn nhiều cái vướng lắm!

Vừa rồi, TP đã kiến nghị Chính phủ cần thay đổi Quyết định 80/TTg vì ban hành từ năm 2001 đến nay đã có nhiều điểm không phù hợp. Để tránh thất thoát tài sản, mới đây, TP kiến nghị Trung ương có hướng dẫn xử lý nhà, đất đối với các doanh nghiệp (DN) đang sắp xếp cổ phần hóa theo hướng kiên quyết không tính vào giá trị DN đối với nhà đất bỏ trống, sử dụng sai mục đích khi thực hiện cổ phần hóa.

  • Vào WTO - được, mất gì?

- Có chuyện thú vị và rất thực tế nhiều người hỏi: Việt Nam gia nhập WTO thì cậu học sinh và chị bán rau được gì và mất gì?

- Việt Nam gia nhập WTO, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả mọi người. Cậu học sinh sẽ “mất” thời gian chơi bời, học hành làng nhàng mà “được” tính chịu học, chủ động nghiên cứu khoa học để hội nhập. Chị bán rau phải bán rau sạch cho người tiêu dùng nhưng bán được với giá cao hơn…

Nói rộng ra, khi vượt qua cách làm cũ và cách học cũ thì chúng ta “được” nhiều về uy tín, thương hiệu; chất lượng cuộc sống được nâng lên, thu nhập cao và nhiều thứ khác nữa. Nói chung, vào WTO, tất cả chúng ta có nhiều cơ hội hơn, nhưng đồng thời cũng có nhiều thử thách mới, đòi hỏi mỗi ngành, mỗi cấp và người dân TP phải có đủ bản lĩnh để biến thử thách thành thời cơ, góp phần phát triển TP và đất nước.

- Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, sau khi vào WTO, nhiều DN vừa và nhỏ ở TP có khả năng bị phá sản và nạn thất nghiệp sẽ gia tăng. Lãnh đạo TP đã có lượng định và biện pháp gì nếu thực tế đó xảy ra?

- Điều đó không thể tránh khỏi. Chắc chắn TP sẽ hỗ trợ cho người dân và DN bằng nhiều cách khác nhau, như cung cấp thông tin, hướng dẫn giải quyết tranh chấp, hỗ trợ DN trong việc xây dựng thương hiệu, xúc tiến đầu tư và tìm kiếm mở rộng thị trường. Song song đó, TP xây dựng các chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chăm lo tốt đời sống nông dân, bởi vì đây là lĩnh vực bị tác động mạnh nhất và chịu nhiều thiệt thòi nhất.

TP cũng khẩn trương xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, từng bước nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, các nhà quản lý DN… Tuy nhiên, trước hết đòi hỏi mỗi người, mỗi DN phải tự mình tìm cách vươn lên để hòa nhập và phát triển trong môi trường mới.

- Sau một thời gian giữ chức Chủ tịch UBND TPHCM, ông rút ra cho mình bài học sâu sắc nào nhất?

- Có nhiều bài học, nhưng đối với công tác quản lý nhà nước và điều hành thực tiễn thì bài học dự báo mang nhiều ý nghĩa. Dự báo chính xác, khoa học sẽ là tiền đề cho phát triển bền vững, lâu dài. Đây là bài học rất thiết thực cho năm 2007. Điển hình, trong quy hoạch xây dựng đô thị, nếu dự báo không đầy đủ, chính xác sẽ để lại hậu quả cho nhiều thế hệ…

- Xin cám ơn ông! 

TUẤN SƠN – TRẦN TOÀN

Tin cùng chuyên mục