Ngoại giao Việt Nam năm 2007:

Dấu ấn Việt Nam trên trường quốc tế được in đậm nét

Ngày 28-12, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức cuộc gặp gỡ thân mật báo chí nhân dịp cuối năm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm chủ trì buổi gặp gỡ này. Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đánh giá Việt Nam đã đạt được thành tựu to lớn trong ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa và công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Việt Nam đã tham gia đầy đủ vào đời sống kinh tế - chính trị quốc tế qua việc trở thành Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), qua đó cho thấy sự công nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về một Việt Nam đổi mới thành công.

Các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam như Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng... đã có nhiều chuyến thăm song phương tới các nước trong khu vực và trên thế giới. Qua đó đã tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị, hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa các nước với Việt Nam; nâng tầm quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và nhiều nước. Dấu ấn của Việt Nam trên trường quốc tế cũng được in đậm nét rõ rệt.

Năm 2007 còn là năm khởi sắc của ngoại giao kinh tế. Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã vào Việt Nam tìm cơ hội hợp tác đầu tư. Cam kết ODA (viện trợ phát triển chính thức) tài trợ Việt Nam đạt mức kỷ lục 5,4 tỷ USD, mức cao nhất, hơn năm ngoái khoảng 1 tỷ USD. Việt Nam trở thành địa chỉ tin cậy cho các nhà đầu tư và việc sử dụng ODA ở Việt Nam là có hiệu quả. “Năm 2007 là điểm sáng về ngoại giao kinh tế khi con tàu kinh tế Việt Nam đang tiến ra biển lớn” - Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm nói.

Phó Thủ tướng cho biết, các ngành hữu quan đang khẩn trương hoàn thành việc cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Các tỉnh có chung đường biên giới sẽ phấn đấu hoàn thành công việc này trong năm 2008. Xây dựng đường biên giới hòa bình, phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác gắn bó lâu dài vì hòa bình, phát triển và lợi ích mỗi quốc gia cũng như cả khu vực, là thành tựu của toàn Đảng, toàn dân trong đó có sự đóng góp xứng đáng của ngành ngoại giao.

Trong năm 2007, chúng ta đã tiếp tục triển khai mạnh mẽ Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài bằng những biện pháp mang tính đột phá như miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Việt Nam tích cực bảo vệ cộng đồng ở nước ngoài cũng như mở rộng cửa đón nhận kiều bào về nước. Trong năm 2008, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong giai đoạn mới, xây dựng các chính sách, cơ chế động viên, thu hút doanh nhân, trí thức, thanh niên, sinh viên Việt kiều hướng về quê hương, tham gia xây dựng đất nước.

Năm 2008, Việt Nam sẽ cố gắng phát huy tốt vai trò Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, chủ động tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu, nhằm nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam. Việt Nam sẽ tham gia sâu, đầy đủ hơn vào các thể chế kinh tế toàn cầu, khu vực, tiểu khu vực, đẩy mạnh “ngoại giao phục vụ kinh tế”. Môi trường đầu tư cũng sẽ được cải thiện đáng kể để tăng khả năng hấp thụ FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài), vận động nhiều ODA hơn.

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cũng đánh giá cao những đóng góp tích cực của báo chí vào các thành tựu đối ngoại trên. Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân dân Đinh Thế Huynh chúc mừng các thành tựu quan trọng của ngành ngoại giao và khẳng định, báo chí sẽ làm hết sức mình cùng ngành ngoại giao nâng cao hình ảnh mới, vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế.

V.NG.

10 sự kiện đối ngoại nổi bật của Việt Nam năm 2007

1-
Cộng đồng quốc tế đánh giá cao thành công của bầu cử Quốc hội và bổ nhiệm các chức vụ chủ chốt trong Chính phủ nhiệm kỳ mới. Chính phủ mới nêu cao quyết tâm đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, tiến cùng thời đại và sớm trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

2-
Hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng và Nhà nước được triển khai rộng khắp, đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước, nhất là các đối tác quan trọng, và các khu vực lên tầm cao mới. Trong đó nổi bật nhất là các chuyến thăm thành công của lãnh đạo cấp cao đến Trung Quốc, Lào, Campuchia, các nước ASEAN, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Ấn Độ, các nước Mỹ Latin…

3-
Một năm sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO, kinh tế trong nước đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua, thu hút FDI, ODA và xuất khẩu đạt mức kỷ lục, lần lượt là 20,3 tỷ USD, 5,4 tỷ USD và 48 tỷ USD.

4-
Việt Nam được bầu làm Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009 với số phiếu cao, thể hiện sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế đối với vai trò và vị thế ngày càng tăng của Việt Nam.

5-
Lãnh đạo Việt Nam và các nước thành viên ASEAN thông qua Hiến chương ASEAN, góp phần đưa Hiệp hội trở thành một tổ chức Chính phủ ở khu vực, có tư cách pháp nhân, hợp tác và liên kết chặt chẽ hơn, đoàn kết hơn, hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

6-
Việt Nam ký với LHQ Kế hoạch Hành động chung giai đoạn từ nay đến năm 2010, là trụ cột của sáng kiến “Một Liên hiệp quốc” tại Việt Nam. Đây là lần đầu tiên LHQ ký một bản kế hoạch chung ở cấp quốc gia.

7-
Cả nước tổ chức trang trọng kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 30 năm Ngày ký Hiệp ước Hợp tác và Hữu nghị Việt Nam-Lào.

8-
Chính phủ miễn thị thực nhập cảnh cho kiều bào ta ở nước ngoài, góp phần làm tăng mối liên hệ của kiều bào với Tổ quốc; lượng kiều hối năm 2007 ước đạt mức kỷ lục trên 5 tỷ USD.

9-
Lãnh đạo và đại diện nhiều tập đoàn kinh tế lớn đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư, góp phần hiện thực hóa hàng tỷ USD đầu tư vào Việt Nam.

10-
Các hoạt động văn hóa đối ngoại như: Nhã nhạc cung đình Huế biểu diễn tại Hoàng cung Nhật Bản nhân chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; bầu chọn Vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên thế giới, lễ hội hoa ở Đà Lạt… góp phần quảng bá hình ảnh và bề dày văn hóa của Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Tin cùng chuyên mục