Tướng Nguyễn Chánh và đội du kích Ba Tơ

Đội du kích Ba Tơ
Tướng Nguyễn Chánh và đội du kích Ba Tơ

Tướng Nguyễn Chánh và đội du kích Ba Tơ ảnh 1

Đồng chí Nguyễn Chánh (1914 - 1957)

Cha mẹ đặt tên cho anh là Nguyễn Hiệp. Nhưng ở địa phương có tục kêu tên bằng thứ, nên bà con thường gọi anh là anh Chín. Năm 1929, anh làm liên lạc cho tổ chức “Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội”. Năm 1930, anh phụ trách tuyên truyền cho Phân ban “Bắc Trà” của Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Mảnh đất “Hà Nhai” (nay là xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh) nơi anh cất tiếng khóc chào đời và cũng là nơi anh bị thực dân Pháp bắt lần thứ nhất, lúc còn ở tuổi vị thành niên.

Nhiều lần bị địch tra khảo, đánh đập... lần nào anh cũng nói trước sau như một: “Tôi sinh năm 1916 (khai sụt). Tôi tên là “Nguyễn Chánh” (không khai tên cha mẹ đặt). Cái tên Nguyễn Chánh từ đó sống chết chẳng rời anh, như lòng chung thủy của anh với Đảng, với nhân dân. Chúng giam anh 2 năm. Hết hạn tù, anh bị quản thúc tại gia.
Một bạn tù kể lại: Anh Chánh là thầy đốt, thầy châm cứu... chữa lành cho biết bao bệnh nhân bị sưng khớp, bại liệt, loét dạ dày... ở trong các nhà tù mà anh đã đi qua... Có bữa một bạn tù đau bụng quằn quại, rên la... từ chiều đến tối. Anh Chánh ngồi xoa bóp suốt đêm... Sáng ra, người bệnh tắt thở trong vòng tay anh...

Tình yêu trung thực - dám sống chết với nhau, đã trở thành tính cách của Nguyễn Chánh. Hồi ở tù, cũng như khi giữ chức Tỉnh ủy viên thường trực phụ trách đấu tranh công khai, đạt bao nhiêu thành công to lớn, chính là do tính cách đó của anh quyết định... Thực dân Pháp bắt anh lần thứ hai khi cấp trên đã chỉ định anh làm Bí thư Liên Tỉnh ủy ba tỉnh Quảng Ngãi - Bình Định - Phú Yên. Chúng đẩy anh ngay vào xà lim số 1. Người ta đồn rằng, ai vô đây trở ra - một là đầu hàng, hai là tàn phế. Nhưng Nguyễn Chánh thà chết không khai.

Kết án khổ sai, địch áp giải anh lên đồn Ba Tơ. Nhận thấy Nguyễn Chánh vẫn là mối nguy hiểm ở đây, bọn cai ngục Ba Tơ liền chuyển anh ra Gi-Lăng, rồi đày lên Buôn Ma Thuột...

Ở đây anh cũng không ngừng đấu tranh chống đàn áp tù nhân, tổ chức tuyệt thực, tổ chức học tập... Càng đấu tranh, tính cách Nguyễn Chánh càng đậm sắc. Khi anh hết hạn tù, lũ tay sai của thực dân Pháp vẫn còn sợ “thả hổ về rừng”. Phải đến lúc Nhật đảo chính, anh mới vượt mọi khổ ải từ Căng An Trí Phú Bài trở về quê hương.

Đội du kích Ba Tơ

“Khởi nghĩa Ba Tơ dày chiến tích
Cao muôn trùng điệp gió ngàn ru
Đèo lên mây chạm đầu du kích
Dốc xuống mưa lùa chân chiến khu”

Những chính trị phạm hết án tù, địch đưa lên Căng An tới Ba Tơ, để tách “cá khỏi nước”. Anh em phải tự đào ra nguồn và tự bơi chải để sống thích nghi theo hoàn cảnh của từng người. Anh Phạm Kiệt đã từ Buôn Ma Thuột về tới Ba Tơ và tổ chức ngay những cuộc phổ biến Nghị quyết 8 của Trung ương cho mọi người học tập. Trước đó, du kích còn hoạt động rời rạc, lẻ tẻ, nhưng khi nghe tin quân đồng minh thắng phát xít Đức thì nhiều người đã xem Nghị quyết 8 của Trung ương như ngọn đuốc sáng soi đường giữa đêm đen… và những du kích đã tập hợp nhau lại thành đội ngũ, lấy tên là “đội du kích Ba Tơ”.

Đang còn sắp xếp, thì tin ở cơ sở Sông Vệ cho hay “Dưới xuôi Nhật đã chiếm hết rồi”. Tiếp đến là mẩu thư nhỏ báo tin, đọc xong, Ban chỉ huy bố trí ngay nhóm đội viên trang bị vũ khí hướng đèo Đá Chát… Giữa đường thấy chiếc xe kéo của Pháp chạy từ thị xã Quảng Ngãi lên. Anh em chỉa dáo mác ra, chặn lại. Tên quan ba Pháp hốt hoảng nhảy xuống, hứa sẽ giao đồn. Nhưng đến lúc ta vào gặp để tiếp quản đồn thì tên này lại đề nghị du kích phối hợp với quân đội Pháp chống Nhật.

Trước tình hình rối loạn của địch, theo tinh thần Nghị quyết 8 của Trung ương – Khởi nghĩa từng phần đợi thời cơ chuẩn bị Tổng khởi nghĩa toàn quốc –Một mặt anh em củng cố đội ngũ, mặt khác cử người đi vào quần chúng tuyên truyền vận động đồng bào Kinh cũng như đồng bào dân tộc thiểu số sẵn sàng chờ lệnh. Đúng theo chương trình hành động, trưa ngày 10 ta chiếm Nha Kiểm Lý. Chiều và tối ngày hôm đó, rút kinh nghiệm bài học thất bại lần trước, đội du kích Ba Tơ bao vây, áp sát quanh đồn, bắt loa kêu gọi binh lính địch đầu hàng…

Có sự điều khiển của tên quan ba Pháp, mỗi lần nghe tiếng loa ta gọi bọn lính trong đồn bắn trả. Nhưng ta vẫn liên tục giải thích đường lối chính sách của Mặt trận Việt Minh, của cách mạng… Đợi đến giờ, cùng một lúc khắp Ba Tơ nổi dậy rung trời, chuyển đất. Cờ như rừng. Lửa như núi. Gươm dao, dáo mác, trống mỏ… của đồng bào Kinh từ Trường An, thị trấn Ba Tơ kéo lên. Cung tên, tù và, tét hú… của đồng bào dân tộc thiểu số quanh vùng núi Cao Muôn tuôn ra… Ngay lúc đó, nội công của ta trong hàng ngũ địch chủ động mở cổng đồn. Đội du kích Ba Tơ, dưới sự chỉ huy của các đồng chí Nguyễn Đôn, Phạm Kiệt tràn vào chiếm lĩnh toàn bộ đồn Ba Tơ.

Khởi nghĩa Ba Tơ ngày 11-3-1945 thành công. Chi bộ Đảng đội du kích Ba Tơ chủ trương rời bỏ đồn, chuyển quân ra rừng xây dựng căn cứ địa để phát triển nhanh chóng lực lượng vũ trang. Toàn đội đã chào nhau bằng những nắm tay đưa lên “Hy sinh vì Tổ quốc” như lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Và,  “vạn sự khởi đầu nan” – càng đi sâu vào rừng càng gặp muôn vàn khó khăn, quân số mỗi ngày một giảm. Trước tình hình “tiến thoái lưỡng nan” anh Nguyễn Chánh xuất hiện, như là “cá gặp nước”, toàn đội du kích vui mừng đón anh bên bờ suối…

Qua những gì nghe, thấy… anh Chánh đặt ra cho đội nhiều vấn đề. Trong đó, có một câu hỏi: “Bao giờ đội du kích chúng ta mới về đồng bằng? Như “nắng hạn gặp mưa rào” tất cả du kích Ba Tơ tham gia bàn bạc sôi nổi, gay gắt… Cuối cùng anh nhẹ nhàng nói:

– Lâu nay chúng ta quen có khái niệm căn cứ địa phải ở rừng núi, nhưng bây giờ, chúng ta phải nhớ rằng, có một nơi vô cùng rộng lớn, vô cùng kín đáo, có thể che chở và đùm bọc cho ta - Đó là lòng dân. Tất cả đã lặng phắt lắng nghe chính trị viên của mình phân tích, rồi đội du kích được lệnh hành quân…

Lên đường từ Cơ Nhứt, toàn đội đi đến đâu, đều được đồng bào dân tộc thiểu số đùm bọc, chia đói cho ăn, chia rét cho đắp… Trước sự phân tích phải dựa vào dân để sống và chiến đấu của anh Chánh, anh em du kích càng đi vào thực tế, càng thấm thía. Ai cũng đồng tình với ý kiến chuyển hướng Đội du kích về đồng bằng và Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã thống nhất với đề xuất này…

Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ thắng lợi, phong trào dân quân, tự vệ ở đồng bằng phát triển nhanh. Đội du kích Ba Tơ chia làm hai, bổ sung thành hai đại đội đứng chân ở hai nơi. Đại đội Phan Đình Phùng phía Nam tỉnh, Đại đội Hoàng Hoa Thám phía Bắc tỉnh. Đơn vị nào cũng tích cực bố trí chiến sĩ xuống tận xóm thôn để huấn luyện quân sự cho cơ sở. Chẳng bao lâu Đội du kích Ba Tơ từ hơn hai mươi người, đã phát triển lên tới hai ngàn vệ quốc quân, đáp ứng quân số kịp thời, góp phần cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thành công…

NGUYỄN THẾ KỶ

Tin cùng chuyên mục