Đại tá Bùi Quang Thận: Mãi là hồi ức không thể quên

Đại tá Bùi Quang Thận và vợ ở quê nhà (Thái Bình). - PV:
Đại tá Bùi Quang Thận: Mãi là hồi ức không thể quên

Chiến tranh đã lùi xa, Đại tá Bùi Quang Thận, người lính cầm lá cờ phất trên Dinh Độc Lập đã xa rời quân ngũ để trở về cuộc sống đời thường bên người thân để bù lại những ngày xa cách. Nhưng ông bảo: “Trong ông, những hồi ức về một thời khói lửa vẫn còn mãi y nguyên”.

Đại tá Bùi Quang Thận: Mãi là hồi ức không thể quên ảnh 1

Đại tá Bùi Quang Thận và vợ ở quê nhà (Thái Bình).

- PV: Tâm trạng của ông thế nào mỗi khi sắp tới ngày 30-4?

Đại tá BÙI QUANG THẬN: Xúc động, bồi hồi, có cảm tưởng như mình đang sống lại những phút giây ngày ấy. Nhớ quân ngũ, nhớ bạn bè, nhớ chiến trường xưa… cứ lẫn lộn, đan xen!

- Là người phất cờ trên nóc Dinh Độc Lập. Ông hãy kể đôi điều về những chiến công ấy?

Đó là những chiến công không của chỉ riêng tôi, mà có sự góp sức của biết bao đồng đội, bao đơn vị cùng tham gia tác chiến… Chiến dịch tiêu diệt căn cứ Nước Trong (26-4 - 28-4) - tuyến phòng thủ cuối cùng của Sài Gòn mà địch cố tử thủ - là một ví dụ. Riêng ở trận này, ta đã mất đến 5 xe tăng!.

- Những trở ngại tiếp theo khi tiến vào Sài Gòn thì thế nào?

Tiêu diệt xong căn cứ Nước Trong, kế hoạch tiến vào Sài Gòn gần như mở ngỏ. Đến 9 giờ sáng 30-4, lực lượng phòng thủ của địch ở phía Bắc, phía Nam cầu Sài Gòn và Hải quân địch trên sông Sài Gòn hầu như co lại. Đúng lúc ấy, Đại đội 4 tăng của chúng tôi quyết định vượt cầu tiến vào thành phố.

- Có gặp thêm trở ngại gì không thưa ông?

Có chứ! Đi trước chúng tôi là một chiếc xe của Đại đội 3 do đồng chí Hùng chỉ huy. Cách cầu Thị Nghè 200m, xe đồng chí  Hùng bị xe tăng M41 của địch bắn cháy. Ngay lúc ấy, xe 843 của tôi vọt lên tiêu diệt xe địch và tiếp tục vượt cầu.

Chạy qua nhiều ngã tư mà không thấy Dinh Độc Lập đâu cả?! Thấy có người phụ nữ chạy xe qua. Chúng tôi gọi lại nhưng người phụ nữ này sợ nên không đứng lại (sau này tôi mới biết vì họ sợ bị ngụy trả thù). Cuối cùng chị cũng chịu chỉ đường đến Dinh. Khi đến Dinh Độc Lập, thấy cổng đóng. Tôi ra lệnh cho pháo thủ 2 Nguyễn Văn Kỷ giục pháo thủ 1 Thái Bá Minh nhắm giữa cổng Dinh Độc Lập khai hỏa. Không hiểu sao đạn không nổ? Hai lần như vậy, tôi ra lệnh quay nòng pháo ra sau để cho xe húc đổ cổng Dinh. Trong 10 phút, phải húc 3 lần thì cánh cổng trái mới bung ra. Ngay lúc đó xe tăng 390 do anh Vũ Đăng Toàn lao vào húc đổ cổng chính. Thế là cả hai xe cùng tiến vào bên trong.

- Và ông đã…?

Vào đến sân, tôi tháo vội chiếc ăngten trên xe, cầm theo lá cờ rồi chạy vào Dinh mà không mang theo một thứ vũ khí gì?! Gặp Lý Chánh Trung (Bộ trưởng Bộ VHTT chính quyền Sài Gòn), tôi túm chặt tay bảo: “Cho gặp Tổng thống Dương Văn Minh”. Thấy Tổng thống Dương Văn Minh ra, tôi ra lệnh: “Đưa tôi lên cột cờ Dinh Độc Lập”. Dương Văn Minh đã yêu cầu Lý Chánh Trung dẫn tôi lên.

Khi lên đến nơi, tôi hạ cờ ngụy xuống. Nhưng do cờ được buộc chắc chắn nên phải cắn bằng răng - sau đó treo cờ giải phóng vào. Kéo cờ mình lên, tôi lại hạ xuống, đưa tay xem đồng hồ. Tôi thận trọng ghi: 10 giờ 30 ngày 30-4 và ký tên Thận lên góc lá cờ Tổ quốc.

Xong, kéo cờ lên lại. Tôi quay đầu bước đi, rồi lại quay lại nhặt lá cờ của ngụy với ý định làm vật kỷ niệm trong cuộc đời chiến đấu. Nhưng lá cờ ấy, sau này tôi đã trao lại cho bảo tàng vì nghĩ làm như thế sẽ có ý nghĩa hơn.

- Điều gì xảy ra khi ông gặp Dương Văn Minh?

Dường như chính quyền Sài Gòn đã dự báo trước được tình hình nên khi gặp tôi, ông  Dương Văn Minh nói: Chúng tôi đang chờ các ông vào để bàn giao. Khi đó tôi đã đáp lại rằng: “Tôi không nghĩ các ông còn gì để bàn giao. Yêu cầu ông đưa tôi lên cột cờ”. Với tôi, câu nói ấy hoàn toàn là tự phát.

- Có một chút bối rối nào khi gặp Tổng thống Dương Văn Minh không, thưa ông?

Hoàn toàn không! Mình là một người lính, trận mạc, bom đạn dạn dày rồi… Hơn nữa mình lại đang đứng trên tư thế của người chiến thắng. Nhìn lá cờ tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, nhìn ngoài sân xe tăng, bộ đội ta tập kết đầy sân. Lúc ấy không có từ nào khác để diễn tả ngoài hai từ “sung sướng”…

- Chiến tranh đã lùi xa, ông cũng đã không còn tại ngũ nữa. Đứng trên phương diện một người lính, một người dân bình thường ông có nhận xét gì về thời khắc lịch sử 10 giờ 30 ngày 30-4-1975?

Một giây phút trọng đại, một buổi sáng trọng đại trong một ngày trọng đại của không chỉ riêng tôi mà là của lịch sử dân tộc. Giải phóng hoàn toàn miền Nam, một chân lý: Sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do cho toàn dân tộc đã được chứng minh. Độc lập, tự do đã được mang về trên mọi miền của Tổ quốc.

- Nhân kỷ niệm ngày 30-4-1975, xin chúc ông - người treo cờ lên nóc Dinh Độc Lập, nhân chứng sống của lịch sử - sức khỏe dồi dào để đồng hành cùng đất nước đi lên và ngày càng phồn vinh, vững mạnh.

Ngọc Vũ

Tin cùng chuyên mục