Đồng chí Mai Chí Thọ – một trong những nhà lãnh đạo khởi xướng, đi đầu và kiên định trong sự nghiệp đổi mới (*)

Đồng chí Mai Chí Thọ – một trong những nhà lãnh đạo khởi xướng, đi đầu và kiên định trong sự nghiệp đổi mới (*)

(Điếu văn do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đọc tại lễ truy điệu Đại tướng Mai Chí Thọ)

Đồng chí Mai Chí Thọ, người Cộng sản kiên trung, bất khuất; một nhà lãnh đạo, một vị tướng tài năng; một bậc lão thành cách mạng rất thân yêu, quý trọng của chúng ta, không còn nữa! Hôm nay, trong niềm tiếc thương vô hạn, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Công an, Thành ủy và Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tổ chức trọng thể lễ truy điệu để tiễn đưa đồng chí Mai Chí Thọ - đồng chí Năm Xuân về nơi an nghỉ cuối cùng.

Đồng chí Mai Chí Thọ – một trong những nhà lãnh đạo khởi xướng, đi đầu và kiên định trong sự nghiệp đổi mới (*) ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đọc điếu văn. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trong thời gian lâm bệnh, mặc dù đã được sự quan tâm chăm sóc đặc biệt của gia đình, của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và các giáo sư, bác sĩ, các thầy thuốc đã tận tình cứu chữa, song do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí Đại tướng Mai Chí Thọ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), nguyên Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh đã từ trần hồi 7 giờ 55 phút ngày 28 tháng 5 năm 2007, tức ngày 12 tháng 4 năm Đinh Hợi, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - Hà Nội.

Đồng chí Mai Chí Thọ, tên thật là Phan Đình Đống (bí danh Năm Xuân), sinh ngày 15 tháng 7 năm 1922, tại xã Nam Vân, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định trong một gia đình, một vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Ngay từ khi còn đi học, năm 1936 đồng chí đã tham gia hoạt động cách mạng trong phong trào học sinh Huế-Hà Nội.

Từ năm 1938 đến năm 1940 đồng chí tham gia tổ chức Thanh niên dân chủ, Thanh niên phản đế ở Trường Trung học Nam Định; năm 1939, đồng chí Mai Chí Thọ được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam khi mới 17 tuổi. Năm 1940 đến năm 1945 đồng chí bị thực dân Pháp bắt và giam giữ tại các nhà tù: Nam Định, Hỏa Lò (Hà Nội), Sơn La, Khám Lớn (Sài Gòn) và đồng chí đã bị đày ra giam cầm tại nhà lao Côn Đảo.

Trong thời gian bị giam cầm, tù đày, với biết bao đàn áp, tra tấn dã man của kẻ thù, đồng chí đã luôn kiên cường chiến đấu, giữ vững khí tiết của người đảng viên cộng sản và cùng với các đồng chí của mình, biến nhà tù của bọn thực dân, đế quốc thành trường học của những người cộng sản.

Sau khi ra khỏi nhà tù của bọn thực dân đế quốc, từ năm 1945 đến năm 1948, đồng chí tiếp tục hoạt động cách mạng và được tổ chức Đảng phân công làm Bí thư Thanh niên cứu quốc, sau đó là Trưởng ty Công an và Phó Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ. Từ năm 1948 đến năm 1949, đồng chí là Trưởng ty Công an, Phó Bí thư Tỉnh ủy, rồi Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho.

Từ năm 1950 đến năm 1952, đồng chí là Phó Giám đốc Sở Công an Nam bộ, Phó Bí thư và Bí thư liên chi chính quyền Nam bộ. Từ năm 1952 đến năm 1954, đồng chí là Phó Giám đốc Sở Công an Nam bộ, phụ trách Công an miền Đông Nam bộ. Từ năm 1954 đến năm 1960, đồng chí là Phó ban và sau đó là Trưởng ban địch tình Xứ ủy Nam bộ. Từ năm 1958 đến năm 1960, đồng chí là Xứ ủy viên dự khuyết Xứ ủy Nam bộ.

Từ năm 1960 đến năm 1965, đồng chí là Bí thư Khu ủy miền Đông Nam bộ và là Chính ủy Quân khu miền Đông Nam bộ. Từ năm 1965 đến năm 1975, đồng chí được cử làm Ủy viên Thường vụ, rồi Phó Bí thư và Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định và là Chính ủy Quân khu Sài Gòn - Gia Định.

Từ năm 1975 đến năm 1976, đồng chí là Phó Bí thư, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định và là Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Công an TP Hồ Chí Minh. Tháng 12-1976, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 4, đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, giữ chức Phó Bí thư thứ nhất Thành ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh, rồi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh.

Tháng 3-1982, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 5, đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, làm Phó Bí thư thứ nhất Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh. Tháng 6-1985, đồng chí thôi giữ chức Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, chuyển sang làm Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, rồi Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Tháng 11-1986, đồng chí được Hội đồng Bộ trưởng bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng thứ nhất Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).

Tháng 12-1986, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 6, đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Tháng 12-1987, đồng chí được Hội đồng Nhà nước bổ nhiệm giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) và là Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương. Tháng 5-1989, đồng chí được Nhà nước phong quân hàm Đại tướng An ninh nhân dân. Đồng chí là Đại biểu Quốc hội khóa VII, khóa VIII và là Ủy viên Hội đồng Quốc phòng khóa VIII.

Trong những năm tháng cuối của cuộc đời, khi thôi giữ các cương vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đồng chí Mai Chí Thọ vẫn tiếp tục dành hết trí tuệ, sức lực và với tất cả tâm huyết cách mạng của mình tham gia nhiều ý kiến thiết thực, quý báu vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước: về xây dựng Đảng, về phòng chống tham nhũng, về tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc... cổ vũ và tích cực tham gia cuộc vận động “xóa đói giảm nghèo”, “đền ơn đáp nghĩa”, “khuyến học” và các hoạt động xã hội từ thiện; đồng chí đã trở thành người bạn gần gũi, thân thiết của các gia đình có công với cách mạng, của đồng bào nghèo, đồng bào có hoàn cảnh khó khăn, của các cháu gia đình nghèo hiếu học.

Đồng chí Mai Chí Thọ – một trong những nhà lãnh đạo khởi xướng, đi đầu và kiên định trong sự nghiệp đổi mới (*) ảnh 2

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công an trong buổi lễ truy điệu đồng chí Mai Chí Thọ. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trong suốt 71 năm tham gia hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú, quyết liệt và với 68 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, trong những năm tháng đầy gian khổ, hy sinh của cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp và đế quốc xâm lược Mỹ để giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Mai Chí Thọ luôn có mặt ở những nơi ác liệt, khó khăn, phức tạp nhất của chiến trường miền Nam; và dù ở cương vị và hoàn cảnh nào, đồng chí cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Đồng chí luôn là một đảng viên gương mẫu, ưu tú của Đảng, một cán bộ lãnh đạo có bản lĩnh chính trị kiên định, giàu nghị lực, kiên cường, dũng cảm và luôn nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, trở ngại cống hiến hết mình cho sự nghiệp cao cả của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đồng chí sống khiêm tốn, giản dị, chân tình, thương yêu đồng chí, đồng bào, gần gũi và có trách nhiệm với mọi người, đồng chí thật sự là một cán bộ mẫu mực về “cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư” được cán bộ, chiến sĩ và nhân dân kính trọng, tin yêu, quý mến.

Với cương vị là người lãnh đạo của Thành ủy và Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, trong bối cảnh đầy khó khăn, phức tạp, đồng chí Mai Chí Thọ là một trong những nhà lãnh đạo đã khởi xướng, đi đầu và rất kiên định trong sự nghiệp đổi mới đúng quy luật và rất thành công của thành phố, và đã đóng góp tích cực vào thành tựu đổi mới chung của đất nước.

Là người lãnh đạo của lực lượng Công an nhân dân, đồng chí Đại tướng Mai Chí Thọ đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp bảo vệ an ninh của Tổ quốc, làm nên những chiến công đặc biệt xuất sắc và những truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam.

Trong gia đình, đồng chí Mai Chí Thọ là người chồng, người cha, người ông rất mẫu mực, nhân hậu, thủy chung, luôn chăm lo và dạy bảo con cháu sống gương mẫu, tốt đẹp và hết lòng vì mọi người, vì đất nước.

Với những đóng góp to lớn, đặc biệt xuất sắc trong công cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Mai Chí Thọ đã được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta. Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, Huân chương Quân công hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Lao động hạng nhất, Huy chương “Vì an ninh Tổ quốc” và nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước và bạn bè quốc tế.

Vĩnh biệt đồng chí Mai Chí Thọ, Đảng và Nhà nước ta mất đi một cán bộ lãnh đạo trung thành, tận tụy, sáng tạo, xả thân vì nước, vì dân; lực lượng Công an nhân dân Việt Nam mất đi một vị tướng tài năng, một người đồng đội thân yêu; gia đình mất đi một người chồng thủy chung, một người cha, một người ông mẫu mực; chúng ta mất đi một người đồng chí thân thiết, nhân ái.

Trong giờ phút đau thương này, trước vong linh của đồng chí, chúng ta xin bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn đối với đồng chí; thương tiếc, tưởng nhớ đồng chí Mai Chí Thọ, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta quyết tâm phấn đấu xây dựng thành công đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa - dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh - mục tiêu lý tưởng cao cả của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta mà đồng chí đã suốt đời hy sinh phấn đấu.

Chúng ta xin chân thành chia sẻ nỗi đau thương, mất mát không gì bù đắp được này với gia đình đồng chí Mai Chí Thọ. Chúng ta xin có một phút mặc niệm, vô cùng thương tiếc vĩnh biệt đồng chí Mai Chí Thọ - đồng chí Năm Xuân. Mong đồng chí yên giấc nghìn thu.

* Đầu đề do Báo SGGP đặt

Tổ chức trọng thể lễ truy điệu Đại tướng Mai Chí Thọ

Đúng 10 giờ 35 phút ngày 5-6, tại Hội trường TPHCM, BCH Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQVN, Bộ Công an và Thành ủy, UBND TPHCM tổ chức trọng thể lễ truy điệu theo nghi thức cấp Nhà nước tiễn đưa Đại tướng Mai Chí Thọ (còn có tên gọi thân mật “Năm Xuân”), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM về nơi an nghỉ cuối cùng tại Nghĩa trang TP.

Dự lễ truy điệu có các đồng chí: Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Thượng tướng Phan Trung Kiên, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Huỳnh Đảm, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQVN; các đồng chí nguyên là lãnh đạo cấp cao Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Võ Trần Chí, Trần Quốc Hương cùng đoàn đại biểu Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Thành ủy TPHCM, tỉnh Nam Định (quê hương của đồng chí Mai Chí Thọ), các cơ quan Trung ương và các tỉnh trong cả nước và anh em, bạn bè gần xa.

Tham dự lễ truy điệu đồng chí Mai Chí Thọ còn có đồng chí Thong Ban Xengaphone, Bí thư Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ An ninh Lào - thay mặt Đảng và Chính phủ nước CHDCND Lào; đại diện Đại sứ quán Nga tại Việt Nam. Trong 3 ngày lễ tang, có hơn 640 đoàn đại biểu và hàng ngàn cá nhân tới viếng, chia buồn cùng gia đình đồng chí Mai Chí Thọ, trong đó có đoàn đại biểu cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Với niềm tiếc thương vô hạn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng ban Lễ tang, xúc động đọc điếu văn nhấn mạnh: “Trong suốt 71 năm tham gia hoạt động cách mạng, đồng chí Mai Chí Thọ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đồng chí luôn là đảng viên gương mẫu, ưu tú của Đảng, một cán bộ có bản lĩnh, kiên định, giàu nghị lực, kiên cường, dũng cảm và luôn nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, trở ngại cống hiến sức mình cho sự nghiệp cao cả của Đảng, của Nhà nước và nhân dân. Đồng chí có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc”. (Xem toàn văn điếu văn trong số báo hôm nay).

Trong âm hưởng trầm hùng của nhạc “Hồn tử sĩ”, các đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang, Lê Thanh Hải cùng các đồng chí lãnh đạo cấp cao khác và hàng trăm anh em, đồng chí, bạn bè gần xa, đông đảo đại diện người dân TP lặng lẽ đi sau linh cữu phủ lá cờ Tổ quốc trên xe quân sự - biểu trưng cho sự ra đi vẻ vang của người lính-Đại tướng Mai Chí Thọ khi đã làm tròn nhiệm vụ với Tổ quốc, với nhân dân. Theo nguyện vọng của đồng chí Mai Chí Thọ trước lúc lâm chung, gia đình đồng chí Mai Chí Thọ đã chuyển toàn bộ tiền phúng điếu vào “Quỹ từ thiện”.

TUẤN SƠN

Tin cùng chuyên mục