Kỷ niệm 101 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Lê Duẩn

Những mẩu chuyện nhỏ về Bác Hồ và Ba tôi

Ba tôi gặp Bác muộn hơn...
Những mẩu chuyện nhỏ về Bác Hồ và Ba tôi

Tổng Bí thư Lê Duẩn, người học trò lỗi lạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sinh thời ông đã có nhiều năm sống và làm việc bên cạnh Bác. Nhân kỷ niệm 101 năm ngày sinh của ông (7-4-1907 – 7-4-2008), Đại tá Lê Hãn, con trai trưởng của Tổng Bí thư Lê Duẩn, đã kể lại những tình cảm sâu sắc này. Báo SGGP xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Ba tôi gặp Bác muộn hơn...

Từ khi còn là học sinh Trường Quốc học Huế, qua sách báo Ba tôi đã biết Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến khi tiếp cận với tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc, ngay từ những năm tháng đó Ba tôi đã cảm nhận, đây là một nhà cách mạng lỗi lạc. Bởi vậy, trong những lần trò chuyện giữa hai cha con, Ba tôi vẫn thường nói, Ba rất tôn sùng Nguyễn Ái Quốc từ những ngày Người còn bôn ba tìm đường cứu nước. Biết Bác Hồ thì từ lâu nhưng đến đầu năm 1946 Ba tôi mới gặp gỡ, làm việc trực tiếp với Người. Lúc đó Ba tôi đang là Bí thư Xứ ủy Nam kỳ được Bác gọi ra Hà Nội và giữ lại làm việc bên cạnh Bác. Về mặt thời gian có muộn hơn so với nhiều đồng chí cán bộ khác.

Những mẩu chuyện nhỏ về Bác Hồ và Ba tôi ảnh 1

Bí thư thứ nhất Lê Duẩn với các dũng sĩ miền Nam (1972).

Đây là lần đầu tiên Ba tôi được gặp Người và tham gia cùng Trung ương Đảng, Chính phủ chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Đến cuối năm 1946, Bác cử Ba tôi tiếp tục trở lại Nam bộ, để trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến ở đây. Ba tôi kể lại rằng, tuy thời gian làm việc trực tiếp bên Bác ngắn ngủi nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn ra ông là một chiến sĩ cách mạng kiên trung, hết lòng vì dân, vì nước.

Chiến trường Nam bộ ngày ấy vừa xa xôi vừa phức tạp, để có một sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương, phải cần một người am hiểu cả địa thế lẫn lòng dân. Với Ba tôi, từ khi ra tù năm 1936 đã tham gia xây dựng lại phong trào cách mạng ở Quảng Trị, các tỉnh miền Trung, rồi đến khi ra tù lần 2 tháng 9-1945, được cách mạng đón về tham gia kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ. Lúc còn sống, khi có hai cha con, Ba tôi tâm sự: Hồ Chủ tịch đã chọn Ba là người lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng ở miền Nam, vì Ba được xem là người vừa nắm rõ đường lối của Trung ương vừa có trình độ lý luận, hiểu chủ nghĩa Mác.

Rồi đến Đại hội lần thứ 2 của Đảng năm 1951 tại Tuyên Quang, Bác giới thiệu, Ba tôi được bầu vào Trung ương Đảng và Bộ Chính trị. Tuy không ra Bắc dự đại hội nhưng Ba tôi đã gửi những ý kiến quan trọng, đề cập đến những vấn đề cụ thể về đường lối và thực tiễn kháng chiến ở Nam bộ. Cuối năm 1952, Ba tôi ra Việt Bắc họp Trung ương và được Bác giữ lại làm việc bên cạnh Người đến đầu năm 1954. Trong thời gian này, Bác thường xuyên nhắc nhở Ba tôi cẩn thận, giữ gìn sức khỏe vì khí hậu hai miền khác nhau, nơi lạnh, nơi nóng. Bác cũng không quên dặn dò bộ phận hậu cần, chuẩn bị nệm rơm để Ba tôi nằm khỏi lạnh và ngựa để ông di chuyển từ chỗ nghỉ sang nơi làm việc.

Người phải ở lại với đồng bào chúng tôi!

Đầu năm 1954, Bác cử Ba tôi trở lại Nam bộ, không lâu sau đó, chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneva được ký kết. Dòng sông Bến Hải trở thành chứng nhân lịch sử, chia hai miền đất nước. Bến sông Ông Đốc ở Cà Mau đón cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, nhưng Ba tôi tiếp tục chọn ở lại nơi đầu sóng ngọn gió. Cũng như nhiều cán bộ khác, tối 22-1-1955 Ba tôi lên tàu tập kết ra Bắc, trước sự chứng kiến của Ủy ban giám sát quốc tế. Nhưng gần nửa đêm, trên chuyến tàu cuối cùng ấy, Ba tôi bí mật xuống canô quay trở lại một căn cứ ở miền Tây Nam bộ. Sau này, khi hỏi lý do ông chỉ nói rất ngắn gọn: Phong trào cách mạng miền Nam cần được giữ vững, Ba xin Bác ở lại. Rồi đến năm 1957, Bác gọi Ba tôi ra Hà Nội gấp và phải đi bằng phương tiện gì nhanh nhất để trực tiếp giúp Bác điều hành công việc chung của Đảng.

Trong thời gian mới ra Hà Nội, biết sức khỏe Ba tôi còn yếu, Người thường đến thăm. Ba tôi kể lại rằng: Có lần Bác đến bất ngờ, thấy bữa cơm đạm bạc, Người bảo, Ba cần phải được bồi dưỡng. Thế rồi, Bác đã cho người nấu ăn của mình trực tiếp đến chăm lo bữa ăn cho Ba khoảng 8 tháng. Rồi một hôm tôi về nhà ăn cơm, có nhiều món cá, nào là cá chiên, cá kho, cá nấu canh … Thấy tôi ngạc nhiên, Ba tôi bảo: cá của Bác Hồ cho đấy! Đến năm 1969 trong những ngày Bác đau nặng, Ba tôi thường xuyên bên Người. Ba tôi kể rằng, trong di chúc Bác có nguyện vọng muốn hỏa táng sau khi mất, nhưng Ba đã thưa lại: vì sức khỏe không cho phép Bác chưa vào thăm đồng bào miền Nam được, vậy thi hài Bác nên bảo quản lâu dài để đồng bào trong ấy và cả nước được đến thăm Bác. Nghe vậy, Bác không nói gì.

Cũng trong dòng suy nghĩ về tình cảm giữa Bác Hồ và Ba mình, Đại tá Lê Hãn bồi hồi nhớ lại: Trong lễ truy điệu Người, đến dự có đoàn đại biểu của Đảng Cộng sản Liên Xô, do đồng chí Côxigin, Chủ tịch HĐBT Liên Xô dẫn đầu đến viếng. Ba tôi đã đề nghị với ông cho chuyên gia Liên Xô sang gấp để bảo quản thi hài Người. Nhưng ông ấy cứng rắn nói rằng phải đưa Bác sang Liên Xô. Lúc đó, Ba tôi liền òa lên nói trong nước mắt: Không thể được, theo phong tục Việt Nam, Người phải ở lại với đồng bào chúng tôi! Ông Côxigin rất ngạc nhiên trước những tình cảm sâu nặng giữa Bác và Ba tôi. Vì ít khi người lãnh đạo khóc trước một đoàn khách quan trọng. Do vậy, ông lập tức điện thoại về Liên Xô, xin ý kiến và nước bạn đã đồng ý cử ngay chuyên gia sang giúp ta bảo quản thi hài Bác Hồ đến ngày nay.

Năm 1957 khi làm việc ở Hà Nội, Ba tôi đã đón nội và mẹ tôi cùng các em ra Hà Nội sinh sống. Ánh mắt của nội tôi lúc này vui lắm, cả đời ông vun đắp cho con giờ đã phần nào toại nguyện, nhất là những lúc nội tôi được Bác Hồ mời cơm. Rồi đến năm 1965 khi nội tôi mất, Bác Hồ đã trực tiếp đến viếng ở linh cữu. Nói chi tiết như vậy để thấy rằng, cuối đời nội tôi đã mãn nguyện vì con mình được thành đạt.

Tình cảm giữa Bác và Ba tôi là tình cảm sâu nặng xuất phát từ đáy lòng và con tim mỗi người với một khát vọng vì dân, vì nước. Đến nay đã 37 năm từ ngày Bác ra đi mãi mãi, tôi vẫn nhớ in tiếng nấc của Ba khi ông đọc điếu văn truy điệu Bác “…dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch người anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta…”.

Hiếu Lê ghi

Tin cùng chuyên mục