Kỷ niệm nhỏ

Về một nhân cách lớn

Điều không thể
Về một nhân cách lớn

Tôi không có may mắn được gặp ông sớm. Kết thúc chiến tranh (30-4-1975), gần chục năm, khi tôi được điều về Báo QĐND - tờ báo của Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng, nơi ông đang làm Thứ trưởng, kiêm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, tôi mới được gặp ông. Nhưng ngay từ buổi đầu tiên, gặp ông - vị tướng lừng danh – từ chiến trường Tây Nguyên - một mặt trận khốc liệt trở về, tôi đã bị cuốn hút. Cuốn hút bởi phong cách của người lính Bộ đội Cụ Hồ thẳng thắn, chân thành, đậm tình và đầy nghị lực. Hôm nay (16-4-2008), sau ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 Âm lịch), ông trở về với tổ tiên, về nơi an nghỉ cuối cùng. Thay tràng hoa kính viếng ông, tôi xin phép được viết về ông - kỷ niệm nhỏ về một nhân cách lớn.

Điều không thể

Về một nhân cách lớn ảnh 1

Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp.

Những năm ấy, đất nước ta đang trong giai đoạn chuyển đổi cơ chế hoạt động kinh tế - xã hội. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 6 (1986) khởi xướng sự nghiệp đổi mới. Như chuyện động trời, người ta cứ tưởng cái gì cũng phải thay đổi cho phù hợp với xu thế mới, thời đại mới. Những người làm Báo Quân đội Nhân dân chúng tôi cũng thế, trăn trở mãi. Thôi thì chuyện làm kinh tế là của người khác, chuyện làm báo là của mình. Nhưng rõ ràng công tác tuyên truyền, đưa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống là của cả hệ thống, trong đó vai trò của các cơ quan truyền thông đại chúng là rất quan trọng.

Trước bức xúc ấy, những người làm Báo QĐND luôn tự hỏi mình: Làm báo như thế đã được chưa? Sản phẩm - dù là sản phẩm tinh thần cao cấp - đặc biệt, thì cũng phải có người mua, có người tiếp nhận? Tình trạng giảm sút số lượng phát hành Báo QĐND là một thực tế. Bằng cách nào, làm thế nào để số lượng phát hành tăng thêm? Báo QĐND phải tràn ngập các sạp báo, tràn ngập thị trường như một số báo bạn? Lúc ấy, tôi cũng như các bạn đồng nghiệp, tâm huyết với Báo QĐND trăn trở lắm. Rõ ràng, tờ Báo QĐND là tờ báo lớn, tờ báo của Đảng trong LLVT, có nhiệm vụ tuyên truyền cả 2 nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.

Công bằng mà nói, đội ngũ những người làm Báo QĐND không “thua kém” các bạn đồng nghiệp cả về nghề và đặc biệt về trách nhiệm chính trị... Thế mà, Báo QĐND không có nhiều bạn đọc, đặc biệt bạn đọc là những người lao động bình thường. Điều ấy đã làm “đau đầu” Đảng ủy, Ban Biên tập và những người làm Báo QĐND. Vấn đề này đã được Đại hội Đảng của cơ quan Báo QĐND đưa ra bàn thảo như một chủ đề chính. Dưới sự điều hành của chủ tịch đoàn, đứng đầu là Thiếu tướng Trần Công Mân, Tổng Biên tập, các đại biểu đã thảo luận thật thẳng thắn và đầy trách nhiệm, tâm huyết. Người thì nói, Báo QĐND, dù là báo Đảng trong LLVT cũng phải “bung ra” như các báo bạn. Cơ chế thị trường có quy luật riêng của nó, trong đó phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa cung và cầu, có nghĩa là Báo QĐND muốn “đi vào quần chúng”, muốn ra thị trường phải bán cái người ta cần mua, chứ không phải bán cái ta cần bán?! Có người nói, thôi thì cứ cấp trên nói sao thì làm vậy. An toàn nhất?!

Giữa lúc ấy, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp đến. Tôi còn nhớ rất rõ, đó là vào dịp giữa mùa thu Hà Nội khi các vòm cây dọc phố nhà binh Lý Nam Đế và bên vườn hoa Hàng Đậu xào xạc lá vàng rơi. Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp không mặc bộ đại cán mùa đông dành cho sĩ quan cao cấp mà ông mặc bộ quân phục mùa đông dã chiến. Mái tóc bạc trắng, dáng vóc đường bệ, uy nghi, đôi mắt nheo nheo đầy biểu cảm trong cặp kính trắng, ông bước vào hội trường trước sự ngưỡng mộ của những người làm báo quân đội. Dường như ông đã biết nỗi trăn trở của chúng tôi, sau khi nghe chủ tịch đoàn báo cáo lại và nghe thêm một vài ý kiến của các đại biểu, ông bước lên bục nói chuyện. Giọng ông ấm áp, gần gũi, thân tình:

– Tôi hoàn toàn chia sẻ với tâm trạng của các đồng chí, nhất là lúc này, lúc mà chúng ta đang bước vào sự nghiệp đổi mới, do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Tôi cũng biết, các đồng chí có thể viết bài, hay nói cách khác, các đồng chí có thể làm điều gì đó để Báo QĐND tràn ngập các sạp báo, được nhiều đối tượng bạn đọc đón nhận, doanh thu của các đồng chí có thể cao hơn, đời sống những người làm Báo QĐND có thể khá hơn. Nhưng tôi nghĩ không thể thực hiện điều ấy bằng mọi giá. Cái giá mà cấp trên mong muốn ở các đồng chí là làm sao tờ Báo QĐND phải là cơ quan ngôn luận, hay nói cụ thể hơn là người phát ngôn của Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng, diễn đàn của cán bộ, chiến sĩ LLVT và của nhân dân. Như thế, tờ báo có tôn chỉ mục đích và đối tượng phục vụ rõ ràng, không thể bằng mọi giá thay đổi được. Nhưng không phải thế mà các đồng chí thiếu năng động, sáng tạo, phải cải tiến cả nội dung và hình thức của tờ báo. Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng mong muốn và giao nhiệm vụ cho các đồng chí, phải không ngừng cải tiến tờ báo để có nhiều bạn đọc hơn, để ngày càng nhiều người hiểu thêm chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và quân đội; để ngày càng nhiều những ý kiến tham gia góp ý xây dựng chế độ ta, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh; quân đội ta ngày càng vững mạnh, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Quả thực, lúc đầu, nghe ông nói, chúng tôi mới chỉ khẩu phục, chưa hẳn đã thoải mái. Nhưng khi “dấn thân” vào sự nghiệp đổi mới, dấn thân vào cơ chế kinh tế thị trường, sự hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, và tờ Báo QĐND vững vàng, phát triển như ngày hôm nay chúng tôi mới biết những ý tưởng của ông là sáng suốt, là thực tiễn. Đó thực sự là điều không thể!

Đều do những chiến sĩ binh nhất, binh nhì

Dịp 30-4 năm 1995, kỷ niệm 20 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Ban đại diện phía Nam Báo QĐND chúng tôi được giao nhiệm vụ tổ chức biên tập và xuất bản tập san Sự kiện và nhân chứng để nói về trận cuối cùng của cuộc chiến tranh kéo dài gần 30 năm, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Chúng tôi háo hức lắm. Đây là một công việc khá thú vị. Chiến trường ở đây, nhân chứng lịch sử ở đây, chỉ việc lên đề cương và gặp nhân chứng, thu thập tư liệu, hình ảnh là chuyện sẽ đâu vào đó.

Chúng tôi bàn với nhau: Chiến tranh đã trôi qua 20 năm rồi, những cán bộ, đặc biệt cán bộ cao cấp, chiến lược qua chiến tranh một số đã về với tổ tiên, phần lớn đã “xế chiều”. Nếu mình không tổ chức thu thập, lưu giữ tài liệu, sẽ mất đi những nhân chứng của một thời oanh liệt, trong lịch sử quân đội, lịch sử dân tộc. Tôi đề nghị phải làm một chuyên đề để Tư lệnh và Chính ủy 5 cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn phát biểu, nói lên tâm trạng của mình lúc ấy và trách nhiệm với ngày hôm nay. Ý tưởng của tôi được Ban Biên tập thông qua. Chúng tôi chia nhau đi gặp nhân chứng. Tôi được giao nhiệm vụ gặp Thượng tướng Nguyễn Minh Châu, Tư lệnh QK7, lúc đó là Tư lệnh Đoàn 232 tiến vào Sài Gòn từ hướng Tây-Nam và Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, lúc đó là Chính ủy Quân đoàn 3, một trong 5 cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn từ hướng Tây-Bắc. Rất may, tôi được gặp ông trong dịp ông vào phía Nam công tác. Đồng cảm với tôi, ông nói:

- Sáng kiến của các cậu được đấy. Chiến tranh là chuyện bất bình thường, diễn biến lại nhiều phức tạp, chúng ta phải xác minh, ghi lại một cách chân thực nhất, để tổng kết kinh nghiệm và để lại cho đời sau.

Và suốt buổi tối hôm ấy, ông dành cho tôi. Ông kể về cánh quân Tây Bắc từ Tây Nguyên xuống. Các hướng và các mũi tiến công, những kỷ niệm về đồng đội và nhân dân. Thấy ông hào hứng, tôi không dám ngắt lời. Đêm về, tôi cố gắng ghi chép lại trong một trang A4. Tôi cố gắng nói về vai trò của Bộ Tư lệnh Quân đoàn mà ông là Chính ủy, Bí thư Đảng ủy mặt trận. Hôm sau, xem xong, ông sửa đỏ ngầu trang viết. Ông nói, Tư lệnh và Chính ủy chỉ đề ra chủ trương, đường lối, còn anh em chiến sĩ mới là người thực hiện. Họ mới chính là người đáng nói, đáng trân trọng nhất.

Những suy nghĩ ấy của ông được hình thành từ trong máu thịt của ông. Vài năm sau đó, tôi lại được thấy rõ khi chính ông viết trong tập hồi ức “Ký ức Tây Nguyên”. Ông bày tỏ: “Tôi tự nghĩ và rút ra cho mình một điều: Tất cả mọi chiến thắng ở chiến trường, mọi kỳ tích anh hùng, trước hết và trực tiếp đều do những người chiến sĩ binh nhất, binh nhì, những cán bộ phân đội làm nên dưới sự lãnh đạo vững mạnh của các tổ chức Đảng mà nổi bật là vai trò tiên phong gương mẫu của đội ngũ đảng viên”. Suy nghĩ và tình cảm ấy theo ông suốt cuộc đời. Sau ngày nghỉ hưu, ông lại vẫn đi tiếp con đường đã chọn: vì chiến sĩ, vì nhân dân, ông tham gia Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin cũng vì lẽ đó.

Bây giờ ông đã về cõi vĩnh hằng, về với những chiến sĩ binh nhất, binh nhì, những cán bộ phân đội… đã theo ông suốt chặng đường đánh giặc và về với tổ tiên trước ông. Chắc rằng, họ sẽ dang rộng vòng tay đón ông, như đã từng đón vị chỉ huy lừng danh trên chiến trường Tây Nguyên khốc liệt gần 40 năm về trước.

Đó là những kỷ niệm nhỏ về một nhân cách lớn.

TP Hồ Chí Minh, đêm 15-4-2008.

Trần Thế Tuyển

Tin cùng chuyên mục