Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20-8-1888 -20-8-2008)

Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Một nhân cách lớn

“Chủ tịch nước mặc áo nối thì dân mới có đủ cơm ăn!”
Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Một nhân cách lớn

Ngày 14-8, tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng (TPHCM) đã diễn ra vòng chung kết thuyết trình cuộc thi “Chủ tịch Tôn Đức Thắng - một nhân cách lớn”. 10 thí sinh xuất sắc nhất được tuyển chọn từ 471 thí sinh ở các vòng thi cấp cơ sở đã thể hiện những hiểu biết, bày tỏ tình cảm sâu sắc, chân thành của mình về cuộc đời sự nghiệp và nhân cách của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

“Chủ tịch nước mặc áo nối thì dân mới có đủ cơm ăn!”

“Những năm cuối đời mình, sức khỏe Bác Hồ suy giảm nhiều. Vì vậy, Bác chỉ xuất hiện trước nhân dân trong những trường hợp đặc biệt. Trong một lần chuẩn bị ra dự mít tinh trước đồng bào, Bác Hồ nói với Bác Tôn - khi ấy đang là Phó Chủ tịch nước: –”Để tôi nắm tay cụ cùng ra cho đồng bào khỏi thấy tôi yếu nhé!”.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Một nhân cách lớn ảnh 1

Tặng hoa chúc mừng các thí sinh tham dự hội thi “Chủ tịch Tôn Đức Thắng - một nhân cách lớn”. Ảnh: Việt Dũng

Gây ấn tượng bằng giọng kể truyền cảm và chân thành, thí sinh Nhữ Thị Thúy Hồng, công đoàn cơ sở Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn làm tất cả mọi người trong khán phòng xúc động khi nghe câu chuyện về sự gắn bó giữa Bác Hồ và Bác Tôn. Thúy Hồng rưng rưng: “Hình ảnh hai bác nắm tay nhau đi trên khán đài hôm ấy, cũng như đã cùng nắm tay nhau đi trên suốt chặng đường cách mạng gian lao đã cho tôi cảm nhận về tình đồng chí cao đẹp sắt son giữa hai vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Lịch sử không bao giờ có những chữ “nếu”.

Nhưng nếu như năm 1906, chàng trai 18 tuổi quê lúa Long Xuyên lên Sài Gòn học chữ để làm thầy chứ không học nghề để làm thợ; và nếu như năm 1909, người thanh niên xứ Nghệ 19 tuổi tiếp tục ở lại Trường Quốc học Huế chứ không vào Nam, không tìm đường sang Pháp thì chắc chắn rằng với tài trí của mình, 2 người hoàn toàn có thể tạo dựng một cuộc sống phú quý, giàu sang. Nhưng hai người đã từ bỏ tất cả để tự nguyện dấn thân vào con đường cứu dân, cứu nước.

Là Chủ tịch nước nhưng Bác Tôn ăn mặc rất giản dị. Có lần, các đồng chí miền Nam đến thăm, thấy Bác mặc chiếc áo lạnh cũ có nối thêm một đoạn cho khỏi ngắn, cảm động hỏi: “Bác ơi, làm Chủ tịch nước sao Bác mặc áo nối thế này?”. Bác vui vẻ trả lời: Chủ tịch nước mặc áo nối thì dân mới có đủ cơm ăn.

Trong quá trình tìm kiếm tư liệu để tham gia cuộc thi, thí sinh Bùi Thị Tuyết Mai, công đoàn cơ sở Trường Đại học Kinh tế đối ngoại đã lặng người xúc động khi đọc được câu chuyện ấy.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Một nhân cách lớn ảnh 2
Ban tổ chức trao thưởng cho các đơn vị đoạt giải phong trào hội thi "Chủ tịch Tôn Đức Thắng - một nhân cách lớn". Ảnh Việt Dũng

Còn với bác Nguyễn Thiện, 75 tuổi, thí sinh cao tuổi nhất cuộc thi, đến từ phường 5 quận 5, ấn tượng sâu sắc về Bác Tôn là hình ảnh vị Chủ tịch ân cần đến thăm người bạn tù trước đây. Thấy người bạn nằm trên chiếc giường tre lạnh lẽo, khi trở về, Bác Tôn nhờ đồng chí thư ký đưa đến một tấm nệm mút và dặn rằng: “Khi ở tù cùng nằm đất với nhau, không lý do gì bây giờ tôi nằm nệm ấm mà để đồng chí, đồng đội mình nằm giường tre lạnh lẽo”. Biết gia đình đồng chí Lưỡng - cũng là một bạn tù trước đây - đang gặp khó khăn, hàng tháng, Bác Tôn dành một phần lương của mình gửi cho bạn.

Nhận được giải thưởng hòa bình Lênin, được tặng 100.000 rúp, Bác Tôn dành tất cả số tiền đó tặng cho thiếu nhi thủ đô Hà Nội. Khâm phục và kính trọng đức độ Bác Tôn, bác Nguyễn Thiện đã sáng tác một bài hát ca ngợi Bác Tôn. Bác Thiện ôm ghita hát giữa sân khấu. Giọng ca khàn đục ở tuổi 75 làm mọi người đều thấy lắng lòng.

Học tập và làm theo tấm gương Bác Tôn

Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, cuộc thi “Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Một nhân cách lớn” đã thu hút 145.549 thí sinh dự thi đến từ công đoàn các cấp. Nhận xét về chất lượng các bài dự thi, đại diện ban giám khảo cho rằng: “Điều đáng quý là từ những câu chuyện chân thực và cảm động về cuộc đời, nhân cách Bác Tôn, nhiều thí sinh đã rút ra cho mình những bài học sâu sắc”. Thí sinh Huỳnh Ngọc Phương Thảo ở Làng du lịch Bình Quới chân thành: “Điều bất ngờ và ngẫu nhiên là Bác Hồ và Bác Tôn đều bắt đầu cuộc đời, sự nghiệp từ những con tàu. Làm trên tàu Sài Gòn, ngày nào cũng ngắm nhìn bến Nhà Rồng, xưởng Ba Son, Bảo tàng Tôn Đức Thắng, tôi bỗng nghĩ mình cũng như một “thủy thủ nhỏ” đang góp sức đưa con tàu Saigontourist ra biển lớn, cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường, đưa Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Tấm gương của những “thủy thủ lớn” như Bác Hồ, Bác Tôn luôn dẫn dắt tôi đi đúng hướng”.

Liên hệ đến thực tế công việc của mình, chị Trần Thị Lam Thúy Phượng, giáo viên Trường Mầm non Vàng Anh nói: “Là giáo viên của ngành mầm non, nơi trực tiếp góp phần vào sự nghiệp trồng người, học tập tấm gương mẫu mực, khiêm nhường, giản dị của Bác Tôn, tôi ra sức trau dồi chuyên môn, tận tụy với công việc, cải tiến phương pháp giảng dạy để góp phần nhỏ bé của mình bồi dưỡng những mầm non cho đất nước”.

Mai Hương

An Giang: Hội thảo khoa học về Chủ tịch Tôn Đức Thắng

(SGGP). – Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, sáng 15-8, tại TP Long Xuyên (An Giang) diễn ra Hội thảo khoa học “Tôn Đức Thắng - Một nhân cách lớn” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang và Học viện Chính trị - Hành chính khu vực IV tổ chức. Trên 130 đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học, các nhân chứng lịch sử đến tham dự. Tại hội thảo có 37 tham luận chuyên sâu với chủ đề về sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng được trình bày như: Một nhân cách lớn, chuẩn mực đạo đức cách mạng; tinh thần đại đoàn kết dân tộc, con người bình dị chí công vô tư…

Đ.Tuyển

Tin cùng chuyên mục