Những người lính ở Bệnh viện 7A

Đến thăm một người bạn đang nằm điều trị tại Bệnh viện (BV) 7A (466 Nguyễn Trãi phường 8 quận 5 TPHCM) - BV đa khoa tuyến cuối của Quân khu 7, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là thái độ gần gũi, ân cần của các y, bác sĩ đối với bệnh nhân… Tại đây, có rất nhiều ca bệnh nặng tưởng chừng không qua khỏi, nhưng đã được cứu chữa kịp thời. Ngoài nhiệm vụ ưu tiên khám chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ thuộc Quân khu 7, BV 7A còn đảm nhiệm việc chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng chính sách, bảo hiểm y tế, nhân dân với tinh thần của những người lính khoác áo blouse trắng. 
Những người lính ở Bệnh viện 7A

Đến thăm một người bạn đang nằm điều trị tại Bệnh viện (BV) 7A (466 Nguyễn Trãi phường 8 quận 5 TPHCM) - BV đa khoa tuyến cuối của Quân khu 7, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là thái độ gần gũi, ân cần của các y, bác sĩ đối với bệnh nhân… Tại đây, có rất nhiều ca bệnh nặng tưởng chừng không qua khỏi, nhưng đã được cứu chữa kịp thời. Ngoài nhiệm vụ ưu tiên khám chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ thuộc Quân khu 7, BV 7A còn đảm nhiệm việc chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng chính sách, bảo hiểm y tế, nhân dân với tinh thần của những người lính khoác áo blouse trắng. 

Chia sẻ nỗi đau 

Đầu tháng 2-2009, BV 7A tiếp nhận bệnh nhân Phạm Văn Mỹ (89 tuổi, cựu chiến binh, quê ở Bến Tre) bị gãy cổ xương đùi phải, có dấu hiệu lệch chi, bàn chân xoay ngoài.

Do chủ quan nên sau gần 3 tháng uống thuốc nam thì người nhà mới đưa đến BV chữa trị trong tình trạng bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng.

Sau khi các khoa Ngoại chấn thương, Nội tim mạch và Phòng mổ - hồi sức phối hợp hội chẩn, bệnh nhân đã được phẫu thuật thay chỏm xương đùi.

Do bệnh nhân cao tuổi nên trong khi tiến hành phẫu thuật, mạch và huyết áp dao động phức tạp, buộc phải dùng phương pháp vô cảm tê tủy sống giảm liều… Ca phẫu thuật đã thành công, sau mấy tháng điều trị ông cụ đã có thể tự đi lại được. 

Một ca cấp cứu tại Bệnh viện 7A (Quân khu 7).

Một ca cấp cứu tại Bệnh viện 7A (Quân khu 7).

Còn bệnh nhân Huỳnh Bút Tranh (72 tuổi, ở quận 5) thuộc diện bảo hiểm y tế, nhập viện trong tình trạng nguy cấp do nhồi máu cơ tim, hôn mê độ 4 và đột ngột ngừng tuần hoàn, ngừng hô hấp. Theo chẩn đoán, ông Tranh bị goute cấp.

Ông được chuyển lên phòng mổ - hồi sức và nhờ được cấp cứu kịp thời nên gần 1 ngày sau tình trạng của ông dần khả quan, tuần hoàn, hô hấp hoạt động trở lại. Theo bác sĩ Lê Viết Hoàng (Phó Khoa Mổ - hồi sức cấp cứu), trong trường hợp này, nếu chỉ chậm trễ thêm 5 phút là não của bệnh nhân không thể hồi phục, sẽ rơi vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. 

Một ca nặng được chuyển tới, đó là anh Mai Đình Chung (24 tuổi, ở quận 7), bị dây neo tàu đập mạnh vào vùng hông lưng trái khiến lòi tạng ra ngoài, mất nhiều máu, da niêm mạc xanh, đầu chi lạnh, mạch đập yếu… Anh Chung nhanh chóng được mổ cấp cứu, nâng huyết áp, cầm máu và đã vượt qua cơn nguy hiểm…

Chị Phương Thu, bệnh nhân từng được cấp cứu và điều trị tại BV 7A, chia sẻ: “Tôi bị tai nạn giao thông gây chấn thương nặng. Trong thời gian gần một tháng điều trị tại đây, tôi đã nhận được sự quan tâm thăm hỏi, động viên tận tình của các y, bác sĩ. Họ rất gần gũi và dường như không có khoảng cách, luôn tạo không khí vui vẻ khiến chúng tôi rất yên tâm”. 

Tinh thần người lính 

Chúng tôi gặp thương binh - bác sĩ Lê Xuân Huy Quang, Trưởng Khoa Mổ - hồi sức cấp cứu, khi anh vừa kết thúc chuyến công tác từ thiện khám, chữa bệnh cho dân nghèo tại Campuchia. Đó cũng là dịp anh trở lại thăm chiến trường xưa, sau ngày quân tình nguyện Việt Nam rút khỏi Campuchia. 

Giữa năm 1986, vừa tốt nghiệp Trường ĐH Y Dược TPHCM và kết thúc khóa tập huấn tại Học viện Quân y phía Nam, Huy Quang tình nguyện nhập ngũ tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Trung đoàn 201 của anh đóng quân tại Alongven (Campuchia).

Hơn 1 năm sau, anh và vài đồng đội được chuyển về công tác tại một BV dã chiến ở Xiêm Riệp. Anh kể: “Nhiều hôm BV tiếp nhận rất nhiều thương binh nặng, cần tiếp máu gấp, nếu chờ chuyển máu từ nơi khác đến thì không kịp, sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Thế là tất cả anh chị em trong BV và bà con ở địa phương đều tham gia hiến máu cứu thương binh. Khi mọi người chứng kiến những ca được tiếp máu kịp thời, thương binh nhanh chóng bình phục thì ai cũng hiểu và coi đó là niềm vui được chia sẻ..”.

Năm 1991, sau khi quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ trở về nước, anh được bố trí công tác tại BV 7A. “Làm việc tại phòng mổ - hồi sức, là khoa trung tâm của BV nên tôi ít có thời gian rảnh rỗi. Nếu nhẩm tính thì thời gian tôi ở BV còn nhiều hơn ở nhà, thời gian tôi gần bệnh nhân nhiều hơn là gần gia đình. Nhưng đó là niềm vui của một bác sĩ - người lính như tôi”, bác sĩ Quang chia sẻ.

Niềm vui của Thượng tá, bác sĩ Huy Quang chính là: “Tôi đã may mắn gặp lại một số thương binh từng được tôi điều trị ở nước bạn Campuchia, bây giờ tôi lại được tiếp tục điều trị cho họ - những đồng chí, đồng đội. Những cuộc gặp gỡ không hẹn trước ấy thật cảm động”. 

Còn Đại tá - Dược sĩ Lê Hồng Thủy, Chủ nhiệm Khoa Dược thì tham gia phụ việc tại xưởng dược Quân khu 2 (đóng ở Campuchia) khi mới tròn 15 tuổi. Sau đó, chị tham gia tải đạn, chuyển thương binh, tử sĩ, lương thực trên khắp chiến trường B2 cho đến chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng...

Sau gần 10 năm công tác tại BV 7A, đầu tháng 9 vừa rồi, chị đã được phong quân hàm Đại tá. Chị tâm sự: “Đất nước đã thống nhất hơn 30 năm nhưng chất lính và tinh thần sẵn sàng chiến đấu trong tôi vẫn như vẹn nguyên. Được làm việc và cống hiến cho BV 7A - một BV quân đội, đó là mong ước và hạnh phúc của tôi và gia đình”. 

Thượng tá Nguyễn Duy Lợi, Chủ nhiệm Chính trị BV 7A, cho biết: “BV có 40% bác sĩ là các cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu ở các chiến trường, trong đó trên 10 đồng chí là thương binh hiện nay đang lãnh đạo ở các khoa. Đã từng là người lính ở chiến trường, chứng kiến sự sống và cái chết của mỗi con người thật mong manh, vì vậy, chúng tôi luôn xem mỗi bệnh nhân như người thân của mình và luôn cố gắng để chia sẻ nỗi đau của họ” 

THANH HỢP

Tin cùng chuyên mục