Chưa rõ hiệu quả kinh tế nhà máy lọc dầu Dung Quất

Làm rõ hiệu quả kinh tế
Chưa rõ hiệu quả kinh tế nhà máy lọc dầu Dung Quất

Ngày 11-11, Quốc hội (QH) đã thảo luận ở tổ cả ngày về Dự án Luật Đo lường và việc thực hiện công trình quan trọng quốc gia dự án Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất, Luật Tố cáo. Nội dung được các đại biểu (ĐB) tập trung thảo luận nhất là dự án NMLD Dung Quất. Hầu hết các ý kiến đề nghị Chính phủ phải làm rõ hiệu quả kinh tế của dự án quan trọng này.

Cảng dầu Dung Quất và đê chắn sóng đảm bảo an toàn cho tàu vào nhận dầu. Ảnh: Thái Bằng

Cảng dầu Dung Quất và đê chắn sóng đảm bảo an toàn cho tàu vào nhận dầu. Ảnh: Thái Bằng

Làm rõ hiệu quả kinh tế

Ngày 4-11 vừa qua, Chính phủ đã báo cáo QH về tổng kết công trình quan trọng quốc gia dự án NMLD Dung Quất. Chính phủ cho biết, ngày 30-5-2010, nhà máy đã được bàn giao cho chủ đầu tư, chính thức vận hành thương mại và hiện đang vận hành an toàn, ổn định ở 100% công suất thiết kế. Về tiến độ, dự án chậm khoảng 9 năm so với Nghị quyết của QH. Về tổng mức đầu tư dự án, đã tăng từ 1.500 triệu USD lên 2.501 triệu USD giai đoạn 1997 - 2005, sau đó tăng lên 3.053,5 triệu USD vào 2009. NMLD Dung Quất đang vận hành ổn định đã đáp ứng khoảng 30% nhu cầu xăng dầu thị trường trong nước, giảm bớt phụ thuộc nhập khẩu từ thị trường nước ngoài...

Trên cơ sở đánh giá tổng thể của dự án NMLD Dung Quất, Chính phủ kiến nghị QH xem xét ra nghị quyết công nhận kết thúc việc xây dựng dự án NMLD Dung Quất, giao Chính phủ tiếp tục chỉ đạo chủ đầu tư hoàn thành toàn bộ công tác quyết toán và vận hành công trình an toàn, hiệu quả.

Thảo luận về vấn đề này, các ĐBQH cho rằng, hiện chưa thể đủ thời gian để đánh giá hiệu quả của dự án. Báo cáo của Chính phủ cũng mới chỉ thiên về đánh giá mục tiêu kích hoạt vùng kinh tế miền Trung của dự án này. Trong khi đó, điều quan trọng nhất là phải đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, hiện tượng xăng dầu ở Dung Quất thời gian qua bị tồn trong khi các doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu xăng dầu cũng cần làm rõ. “Đó là do chất lượng, hay do giá cả kém cạnh tranh, hay do vấn đề tổ chức phân phối sản phẩm. Có xăng dầu Dung Quất rồi nhưng giá thành so với xăng dầu nhập khẩu ra sao? Tính an toàn của NMLD thế nào... Những vấn đề này cần được Chính phủ bổ sung vào báo cáo để QH có cái nhìn tổng thể hơn trước khi thông qua Nghị quyết công nhận”, ĐB Lê Thanh Bình (TPHCM) nói.

ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TPHCM) đặt vấn đề: “Tổng mức đầu tư của dự án tăng lên hơn 3 tỷ USD, vậy trong vòng bao lâu sẽ thu hồi được khoản vốn này”.

“Hậu Dung Quất” ra sao?

Nhiều ĐB cũng cho rằng, hiện dự án đã hoàn thành đi vào vận hành, QH không thể không thông qua nghị quyết công nhận, tuy nhiên Chính phủ cần làm rõ thêm nhiều vấn đề để rút kinh nghiệm cho việc triển khai nhiều dự án quốc gia sau này. ĐB Nguyễn Thị Hoa (Hà Nội) cho rằng: “Không chấp nhận được nhà máy lớn như thế mà thi công rồi mới phát hiện ra một túi bùn khổng lồ, phải làm lại từ đầu”. ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) cũng nói: “Đề nghị Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán công trình, báo cáo QH trong kỳ họp gần nhất”.

Một số ĐB khác yêu cầu Chính phủ chú trọng những vấn đề “hậu Dung Quất”, trong đó có việc chuẩn bị nguồn nhân lực trong nước đủ trình độ, năng lực để vận hành dự án mà không phải dựa quá nhiều vào các chuyên gia nước ngoài; đánh giá đời sống của người dân địa phương sau khi di dời, tái định cư. Đáng lưu ý, việc sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào là “dầu thô khai thác từ mỏ Bạch Hổ và tương đương” trong bối cảnh nguồn dầu thô khai thác từ mỏ này đang suy giảm cũng được ĐBQH bày tỏ quan tâm. “Nếu phải thay thế bằng dầu thô nhập từ nước ngoài về (và không dễ chọn loại dầu thô tương đương) thì bài toán kinh tế có còn đúng?”, ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) lo ngại.

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cũng nói, dự án có 2 mục tiêu: chính trị (tạo cú hích để phát triển kinh tế miền Trung) và kinh tế (phát triển ngành công nghiệp hóa dầu). Nhưng hiện nay cũng khó để luận chứng về hiệu quả kinh tế, vì vậy nên làm tốt hơn mục tiêu chính trị. “Vậy thì phải xem lại, phải đầu tư nhiều hơn cho mục tiêu tạo cú hích cho kinh tế miền Trung. Theo tôi, về phương diện lan tỏa miền Trung của dự án là còn ít”, ông Lịch phát biểu.

Phát biểu về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc thừa nhận, tuy cơ bản dự án này đã thành công “nhưng qua đây phải rút kinh nghiệm về quyết tâm chiến lược”. Dẫn lại việc Nhà nước đã phải khá “đau đầu” trước khi lựa chọn địa điểm xây dựng NMLD Dung Quất tại khu vực miền Trung, ông Phúc khẳng định vì Chính phủ muốn tạo cú hích để thay đổi bộ mặt khu vực này. Còn xét về hiệu quả kinh tế, ông Phúc thừa nhận các đối tác nước ngoài đều “không làm”, nhưng “chúng ta cũng không đặt hiệu quả kinh tế lên đầu, mà đặt mục tiêu hiệu quả chính trị, hiệu quả xã hội và xét trong tổng thể”. “Khi tính toán công trình trọng điểm quốc gia phải bàn đến nơi đến chốn”, ông Phúc kết luận.

Cùng ngày, các ĐBQH cũng thảo luận về Dự án Luật Đo lường và Luật Tố cáo. Về Luật Đo lường, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng nhiều điều khoản vẫn còn chung chung, chưa làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này. “Ở ta, hệ thống thương mại hiện đại chỉ chiếm 20%, còn lại 80% là thương mại truyền thống, mua bán ở chợ. Luật này chưa bảo vệ được người tiêu dùng của 80% thương mại truyền thống”, ông Lịch nói. Ông cũng cho rằng, luật này nhằm chống gian dối trong đo lường, bảo vệ người tiêu dùng nhưng quy định còn chung chung. Cũng chưa có những chế tài cần thiết để luật đi vào cuộc sống. Nhiều ý kiến khác cũng nói, Ban soạn thảo cần điều chỉnh lại nhiều nội dung, để luật thực sự có tác dụng.

Về Luật Tố cáo, các ý kiến cơ bản tán thành với những nội dung trong dự thảo, trong đó có việc tăng cường bảo vệ người tố cáo để khuyến khích người dân tham gia tố cáo các tiêu cực, sai phạm, tuy nhiên cần quy định rõ ràng hơn. “Ai là người chịu trách nhiệm nếu không bảo vệ được người tố cáo? Nếu người tố cáo bị thiệt hại thì họ có được bồi thường không?”, ĐB Lê Thanh Bình (TPHCM) đặt vấn đề.

Phan Thảo - Bảo Vân

Tin cùng chuyên mục