“Ốc đảo” David giữa Sài Gòn

T.L
“Ốc đảo” David giữa Sài Gòn

Theo một điều khoản của Hiệp định Paris ký kết ngày 27-1-1973 nhằm lập lại hòa bình ở Việt Nam, có một phái đoàn quân sự của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) trong Ủy ban Liên hiệp quân sự bốn bên, đóng ở Sài Gòn để giám sát việc thi hành hiệp định của các bên.

Do sợ ta gây ảnh hưởng chính trị giữa thủ đô ngụy quyền Sài Gòn nên chúng bố trí “trụ sở” của phái đoàn ta trong sân bay Tân Sơn Nhất để cô lập với thế giới bên ngoài, nhất là đối với nhân dân Sài Gòn. Nơi ở của phái đoàn ta là một khu nhà xoàng xĩnh, có tên gọi là trại David. Đã thế, địch còn chăng dây thép gai bao bọc để dễ bề kiểm soát ta.

Phái đoàn quân sự của ta lúc đầu do thiếu tướng Hồ Xuân Anh phụ trách. Tính đến đầu năm 1975, phái đoàn ta sống giữa vòng vây quân địch đã gần 3 năm.

Khu nhà phái đoàn ta ở, nền đất, tường ván, xung quanh rào dây thép gai. Tình huống hiện tại rất khó khăn trong việc đào công sự, giao thông hào. Cán bộ, chiến sĩ phải đào hầm ban đêm, dùng xẻng, cuốc, cọc dây thép gai và cả dao găm để đào. Đất đào lên không chuyển đi đâu được, phải ép xuống nền nhà hoặc cho vào bao tải chất vào kho.

Trước ngày ta mở chiến dịch xuân 1975, trong trại David, ta vẫn duy trì nền nếp sinh hoạt bình thường: giao ban sáng, tập trung công việc cho hai diễn đàn còn lại là diễn đàn của ủy ban quốc tế và diễn đàn dư luận. Anh chị em luôn vững vàng; các bãi thể thao, tăng gia vẫn đông người.

Ban Liên hiệp bốn bên tại trại David năm 1973. Ảnh: T.L.

Ban Liên hiệp bốn bên tại trại David năm 1973. Ảnh: T.L.

Đầu năm 1975, phái đoàn ta nhận được điện khẩn của Bộ Chỉ huy Miền thông báo sẽ có một đơn vị đặc công vào để đưa tất cả cán bộ, chiến sĩ ra vùng giải phóng. Đảng ủy đoàn đã họp và lãnh đạo đi đến thống nhất ở lại chiến đấu, tham gia trận đánh cuối cùng, đó là một vinh dự cho người cầm súng.

Quyết tâm của đoàn được cấp trên chấp thuận. Từ ngày 18-4, toàn trại David bắt tay vào công tác tổ chức chuẩn bị chiến đấu. Công sự từng nhà được nối liền với nhau qua hào giao thông, có cả hầm chỉ huy và hầm quân y... tạo thành một khu vực chiến đấu hoàn chỉnh. Việc ta đào hầm hào trong trại David, địch không phát hiện được, mặc dù xung quanh có tới 10 chòi canh và lính canh gác ngày đêm.

Nhân dịp có việc trao đổi với một số nhân viên Ban Liên hiệp quân sự bị mắc kẹt hôm ta đánh Buôn Ma Thuột, Bộ chỉ huy chiến dịch chủ trương đưa ra mấy đồng chí thật cần thiết, còn anh em vẫn ở lại, trong đó có đồng chí trưởng đoàn. Và khi làm kế hoạch cho pháo bắn vào Tân Sơn Nhất, Bộ chỉ huy nhiều lần dặn các đồng chí phụ trách pháo binh bảo đảm an toàn cho khu vực phái đoàn ta.
Chuyện phái đoàn quân sự của ta trú đóng trong trại David tưởng chỉ có thế, ai dè trong những ngày cuối tháng 4-1975 lại trở nên “quan trọng” như vậy.

Trước đây Thiệu ra sức cô lập trại David vốn đã “thất thế” về nhân hòa địa lợi. Đã thế chúng còn giở những trò bỉ ổi như bao vây, khiêu khích, gây nhiều khó khăn cho phái đoàn ta trong công tác và sinh hoạt như cắt điện, nước, không cho tiếp xúc với bên ngoài...

Thế nhưng những ngày này, khi “sa cơ thất thế”, chúng lại mò đến đây cầu cạnh với hy vọng mong manh cứu vớt được chế độ “Việt Nam cộng hòa”. Đại sứ Martin, nhân vật quan trọng nhất lúc này của Mỹ xin được gặp đại diện phái đoàn ta, nhưng bị từ chối. Chúng còn xin phép được bay ra Hà Nội để “thương lượng” ngưng bắn(!), thật trơ tráo hết chỗ nói. Chuyện các sứ giả từ phủ đầu rồng chế độ Sài Gòn đến trại David, mục đích thăm dò việc ngừng bắn mà chúng cho là giải pháp tình thế “tối ưu” lúc này.

Tổng trưởng Nguyễn Văn Diệp kể: “Ngày 28-4, nhóm nhỏ chúng tôi - nhóm Trí Việt, thực chất là nhóm thi hành Hiệp định Paris có họp đánh giá thấy những ngày qua ông Minh quan tâm quá nhiều đến quân sự, gom quân... còn thương thuyết thì chưa thấy đá động gì... Ông Huyền cử tôi chính thức đại diện cho Phó tổng thống đi gặp phái đoàn trong trại David, đặt vấn đề thương thuyết... Ông Nguyễn Đình Đầu phụ tá cho tôi trong chuyến đi này... Khi chúng tôi tới trại David, ở trong hầm, đại úy Tài nói rõ lập trường của Chính phủ Cách mạng lâm thời đã nêu cụ thể trong tuyên bố 20-4-1975”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu kể thêm: “Thực tế đến lúc đó chúng tôi chưa biết tới bản tuyên bố nên xin phép khẩn trương trở về báo cáo ông Huyền để ra được bản tuyên bố chính thức trên đài. Ông Diệp và tôi thảo bản tuyên bố chấp nhận điều kiện ngưng bắn của mặt trận, mang vào gặp ông Huyền bàn bạc với ông Minh. Khoảng 5 giờ chiều hôm đó, bản tuyên bố đã được phát trên đài Sài Gòn…”.

Ông Nguyễn Đình Đầu kể tiếp: “… Khi đi, ông Huyền đề nghị ông Diệp và tôi cùng vào dinh để ủng hộ tinh thần. Chúng tôi quan sát thấy hai bên đường dân chúng căng thẳng như sắp có trận động đất hay hồng thủy, tiếng súng liên thanh và đại pháo nổ vang… Ông Diệp nói nhỏ với tôi bằng tiếng Pháp: “Il faut se rendre” (Phải đầu hàng thôi)… Khoảng 8 giờ, ông Minh ra chỗ bàn tôi đang ngồi, rồi ông đọc “lời tuyên bố đơn phương hạ vũ khí và bàn giao quyền hành cho Chính phủ Cách mạng lâm thời” vào máy ghi âm. Ít phút sau, ông Huyền bước ra gặp tôi bàn việc “trao quyền” sao cho đỡ xương máu...”.

Ông Nguyễn Văn Diệp tiếp vào: ...Ghi băng xong, ông Minh giao cho Tổng trưởng Thông tin Lý Quý Chung đem đến đài phát thanh để phát đi. Vừa lúc đó, đại tá Vanuyxem đến gặp tổng thống:

- Tôi từ Pháp mới đến... hỏi xem tình hình hiện nay ra sao?

Dương Văn Minh:

- Tình hình không hy vọng gì nữa. Để tránh đổ máu vô ích, tôi sắp phát lời tuyên bố bàn giao chính quyền lại cho Chính phủ Cách mạng lâm thời.

Vanuyxem:

- Không phải hết hy vọng đâu. Tôi đã thu xếp xong ở Paris...

Dương Văn Minh một mực từ chối “kế hoãn binh” của Vanuyxem và cảm ơn, chào tiễn biệt.

Vanuyxem vừa đi khỏi thì ông Minh kêu Lý Quý Chung vào bảo đi phát lời tuyên bố đã ghi âm. Trong không khí im lặng nặng nề, tự nhiên ông Minh thốt lên:

- Chúng ta đã bán nước cho Mỹ rồi. Bây giờ họ lại bắt chúng ta bán nước cho nước khác nữa... Thôi, bây giờ chúng ta đến Dinh Độc Lập đi, còn chuẩn bị bàn giao!

Đúng giờ phút ấy, các sĩ quan quân đội cách mạng bước vào nói lớn:

- Các ông không còn gì để bàn giao, phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện!

Cũng giờ phút ấy, nhiệm vụ của phái đoàn quân sự ta ở trại David đã kết thúc một cách tốt đẹp. Câu chuyện của các “sứ giả” tân chính phủ Dương Văn Minh đã khép lại chương cuối của một cuộc chiến tranh.

“Ốc đảo” David đã trở thành ký ức của những chiến sĩ quân đội cách mạng kiên cường hiên ngang trong lòng địch, như một khoảng trầm trong bản hòa ca Đại thắng mùa xuân 1975

LAM GIANG

Tin cùng chuyên mục