Cần sửa đổi, bổ sung nhiều vấn đề về tài nguyên môi trường trong Hiến pháp

Hội thảo khoa học “Những vấn đề về tài nguyên môi trường trong Hiến pháp sửa đổi” đã được Ban biên tập sửa đổi Hiến pháp 1992 phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp tổ chức tại Hà Nội hôm qua 17-10.

(SGGP). – Hội thảo khoa học “Những vấn đề về tài nguyên môi trường trong Hiến pháp sửa đổi” đã được Ban biên tập sửa đổi Hiến pháp 1992 phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp tổ chức tại Hà Nội hôm qua 17-10.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Trưởng ban Biên tập sửa đổi Hiến pháp 1992, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, các quy định trong Hiến pháp 1992 về tài nguyên, môi trường được trình bày khá đơn giản, với dung lượng khiêm tốn, chưa tương xứng với vị thế của lĩnh vực này.

Đồng thời, trong khi quyền của người dân về tài nguyên, môi trường đã được khẳng định thì những nghĩa vụ trong lĩnh vực này lại chưa được làm rõ, chưa phù hợp với xu thế hội nhập và những biến chuyển tự nhiên (như biến đổi khí hậu…). Do vậy, dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này đã đưa vào một số điều khoản mới và sửa đổi, bổ sung nhiều điều khoản về tài nguyên và môi trường.

Phát biểu ý kiến tại hội thảo, nhiều đại biểu đề nghị nên định nghĩa khái niệm “sở hữu toàn dân” trong Hiến pháp để tránh gây hiểu lầm, khó thực hiện trong quá trình thực thi pháp luật. Có ý kiến đề nghị, Điều 58 của dự thảo cần phân định rõ hình thức “sở hữu tài nguyên” và “sở hữu tài sản”; đồng thời cho rằng nếu chỉ quy định tài sản “do Nhà nước đầu tư là sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” là chưa đầy đủ, vì có những di sản văn hóa tuy không được đầu tư bằng tiền Nhà nước nhưng vẫn là sở hữu toàn dân và phải chịu sự quản lý của Nhà nước.

TS Nguyễn Tất Thắng (Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường) đề nghị bổ sung quy định địa chất là tài nguyên quốc gia, thuộc sở hữu toàn dân; ví dụ như cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang). Đại diện Tổng cục Quản lý đất đai đề nghị, hiện nay ngoài tổ chức, cá nhân thì hộ gia đình cũng là một chủ thể được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vì vậy cần bổ sung đối tượng này vào quy định trong Hiến pháp.

TS Nguyễn Quang Tuyến, Đại học Luật Hà Nội cho rằng, không nên quy định đất đai là “tài nguyên quốc gia” mà cần quy định là “tài sản quốc gia”, tạo thuận lợi khơi nguồn lực phát triển đất nước.
Những ý kiến đóng góp tại hội thảo này sẽ được Ban biên tập Hiến pháp sửa đổi nghiên cứu, tiếp thu, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa 13 sắp khai mạc.

A. THƯ

Tin cùng chuyên mục