Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa VIII: “Nóng” chuyện tái định cư thủy điện

(SGGP).- Ngày 13-12, kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa VIII bước vào ngày thứ 3 với phiên chất vấn. Nghị trường trở nên “nóng” khi các đại biểu dành nhiều thời gian chất vấn về những bất cập trong tái định cư thủy điện Sông Tranh 2, thủy điện A Vương,… dẫn đến đời sống người dân vùng tái định cư gặp nhiều khó khăn tại nơi ở mới.

(SGGP).- Ngày 13-12, kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa VIII bước vào ngày thứ 3 với phiên chất vấn. Nghị trường trở nên “nóng” khi các đại biểu dành nhiều thời gian chất vấn về những bất cập trong tái định cư thủy điện Sông Tranh 2, thủy điện A Vương,… dẫn đến đời sống người dân vùng tái định cư gặp nhiều khó khăn tại nơi ở mới.

Trả lời những bức xúc của cử tri, ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, thừa nhận có những bất cập dẫn đến đời sống người dân vùng tái định cư thủy điện gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết những tồn tại trong tái định cư thủy điện một cách triệt để, chỉ có chủ đầu tư là EVN mới giải quyết được. Hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam cũng như người dân đang chịu những hệ lụy của thủy điện, việc tự tìm giải pháp để cứu mình là rất khó; giải quyết tồn tại tái định cư thủy điện một cách bền vững là không đơn giản.

Bên cạnh lợi ích mang lại, công tác di dời dân dự án thủy điện còn nhiều tồn tại từ việc bồi thường, di dời dân đến thiếu đất sản xuất dẫn đến dân phá rừng làm rẫy, cơ sở hạ tầng điện - đường - trường - trạm - nước sạch xuống cấp khiến đời sống người dân vùng tái định cư thủy điện gặp nhiều khó khăn. Nhiều năm qua, chính quyền từ cấp tỉnh đến địa phương quan tâm giải quyết nhưng không thể giải quyết hết những tồn tại này.

Hiện nay, để giải quyết đất sản xuất cho dân vùng tái định cư thủy điện, UBND tỉnh Quảng Nam đã phải chuyển đổi hơn 800ha đất rừng để cấp cho dân sản xuất và EVN cấp 1,4 tỷ đồng để phân chia. Hiện tỉnh Quảng Nam tiếp tục đề nghị EVN giải quyết những tồn tại.

Ông Nguyễn Thanh Quang dự báo, năm 2013 là năm ngành nông nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn bởi sự biến đổi thất thường của thiên tai, nhất là tình trạng khô hạn. Còn 12 ngày nữa là xuống giống nhưng thời tiết quá cực đoan, mùa màng đối mặt với khô hạn vì đến nay mới đạt 60% - 70% lượng mưa so với các năm dẫn đến thiếu nước bổ sung cho các hồ chứa.

Ông Nguyễn Văn Sỹ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo: Ngành nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với các công trình thủy điện để xả nước cứu vụ đông xuân; phải tham mưu cho tỉnh trong vận hành điều tiết nước cứu mùa màng chứ không thể để các thủy điện đóng cửa không chịu xả nước, trong khi dân thiếu nước sản xuất. Ngành giáo dục, các ban của HĐND, UBND tỉnh kiểm tra, giám sát các khoản thu trong nhà trường như quỹ phụ huynh, thu tiền giữ xe của học sinh, tiền điện nước… Các khoản phí trên phải trích từ học phí chứ không thể để học sinh đóng.

N.Khôi

Tin cùng chuyên mục