Khai mạc kỳ họp thứ 5 HĐND TPHCM khóa VIII: Khơi thông vốn cho doanh nghiệp

Tại buổi thảo luận tổ ngày đầu tiên của kỳ họp HĐND TPHCM lần 5 khóa VIII diễn ra hôm qua, các đại biểu (ĐB) đã phân tích sâu tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của TP. Hầu hết các ý kiến đánh giá cao những thành quả mà TP đã nỗ lực vượt khó đạt được trong nửa năm đầu. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến bày tỏ băn khoăn đằng sau những con số…
Khai mạc kỳ họp thứ 5 HĐND TPHCM khóa VIII: Khơi thông vốn cho doanh nghiệp

Tại buổi thảo luận tổ ngày đầu tiên của kỳ họp HĐND TPHCM lần 5 khóa VIII diễn ra hôm qua, các đại biểu (ĐB) đã phân tích sâu tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của TP. Hầu hết các ý kiến đánh giá cao những thành quả mà TP đã nỗ lực vượt khó đạt được trong nửa năm đầu. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến bày tỏ băn khoăn đằng sau những con số…

Giám sát chặt ngân hàng

Đi vào cụ thể, ĐB Trần Trọng Dũng nêu: Theo kế hoạch, chi đầu tư phát triển cả năm 2012 là 11.400 tỷ đồng nhưng chỉ mới 6 tháng đầu năm nay, TPHCM đã chi hết trên 11.700 tỷ đồng. “Vậy 6 tháng cuối năm tiền đâu TP xài?” - ĐB Dũng hỏi.

Theo báo cáo, kế hoạch về kim ngạch xuất khẩu của TP đề ra trong năm 2012 tăng 15% nhưng thực tế giảm rất lớn. “Nhập khẩu tăng, xuất khẩu lại giảm, tình hình này rất lo ngại cho cán cân xuất nhập khẩu nên TP cần có giải pháp kịp thời về tình hình này”, ĐB Trần Trọng Dũng đề xuất.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm trao đổi với các đại biểu tại kỳ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm trao đổi với các đại biểu tại kỳ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trong khi đó, ĐB Lâm Thiếu Quân đặt vấn đề: “Báo cáo KT-XH của TP vẫn chưa nói hết khó khăn, năm 2012 khó hơn 2011 và năm 2013 khó hơn năm nay. Khó khăn nhất là mất lòng tin. Đơn cử như việc nói là đã kiểm soát lãi suất về mức 12% - 14% nhưng thực tế rất ít DN tiếp cận được, chỉ vài phần trăm thôi!”.

ĐB này tiếp tục: “DN khó, người tiêu dùng cũng vậy. Cả xã hội lao vào vòng xoáy ấy dẫn đến ngân sách TP sẽ không đạt. Chưa kể thị trường bất động sản chưa vỡ nhưng nếu vỡ còn khó khăn hơn nữa. DN không có lãi thì giảm thuế cũng như không. Cái khó hiện nay là sự giúp đỡ của nhà nước đến được tay DN hay không? Nên tổ chức giám sát chặt chẽ vấn đề này, nếu TPHCM làm được, sẽ tốt cho cả nước”.

Bàn sâu về việc gỡ khó cho DN, ĐB Trần Trọng Dũng nêu: qua tiếp xúc với 40 DN trên địa bàn quận 8, hầu hết DN chưa tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất thấp của ngân hàng (NH). Nhiều DN đề xuất khoanh nợ. “Vốn là “máu” của DN, hết “máu” thì DN chết. Trong khi lãi suất huy động giảm xuống 9% các NH áp dụng nhanh chóng nhưng khi chủ trương giảm lãi cho vay thì chưa DN nào tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất thấp. Phải có chế tài NH không giảm lãi suất theo quy định” - ĐB Trần Trọng Dũng đề xuất.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiếu đóng góp ý kiến tại thảo luận tổ. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đại biểu Nguyễn Văn Hiếu đóng góp ý kiến tại thảo luận tổ. Ảnh: VIỆT DŨNG

ĐB Huỳnh Quốc Cường phân tích: “Công tác quản lý lĩnh vực tài chính NH còn nhiều sơ hở dẫn đến vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng. HĐND TP cần tăng cường công tác giám sát đối với lĩnh vực tài chính, ngân hàng; thanh tra, kiểm tra các tổ chức tín dụng để chấn chỉnh sai phạm. Tỷ lệ nợ xấu của NH còn cao, đề nghị kiểm tra dấu hiệu vi phạm ở một số nơi, nhất là hệ thống NH nông nghiệp. Riêng MTTQ TP cho rằng hiện nay lãi suất cho vay giảm nhưng DN rất khó tiếp cận, dẫn đến DN phá sản nhiều, HĐND TP cũng phải giám sát việc này”.

Băn khoăn về những con số... đẹp!

ĐB Trần Trọng Dũng chỉ ra những mâu thuẫn trong các báo cáo của UBND TPHCM về xử lý nước thải y tế. Theo báo cáo KT-XH TP, 6 tháng đầu năm, tỷ lệ xử lý nước thải y tế đạt 95%. Trong khi tờ trình của UBND TPHCM lại chỉ nêu: còn nhiều bệnh viện nước thải y tế sau xử lý chưa đạt chuẩn hoặc chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải, có bệnh viện hoàn thành hệ thống xử lý nước thải nhưng chưa đưa vào sử dụng. Đặc biệt, 285 phòng khám đa khoa và chuyên khoa của khối tư nhân hoạt động phần lớn không có hệ thống xử lý nước thải theo quy định… “Tôi cảm thấy băn khoăn về tỷ lệ 95% nước thải y tế đã xử lý đạt. Con số tròn trĩnh, rất đẹp nhưng…”, ĐB Trần Trọng Dũng bày tỏ.

ĐB Huỳnh Công Hùng chất vấn: “Tiến độ xử lý những BV có nước thải y tế chưa đạt chuẩn còn quá chậm. Trong khi đó, các phòng khám tư nhân lại nằm xen kẽ địa bàn dân cư, tác hại sẽ khôn lường vì nước thải này sẽ chảy xuống cống, ngấm vào nước ngầm. Các cơ quan có trách nhiệm phải cho biết phương thức chỉ đạo, cách thức nào xử lý triệt để”.

Thẳng thắn hơn, ĐB Võ Văn Sen cho rằng: “Việc xử lý trách nhiệm hiện nay vẫn chưa phù hợp. Nếu ngừng hoạt động các BV chưa đạt yêu cầu thì kết quả người dân gánh chứ ai. Như thế thì có khác gì xử lý kỷ luật dân đâu? Phải tìm biện pháp xử lý phù hợp hơn với các BV này chứ không thể chỉ cấm, ngừng là được!”.

Quy hoạch treo - khổ lắm, nói mãi

Liên quan đến quy hoạch treo, ĐB Lâm Đình Chiến phản ảnh: Điều người dân than phiền, bức xúc, nhất là quy hoạch cái gì cũng muốn cho tròn, cho đẹp… nhưng thực tế không làm được. Ví dụ, hiện nay quy hoạch hẻm dưới 12m thuộc thẩm quyền của các quận, huyện, nhưng hỏi chừng nào làm thì không biết, không ai trả lời.

Ông Lâm Đình Chiến bức xúc: “Còn về dự án treo, dự án gì mà bao nhiêu đời cứ để đó hoài, dự án C30 ở quận 10, cứ để mênh mông như vậy, bao nhiêu lãng phí, tốn kém, trong khi mình không có tiền mà đất thì bỏ không, cử tri rất bức xúc. Do đó, tôi đề nghị hai giải pháp, thứ nhất cần rà soát lại các dự án treo, giao trong vòng 12 tháng không làm, không có lý do chính đáng, không phải vì khách quan mà do chủ quan dứt khoát phải thu hồi. Vấn đề này TP cũng đang làm nhưng tôi thấy chưa mạnh tay và chưa quyết liệt. Do vậy, cần chuyển thành nội dung trong nghị quyết của HĐND. Đất là tiền, là vàng mà cứ bỏ hoang thế thì thật vô lý”.

UBND TPHCM báo cáo 8 tờ trình

Sáng 11-7, phiên khai mạc kỳ họp thứ 5 HĐND TPHCM khóa VIII đã diễn ra dưới sự chủ trì của Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm. Tại phiên họp này, ngoài việc báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2012 và giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2012, UBND TPHCM còn báo cáo 8 tờ trình.

Cụ thể: Tờ trình về việc thu phí trông giữ xe trên địa bàn TPHCM; Tờ trình về ban hành mức thu và sử dụng lệ phí cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô; Tờ trình về việc ban hành mức thu phí tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, mức thu phí đấu giá tài sản và tỷ lệ phần trăm trích lại trên số tiền thu phí đấu giá tài sản và tỷ lệ phần trăm trích lại trên số tiền thu phí đấu giá tài sản, phí tham gia đấu giá tài sản trên địa bàn TPHCM; Tờ trình về sửa đổi quy định về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp bản sao từ bản chính và chứng thực chữ ký trên địa bàn TPHCM; Tờ trình về dự thảo Quyết định ban hành quy định một số định mức chi cụ thể cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn TPHCM; Tờ trình về mức thu vận động đóng góp, quản lý và sử dụng quỹ quốc phòng - an ninh trên địa bàn thành phố; Tờ trình về đặt tên đường mang tên đồng chí Phạm Văn Đồng, đồng chí Mai Chí Thọ, đồng chí Trần Văn Giàu và Tờ trình về một số chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo trên địa bàn thành phố giai đoạn 2012 - 2015.

Về tờ trình thu phí trông giữ xe trên địa bàn TPHCM, thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách cho biết: về mức giá giữ xe, đối với nhóm II (chung cư hạng 3, 4), đây là nhóm đối tượng phần lớn có thu nhập thấp nên điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện đi lại còn nhiều khó khăn. Do đó, Ban Kinh tế - Ngân sách kiến nghị HĐND TP không tăng mức giữ xe đạp, xe đạp điện (kể cả trông giữ nón bảo hiểm), giữ nguyên như hiện nay là 30.000 đồng/xe/tháng. Đối với xe máy (xe số, xe tay ga, xe điện, kể cả trông giữ nón bảo hiểm) thì vẫn giữ mức giá như hiện nay là 100.000 đồng/xe/tháng.

Kỳ họp cũng đã nghe Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Phan Văn Báu báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 33 của HĐND TP về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2012, trong đó xác định chỉ tiêu về môi trường là “Tỷ lệ xử lý nước thải y tế tại các cơ sở y tế trên địa bàn TP đạt 100%”. Theo đó, đối với các bệnh viện (BV) thuộc Trung ương thì vẫn còn 6 BV có nước thải y tế sau xử lý một số chỉ tiêu không đạt chuẩn môi trường QGVN 28; 4 BV chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Đối với BV trực thuộc Sở Y tế TP, vẫn còn 11 BV nước thải sau xử lý một số chỉ tiêu không đạt chuẩn. Đối với BV trực thuộc UBND quận huyện, có 13 BV nước thải y tế sau xử lý một số chỉ tiêu không đạt chuẩn môi trường. Đối với các BV tư nhân trên địa bàn TP, qua kiểm tra cho thấy còn 18 BV có một số chỉ tiêu không đạt chuẩn…

Vân Anh - Hồng Hiệp

Tin cùng chuyên mục