Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải: Trong khó khăn càng phải chung sức chăm lo đời sống nhân dân tốt hơn

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải: Trong khó khăn càng phải chung sức chăm lo đời sống nhân dân tốt hơn

Với cương vị là người đứng đầu thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy đặc biệt quan tâm chăm lo đời sống người dân thành phố. Đánh giá cao loạt bài “Cùng nhau vượt khó” Báo SGGP đang thực hiện, đồng chí Lê Thanh Hải khẳng định: “Bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, tuy là nhiệm vụ thường xuyên của Đảng bộ, chính quyền các cấp đối với nhân dân thành phố, nhưng trong bối cảnh kinh tế gặp khó khăn, đời sống của người dân bị giảm sút, nhất là dân nghèo, diện chính sách; nguy cơ tái nghèo tăng… nên cả hệ thống chính trị của chúng ta cần quan tâm đặc biệt đối với nhiệm vụ này, nhất là trong dịp Tết Quý Tỵ 2013”.

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải gặp gỡ người dân trong ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại quận 10, TPHCM. Ảnh: Việt Dũng

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải gặp gỡ người dân trong ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại quận 10, TPHCM. Ảnh: Việt Dũng

- PV: Thưa đồng chí, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, thành phố sẽ ưu tiên chăm lo đối tượng nào?

Bí thư Thành ủy TPHCM LÊ THANH HẢI: Tết cổ truyền của dân tộc phải đến với mọi người, mọi nhà thật vui tươi, đầm ấm; chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy là phải nỗ lực tối đa, tập trung thực hiện các giải pháp thiết thực nhằm chăm lo trước hết đối với diện chính sách và công nhân, người lao động, hộ nghèo, cận nghèo có hoàn cảnh khó khăn… trong đó hết sức chú ý công nhân các khu công nghiệp tập trung, các em học sinh, sinh viên ở các địa phương đang lao động và học tập ở thành phố vì đây là nhóm dễ bị tổn thương khi tình hình kinh tế gặp khó khăn. Mục tiêu chúng ta là chăm lo để đồng bào thành phố, mọi người dân đều được hưởng xuân, vui tết, thực hiện phương châm “Không để một hộ nghèo nào không có tết”. Trong khó khăn càng phải chung sức lo cho dân tốt hơn.

- Bằng các giải pháp nào, thưa đồng chí, trong khi tình hình kinh tế TPHCM còn đang rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, thậm chí có địa phương thu không đủ chi, ngay cả UBND TP cũng “than” thu ngân sách đang gặp khó, nguồn vốn bố trí cho đầu tư phát triển còn rất hạn chế?

Cho dù khó khăn đến thế nào, chúng ta cũng vẫn luôn có điểm tựa rất vững chắc, đó chính là truyền thống tốt đẹp của nhân dân thành phố nói riêng, của dân tộc ta nói chung. Bao giờ cũng vậy, khi gặp khó khăn, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, đùm bọc lẫn nhau của nhân dân càng phát huy mạnh mẽ; đó là cơ sở để chúng ta tiếp tục vượt khó, dựa vào nguồn sức mạnh nhân dân để chăm lo đời sống vật chất, văn hóa của người nghèo, công nhân, gia đình chính sách… Hệ thống chính trị thành phố tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào “3 tương trợ, 3 tiết kiệm” lan tỏa sâu rộng; mỗi cán bộ, đảng viên, công chức nêu gương, tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào ở khu phố, ấp với phương châm “phát huy sức dân chăm lo cho dân”, cùng chung sức phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chăm lo gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo. Đặc biệt, đối với công nhân lao động, Công đoàn các cấp phối hợp cùng Mặt trận Tổ quốc, Thành đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ… họp mặt, tặng quà công nhân, người lao động vui tết; vận động hỗ trợ vé xe giúp công nhân khó khăn về quê đón tết. Các cấp công đoàn tập trung chăm lo công nhân mất việc làm hoặc đang bị bệnh phải điều trị. Đồng thời, thành phố tổ chức các phiên chợ, các đợt bán hàng bình ổn thị trường, các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí lành mạnh, nhất là ở các huyện, ở vùng căn cứ kháng chiến…

Tôi tin rằng, các ngành, các cấp sẽ có nhiều hoạt động sáng tạo, thiết thực chăm lo tết đối với nhân dân thành phố. Đặc biệt, đề cao vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức thành phố; trong lúc khó khăn càng phải thực hành thật tốt tiết kiệm, chắt chiu để chăm lo cho dân; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 21-12-2012 của Ban Bí thư về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trên cơ sở đó, kịp thời biểu dương những việc làm tốt thì sẽ huy động được toàn xã hội cùng tham gia vào việc chăm lo người nghèo, gia đình chính sách, làm cho mỗi gia đình trong những ngày tết sẽ được sum vầy, ấm áp; sự thương yêu lan tỏa trong xã hội, thành phố chúng ta.

Với đồng bào nghèo, món quà tết ý nghĩa không chỉ nằm ở hộp bánh, khay trà mà còn mang đến giá trị văn hóa lớn lao. Đó là sự quan tâm, động viên kịp thời của cấp ủy Đảng, các cấp chính quyền, đoàn thể, cộng đồng dân cư, những tấm lòng hảo tâm, góp phần động viên bà con vươn lên, vượt qua khó khăn.

Hưởng ứng lời kêu gọi của TP nhiều đơn vị đã tích cực chăm lo, hỗ trợ người nghèo vào dịp tết.

Hưởng ứng lời kêu gọi của TP nhiều đơn vị đã tích cực chăm lo, hỗ trợ người nghèo vào dịp tết.

- Đồng chí vừa đề cập đến vai trò nêu gương của cán bộ, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán?

Đúng vậy, thành phố sẽ thực hiện nghiêm chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tất cả cán bộ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp thành phố không được tổ chức thăm tết, chúc tụng, liên hoan, chiêu đãi lẫn nhau mà phải dành thật nhiều thời gian, công sức tập trung đi thăm dân, lo cho dân, nhất là diện chính sách, neo đơn, đồng bào nghèo. Đặc biệt, phải thực hiện nghiêm việc không dùng công quỹ làm quà biếu xén, cán bộ gương mẫu không nhận quà dưới mọi hình thức.

- Những năm qua, ở nơi này, nơi khác vẫn còn hiện tượng một số nơi không tích cực trong việc giải quyết các chế độ, hoặc chậm trễ hỗ trợ người nghèo ăn tết. Thành phố sẽ giám sát việc này như thế nào, thưa đồng chí?

Người nghèo được tổ chức, cá nhân hỗ trợ đón tết mà cán bộ phường, xã để lại sau tết mới phát hoặc phát sai đối tượng thì hoàn toàn không thể chấp nhận được; lãnh đạo địa phương nếu để xảy ra việc này là chưa làm tròn trách nhiệm với dân. Không được làm như vậy đối với nhân dân, với người nghèo, đó là vấn đề đạo đức của cán bộ, là đạo lý của chúng ta; nếu có địa phương nào để diễn ra “xà xẻo” tiền, quà tết của người dân nghèo, dứt khoát phải bị xử lý thật nghiêm minh. Bởi vì vi phạm đó không thể tính theo lượng vật chất mà đặc biệt nghiêm trọng là phạm vào văn hóa, nhân văn.

Không chỉ chăm lo đời sống nhân dân, trong những ngày giáp Tết Nguyên đán, các ban ngành, địa phương phải khẩn trương siết chặt quản lý địa bàn, tiến hành kiểm tra đảm bảo an toàn thực phẩm, kiểm soát thị trường hàng hóa, không để xảy ra tình trạng nâng giá, ép giá, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe nhân dân. Các ngành công an, lực lượng vũ trang, giao thông vận tải, điện lực, y tế, thông tin tuyên truyền cũng đã chuẩn bị sẵn lực lượng, phương tiện, triển khai các hoạt động đảm bảo phục vụ tốt nhất cho nhân dân thành phố vui xuân đón Tết Quý Tỵ 2013 yên vui, đầm ấm, lành mạnh, tiết kiệm và an toàn.

- Xin cảm ơn đồng chí!

Hồng Hiệp (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục