Góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Dân chủ phải là sợi chỉ đỏ xuyên suốt của Hiến pháp

Ngày 20-3, UBMTTQ Việt Nam tổ chức lấy ý kiến các nhân sĩ trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc, tôn giáo góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Nhiều ý kiến tâm huyết đã được gửi đến ban soạn thảo.

Ngày 20-3, UBMTTQ Việt Nam tổ chức lấy ý kiến các nhân sĩ trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc, tôn giáo góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Nhiều ý kiến tâm huyết đã được gửi đến ban soạn thảo.

  • Làm rõ định chế về dân chủ

Phát biểu tại diễn đàn, Giáo sư Lưu Văn Đạt, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ - pháp luật của UBMTTQ Việt Nam, tán thành về cơ bản các nội dung dự thảo, ban soạn thảo đã kế thừa được tinh thần lập hiến. Tuy nhiên, theo ông còn nhiều điểm chưa rõ, cách diễn giải còn khó hiểu ngay cả các chuyên gia về luật pháp.

Trong chế định về dân chủ, GS Lưu Văn Đạt cho rằng, tư tưởng của Hồ Chủ tịch khi làm Hiến pháp năm 1946 đã khẳng định dân chủ là chìa khóa của việc làm hiến pháp. Dân chủ tức là dân làm chủ ở vị trí cao nhất. Những gì có lợi cho dân phải làm, cái gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Cán bộ đảng viên phải là công bộc của dân, nhà nước phải là của dân do dân vì dân. “Đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt và sửa đổi Hiến pháp lần này phải đảm bảo điều đó” - GS Lưu Văn Đạt nhấn mạnh và cho biết thêm “Chúng ta đã quen với dân chủ đại diện, lần này Hiến pháp sửa đổi đề cập đến dân chủ trực tiếp, đó là điều còn mới, vì vậy phải hết sức coi trọng làm rõ định chế về dân chủ trong Hiến pháp”. Theo GS Lưu Văn Đạt, không phải nhà nước tạo điều kiện để thực hiện dân chủ mà phải đảm bảo bằng pháp luật việc thực hiện quyền dân chủ của người dân. Phải thực hiện quản lý nhà nước và xã hội bằng 2 hình thức là giám sát và phản biện.

Đối với vấn đề trưng cầu ý dân, GS Lưu Văn Đạt cho rằng phải coi đó là quyền của người dân. Vì nhân dân làm chủ cho nên nhân dân có quyền lớn trong mọi vấn đề. “Đề nghị phải rà soát lại các nội dung về trưng cầu dân ý, phải làm rõ đó là quyền của nhân dân làm chủ. Hiến pháp cần quy định rõ những vấn đề gì cần trưng cầu dân ý” - GS Lưu Văn Đạt nhấn mạnh.

  • Nâng cao vị trí, vai trò của Đảng

Tại hội thảo, nhiều ý kiến của các nhân sĩ trí thức cùng bàn nhiều về hệ thống chính trị. Viện sĩ Trần Đình Long, Ủy viên UBMTTQ Việt Nam, cho rằng, lời nói đầu của Hiến pháp là rất quan trọng. Đề nghị lời nói đầu nên nói Hiến pháp bảo vệ quyền lợi của người dân. Nếu làm được điều này là hạnh phúc và thành công. Về Điều 4, Viện sĩ Trần Đình Long cho rằng, không ai phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, nhưng trong bối cảnh hiện nay, trách nhiệm của Đảng phải nặng nề hơn. Đề nghị nâng vị trí của Đảng hơn nữa, vai trò của Đảng không chỉ chịu trách nhiệm trong Đảng mà cả đất nước. Nhà nước cũng phải đảm bảo điều kiện, có cơ chế chính sách để MTTQ thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội, điều này phải thể chế hóa trong Hiến pháp.

Theo GS Lưu Văn Đạt, vừa qua có nhiều tranh luận về Điều 4. “Nhưng theo tôi vai trò lãnh đạo của Đảng không có gì phải thảo luận nhiều, mà cần thiết là Đảng lãnh đạo thế nào, trách nhiệm ra sao” - GS Lưu Văn Đạt đề xuất, đồng thời cho rằng, Điều 4 cần bổ sung thêm phương thức lãnh đạo của Đảng, vì như vậy mới xác định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng.

Về quyền của Chủ tịch nước, nhiều ý kiến đồng tình cần tăng thêm thực quyền cho Chủ tịch nước, trong đó có quyền bảo vệ Hiến pháp, quyền giám sát hoạt động của Quốc hội. Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho rằng, cần quy định Chủ tịch nước là Chủ tịch của Hội đồng Bảo hiến, Chủ tịch nước thực thi việc giám sát với Quốc hội.

Về vấn đề tôn giáo, Hòa thượng Thích Gia Quang cho rằng, Hiến pháp cần nêu rõ không ai có quyền xúc phạm đến niềm tin giáo lý của các tôn giáo đang sinh hoạt hợp pháp. Hiện tình hình tôn giáo có nhiều vấn đề phức tạp, nhất là vấn đề kỳ thị giữa các tôn giáo trên thế giới. Ở nước ta tuy chưa có tình trạng này nhưng cũng nên đưa vào Hiến pháp. 

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục