Ý kiến: Không thể chấp nhận

Gần đây, có một vị phó giáo sư - tiến sĩ là cán bộ đương chức viết bài trên báo lên tiếng đề nghị Nhà nước “cần luật hóa cho phép chạy chức, chạy quyền”, tôi vô cùng bất ngờ trước cách suy nghĩ, lập luận và kiến nghị lạ lùng của vị này.

Mở đầu tác giả khẳng định dứt khoát quan điểm của mình về việc chạy chức, chạy quyền: “Tại sao lại phê phán việc chạy chức, chạy quyền, thậm chí phê phán cả tư tưởng chạy chức, chạy quyền? Theo vị này, chạy chức, chạy quyền “xuất phát từ quan điểm cơ chế thị trường”, phù hợp với các “quy luật cung cầu, cạnh tranh, giá trị”(!). Do đó, “nếu thừa nhận cơ chế thị trường, thì trong tổ chức, trong cán bộ cũng phải theo cơ chế thị trường, bởi việc đó không có gì xấu, vì vẫn là quan hệ cung cầu”(!). Cuối cùng, tác giả kết luận: “Cần chủ động thiết lập theo luật định chuyện chạy chức, chạy quyền”, qua đó “Nhà nước sẽ quản lý được tiền chạy chức, chạy quyền...”.

Thật lòng mà nói, tôi hết sức kinh ngạc trước cách hiểu đơn giản đến mức ấu trĩ của một người có học vị “PGS-TS” về khái niệm chạy chức, chạy quyền, hay nói một cách dân dã đó là “mua quan bán chức”. Khắp Đông - Tây, kim - cổ, tôi chưa từng nghe nói có quốc gia nào khuyến khích xây dựng luật cho phép mua quan bán chức để thu tiền cho ngân sách nhà nước(!). Cũng ấu trĩ không kém là cách hiểu về “cơ chế thị trường”, về các “quy luật cung cầu, cạnh tranh, giá trị”… như tác giả bài viết đề cập.

Ở đây, chỉ xin nói một cách ngắn gọn: Mục đích chính của công tác cán bộ - thời nào và ở quốc gia nào cũng vậy - là lựa chọn người có tài năng, đức độ đế bố trí vào công việc thích hợp, nhằm phục vụ xã hội, cộng đồng được tốt hơn. Điều này hoàn toàn xa lạ với cách nghĩ: Người nào có nhu cầu công việc cao hơn, đồng ý nộp tiền nhiều hơn thì sẽ được chọn, bất kể trình độ, năng lực, phẩm hạnh... Một khi đã bỏ tiền ra để “chạy chức”, tất yếu đối tượng sẽ tìm mọi cách thu hồi lại cả vốn lẫn lời càng nhanh càng tốt (như ăn hối lộ, xà xẻo của công…). Đó là hệ quả đương nhiên của việc chạy chức, chạy quyền mà xã hội ta lâu nay vẫn thường phê phán.

Tóm lại, việc chạy chức, chạy quyền từ xưa đến nay và ở bất cứ đâu trên thế giới cũng đều bị lên án, coi thường, xem đây chính là lực cản của văn minh, tiến bộ. Do đó, cho rằng chạy chức, chạy quyền là “phù hợp với cơ chế thị trường”, cần “luật hóa” nó để áp dụng rộng rãi trong cuộc sống, theo tôi, là một cách suy nghĩ lệch lạc, không thể chấp nhận được!

PHAN TRỌNG HIỀN

Tin cùng chuyên mục