UBTVQH thảo luận dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi): Phải ngăn chặn được tham nhũng, tiêu cực

(SGGP).- Ngày 11-7, góp ý dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhấn mạnh yêu cầu khắc chế các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động đấu thầu.
UBTVQH thảo luận dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi): Phải ngăn chặn được tham nhũng, tiêu cực

(SGGP).- Ngày 11-7, góp ý dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhấn mạnh yêu cầu khắc chế các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động đấu thầu.

Chỉ ra một nguyên nhân quan trọng là năng lực, trình độ của nhiều nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nói: “Luật phải thiết kế thêm những quy định để nâng cao chất lượng nhà thầu. Không nên quá chú trọng yêu cầu giá, nếu không sẽ tái diễn tình trạng bỏ thầu giá thấp, đến khi trúng thầu xong lại kéo dài thời gian thi công chờ xin tăng giá, làm cho kết quả đấu thầu ban đầu hầu như không có ý nghĩa”.

Về giá trị công trình buộc phải đấu thầu rộng rãi, ông Phùng Quốc Hiển đồng tình với quan điểm của Ủy ban Kinh tế không áp dụng mức giá trị tuyệt đối để xác định loại công trình phải áp dụng đấu thầu rộng rãi, mà căn cứ vào tỷ lệ vốn nhà nước trong công trình, dự án (từ 30% trở lên). Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước lại có quan điểm khác: “Nên bàn kỹ việc chọn tỷ lệ 30% vốn Nhà nước hay giá trị tuyệt đối 500 tỷ đồng, có dự án vốn nhà nước chưa đến 30% nhưng đã lên đến hàng tỷ USD thì sao? Khả năng sai phạm, thất thoát cũng rất lớn”.

Quản lý đấu thầu thuốc ở bệnh viện – vấn đề “nóng”. Ảnh: Tấn Hiền

Quản lý đấu thầu thuốc ở bệnh viện – vấn đề “nóng”. Ảnh: Tấn Hiền

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội đề nghị ban soạn thảo dự luật quan tâm hơn đến các quy định về đấu thầu thuốc mà không “khoán” việc này cho chính phủ. Bà Mai phát biểu: “Tôi vẫn cho rằng trong khi chưa thể có luật riêng về đấu thầu thuốc thì nên dành cho nó một chương riêng trong luật này. Sau này sửa Luật Dược thì tiếp tục làm rõ thêm, vận dụng những nguyên tắc cơ bản trong luật này”.

Dành nhiều thời gian để phân tích những bất cập, tiêu cực trong hoạt động đấu thầu hiện nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thẳng thắn bình luận: “Không nên cho điều chỉnh giá nhiều thế này. Nhà thầu phải lường trước tất cả độ rủi ro, kể cả trượt giá, khi xây dựng giá bỏ thầu. Đã trúng thầu rồi là không được điều chỉnh nữa, lời ăn, lỗ chịu. Như vậy mới nghiêm túc, hết chạy chọt, tham nhũng, tiêu cực. Cứ như hiện nay thì công trình nào cũng bị đội giá. Làm sao để khi Quốc hội bấm nút thông qua luật này thì chúng ta có thêm một công cụ hữu hiệu phòng chống tham nhũng, lãng phí”.

Cùng ngày, UBTVQH đã cho ý kiến về việc thành lập mới, điều chỉnh và bổ sung tên gọi một số đơn vị thuộc bộ máy làm việc của Viện KSND tối cao; góp ý dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

Về chính sách hỗ trợ đối với lực lượng dân phòng và lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, cơ quan thẩm tra cho rằng, trước yêu cầu xây dựng lực lượng nòng cốt về phòng chống cháy, nổ hiện nay ở các địa phương, cơ sở, nên quy định chính sách hỗ trợ thường xuyên cho các đối tượng là đội trưởng, đội phó đội dân phòng và phòng cháy chữa cháy cơ sở; bổ sung quy định người dân tham gia chữa cháy trực tiếp được hưởng chế độ hỗ trợ như các lực lượng phòng cháy chữa cháy khác.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước tán thành việc hỗ trợ cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy, đồng thời đề nghị bổ sung quy định ngân sách địa phương phải đảm bảo đủ kinh phí trang bị và huấn luyện về phòng cháy chữa cháy cho lực lượng dân phòng...

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục