Công tác tuyên giáo phải sâu sát, nhanh nhạy hơn với đời sống xã hội

Hôm nay 1-8, là ngày truyền thống ngành Tuyên giáo Việt Nam (1-8-1930 – 1-8-2013). Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh (ảnh) cho rằng, để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới, công tác tuyên giáo phải sâu sát với cơ sở, bám sát vào những vấn đề, sự kiện lớn của đất nước; đồng thời tiếp tục nghiên cứu một cách sâu sắc về chuyên môn, nghiệp vụ để có phương pháp phù hợp với những đối tượng cụ thể.
Công tác tuyên giáo phải sâu sát, nhanh nhạy hơn với đời sống xã hội

Hôm nay 1-8, là ngày truyền thống ngành Tuyên giáo Việt Nam (1-8-1930 – 1-8-2013). Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh (ảnh) cho rằng, để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới, công tác tuyên giáo phải sâu sát với cơ sở, bám sát vào những vấn đề, sự kiện lớn của đất nước; đồng thời tiếp tục nghiên cứu một cách sâu sắc về chuyên môn, nghiệp vụ để có phương pháp phù hợp với những đối tượng cụ thể.

* Phóng viên:
Đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo hiện nay có đủ để đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ không, thưa ông?

* Đồng chí PHẠM VĂN LINH: Trong những năm qua, Ban Tuyên giáo Trung ương nói riêng và ngành tuyên giáo nói chung đã có sự phát triển mạnh mẽ về đội ngũ cán bộ, nguồn nhân lực chuyên môn. Chúng tôi cũng đã có quy hoạch cán bộ cho giai đoạn 2016 - 2021. Trong từng mảng, lĩnh vực chuyên môn thì chúng tôi cũng tổ chức tập huấn, nâng cao nghiệp vụ, đào tạo chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, nhằm đáp ứng được yêu cầu công tác. Qua đó, số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ tuyên giáo đã từng bước được nâng lên. Tuy nhiên có một thực tế mà hiện nay chúng tôi đang lo lắng. Đó là sự hụt hẫng của các thế hệ cán bộ. Số cán bộ được bổ sung mới, còn trẻ hiện nay phải cố gắng nhiều hơn để thích ứng được với sự phát triển, biến đổi của đời sống kinh tế - xã hội cũng như yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước.

* đồng chí đánh giá như thế nào về công tác tuyên giáo thời gian qua?

* Theo nhiệm kỳ của Đại hội Đảng lần thứ XI, đến nay chúng ta đã đi được nửa chặng đường. Hàng năm, Ban Tuyên giáo Trung ương đều có tổng kết, đánh giá công tác của mình. Nhìn tổng thể, thời gian qua, công tác tuyên giáo đã đạt được nhiều thành tích trên mọi lĩnh vực. Đó là công tác tham mưu cho Đảng và Nhà nước; thông qua được nhiều đề án quan trọng, được Bộ Chính trị, Ban Bí thư phê duyệt như Đề án về đổi mới KH-CN, Đề án về biến đổi khí hậu, hiện nay đang thực hiện Đề án về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục Việt Nam chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 8; công tác chỉ đạo, định hướng tuyên truyền các sự kiện vấn đề lớn của đất nước; tổ chức học tập, quán triệt những nghị quyết, chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước...

Trong hơn 2 năm qua cũng như 6 tháng đầu năm 2013, ngành tuyên giáo đã làm được rất nhiều việc quan trọng, góp phần vào sự ổn định và từng bước phát triển của đất nước. Thuận lợi cũng nhiều và khó khăn, thách thức cũng có. Điều đó đòi hỏi những mảng công việc lớn, lĩnh vực của Ban Tuyên giáo Trung ương phải hoạt động bám sát cơ sở, chủ động và tích cực hơn. Có thể nói, ngành tuyên giáo luôn luôn phải đi trước, đi cùng và đi sau các sự kiện quan trọng của đất nước để làm công tác định hướng dư luận xã hội và tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

* Trong tình hình mới, khi mà công nghệ thông tin, viễn thông, Internet đang tiếp tục bùng nổ, vấn đề định hướng chính trị, tư tưởng đã được Ban Tuyên giáo Trung ương xác định và quán triệt như thế nào?

* Đây là một vấn đề quan trọng mà lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương rất chú trọng trong những năm qua. Chỉ đạo của ban là phải bám sát và thích ứng với những thay đổi, diễn biến nhanh của khoa học - công nghệ cũng như các trào lưu xã hội. Nhất là đối với sự phát triển đa dạng, mạnh mẽ của công nghệ thông tin, viễn thông, mạng xã hội, blog... Trước hết, chúng tôi đã tham mưu cho Đảng và Nhà nước từng bước hoàn thiện các phương thức quản lý, chế tài pháp lý về những lĩnh vực đó. Làm sao để tiếp tục phát triển nhưng phù hợp với đặc điểm Việt Nam, trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc từ các nước đi trước. Có thể thấy rằng, chủ trương phát triển công nghệ thông tin, viễn thông, Internet là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Quá trình phát triển này đã thu được những thành tựu lớn, được cộng đồng quốc tế thừa nhận.

Hiện nay có hơn 30 triệu người Việt Nam sử dụng Internet, hơn 3,5 triệu blog cá nhân các loại, viễn thông đã phổ cập đến vùng sâu, vùng xa, công nghệ thông tin đã hình thành một ngành kinh tế chủ lực của đất nước... Những mặt tích cực, nhất là yếu tố phát triển kinh tế - đời sống của nhân dân đã được phát huy, khẳng định giá trị. Tuy nhiên, chúng ta cũng có nhu cầu ngăn ngừa những mặt trái, mặt xấu của nó. Ví dụ như việc phát tán những thông tin không chính xác, thù địch với đất nước, dân tộc; đăng tải những thông tin trái với thuần phong mỹ tục, lịch sử Việt Nam; lợi dụng để gây rối loạn xã hội, nền kinh tế đất nước... Điều đó đòi hỏi phải có các biện pháp nghiệp vụ cũng như đẩy mạnh công tác đấu tranh nhằm định hướng dư luận xã hội, để mọi người hiểu đúng, đầy đủ về các vấn đề, sự kiện lớn của Đảng cũng như toàn đất nước.

* Vấn đề thăm dò, định hướng dư luận thời gian qua đã được ngành tuyên giáo thực hiện như thế nào? Bởi có nhiều trường hợp, vụ việc có vẻ như công tác này chúng ta làm chậm hơn so với thực tế đời sống xã hội diễn ra.

* Đúng là có vấn đề này ở một số lĩnh vực. Khi có những vụ việc, vấn đề lớn nảy sinh, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và các bộ ngành liên quan để xử lý. Quốc gia nào cũng luôn có những vấn đề lớn phát sinh, diễn ra ngoài kế hoạch, dự kiến; thậm chí là những vấn đề đột xuất, do bên ngoài tác động vào. Trước những vấn đề đó, bản thân chúng tôi cần phải cố gắng, chủ động nhiều hơn nữa. Ngành tuyên giáo và các bộ ngành cần phải tích cực phối hợp để chủ động xử lý thông tin, định hướng dư luận với những thông tin chính thống, đầy đủ khi có các vụ việc, vấn đề lớn xảy ra. Qua đó, củng cố mặt trận tư tưởng, tạo ra sự ổn định của xã hội, góp phần bảo vệ vững chắc cũng như phát triển đất nước.

* Theo đồng chí, công tác thông tin đối ngoại hiện nay đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ do Ban Tuyên giáo Trung ương đề ra chưa?

* Đây là vấn đề lớn và Ban Tuyên giáo Trung ương là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo thông tin đối ngoại Trung ương. Trong hơn 2 năm qua, ngành tuyên giáo cũng đã làm được nhiều việc lớn trong lĩnh vực này. Trước hết là tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI hoàn thiện và ban hành Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại thời kỳ 2011 - 2020. Đây là lần đầu tiên chúng ta có một chiến lược bài bản về thông tin đối ngoại. Trên cơ sở đó, Chính phủ cũng đã ban hành chương trình hành động, xây dựng các đề án cụ thể của các cấp, các ngành. Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, Bộ TT-TT, Bộ VH-TT-DL để thực hiện những nội dung này, nhất là thông qua kênh ngoại giao và báo chí truyền thông. Có thể thấy rằng, ở những địa phương, cơ sở làm tốt công tác thông tin đối ngoại sẽ thu hút được nhiều khách du lịch quốc tế, nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Với những vấn đề lớn như đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước; chính sách của Việt Nam với kiều bào ở nước ngoài; vấn đề chủ quyền biển đảo; dân chủ - nhân quyền; tôn giáo..., chúng ta đã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền những thành tựu đạt được, những lẽ phải, chân lý thuộc về Việt Nam để cán bộ đảng viên, nhân dân trong nước, kiều bào ở nước ngoài cũng như cộng đồng quốc tế hiểu rõ và đầy đủ hơn. Đồng thời tập trung đấu tranh với những mặt trái, quan điểm, cái nhìn thiên lệch, không chính xác về tình hình đất nước Việt Nam trên mọi phương tiện truyền thông, nhất là qua hệ thống báo chí, phát thanh, truyền hình tiếng nước ngoài. Điều này chúng ta thấy rõ hiệu quả, khi xu hướng ủng hộ, đồng thuận của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam ngày càng tăng lên, ở hầu hết các lĩnh vực.

TRẦN LƯU (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục