Cử tri kiến nghị: Kiên quyết không để các tàu của nước ngoài đe dọa ngư dân

Cử tri kiến nghị: Kiên quyết không để các tàu của nước ngoài đe dọa ngư dân

(SGGPO).- Theo Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, tổng cộng có 3.729 ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước gửi tới kỳ họp lần này của Quốc hội. Trong đó, có 2.530 ý kiến của cử tri phản ánh qua Đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 1.199 ý kiến của cử tri qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.

Ảnh: Lã Anh

Tiếp tục ngăn chặn đà giải thể, thu hẹp sản xuất của doanh nghiệp

Cử tri tiếp tục quan tâm đến tình hình Biển Đông và mong muốn các cơ quan chức năng của nhà nước thông qua các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền sâu rộng, kịp thời hơn nữa để người dân hiểu đầy đủ về tình hình, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần đoàn kết, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Cử tri mong muốn Nhà nước có chính sách ưu đãi hơn nữa đối với ngư dân, đồng thời tăng cường các biện pháp đấu tranh kiên quyết, ngăn chặn không để các tàu của nước ngoài đe dọa, thu giữ trái phép ngư cụ, đập phá thiết bị hành nghề của ngư dân hoạt động đánh bắt hải sản trong ngư trường truyền thống của Việt Nam, gây hoang mang cho ngư dân thời gian qua.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cử tri băn khoăn về nền kinh tế phát triển chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo còn cao ở nhiều tỉnh miền núi, thất nghiệp, dịch bệnh, tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông, tham nhũng, lãng phí chưa giảm... Cử tri đề nghị Chính phủ tiếp tục có giải pháp phù hợp hơn nữa giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn, hạn chế tình trạng doanh nghiệp phải giải thể, tạm ngừng hoạt động hay thu hẹp sản xuất, ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của hàng vạn lao động và giảm nguồn thu cho ngân sách. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan rà soát, điều chỉnh chính sách và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giải quyết tình trạng doanh nghiệp vi phạm luật lao động (nợ lương, nợ đọng BHXH, BHYT của người lao động). Mặc dù Bộ Công thương và các địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc rà soát, xử lý tình trạng quy hoạch không hợp lý các nhà máy thủy điện, nhưng sự an toàn của các hồ chứa, đập thủy điện, lũ lụt vào mùa mưa, thiếu nước vào mùa khô vẫn là nỗi lo lắng, bức xúc thường trực.

Tránh việc yêu cầu người dân đóng góp quá nhiều

Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, cử tri nhiều nơi đề nghị cần rà soát và quy định cụ thể về danh mục, mức trần các loại đóng góp của nhân dân, tránh việc địa phương yêu cầu người dân đóng góp quá nhiều, không tương xứng với thu nhập thực tế. Ngoài ra, cần tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh một số tiêu chí của Chương trình xây dựng nông thôn mới cho phù hợp với từng vùng, từng địa phương để Chương trình có tính thiết thực và khả thi.

Cử tri đề nghị Chính phủ tăng mức đầu tư cho nông nghiệp, có chính sách hỗ trợ cho người nông dân và chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp liên kết với nông dân, để hợp tác cùng phát triển phương thức sản xuất “Cánh đồng lớn”.

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ đẩy nhanh hơn nữa việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và chú trọng hơn đến việc phân tích chính sách, đánh giá tác động của các chính sách sẽ ban hành đối với người nông dân, khắc phục tình trạng chính sách ban hành để hỗ trợ nông dân, nhưng người được hưởng nhiều hơn lại là đối tượng khác như: những người sản xuất, kinh doanh các sản phẩm vật tư nông nghiệp và các doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu nông sản.

Nhiều lo lắng về giáo dục đào tạo

Về giao thông vận tải, cử tri một mặt đánh giá cao ý thức trách nhiệm và những cố gắng của Bộ Giao thông vận tải thời gian qua trong việc triển khai nhanh việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, bước đầu sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông, giảm tai nạn và ùn tắc giao thông, tổ chức thi tuyển công khai các chức danh lãnh đạo cấp trưởng thuộc Bộ quản lý...; mặt khác vẫn lo ngại về tình trạng hạ tầng giao thông đường bộ ở nhiều nơi xuống cấp; tai nạn giao thông đường bộ vẫn xảy ra nghiêm trọng, nhất là xe khách đường dài, với số người thương vong lớn.

Về giáo dục và đào tạo, cử tri nhiều nơi phản ánh chất lượng giáo dục và đào tạo còn thấp, chưa thực sự gắn kết với nhu cầu của thị trường lao động, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, chưa đáp ứng nguyện vọng của nhân dân; nền giáo dục hiện nay còn nhiều bất cập, xu hướng thương mại hóa giáo dục đã và đang làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Cử tri bày tỏ sự  quan tâm đến phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 9-9-2014, nhưng đến nay vẫn chưa có quy chế kỳ thi quốc gia và quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy. Có ý kiến đề nghị đối với những thay đổi lớn ở quy mô quốc gia như thi tốt nghiệp trung học phổ thông và thi tuyển đại học, cần làm thí điểm ở quy mô nhỏ trước, rút kinh nghiệm rồi mới làm toàn quốc.

Về Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010- 2015, cử tri băn khoăn đến tháng 5-2014, đã có 87% số xã, phường, thị trấn hoàn thành phổ cập, song ở cấp tỉnh mới có 18 tỉnh, thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Cử tri mong muốn việc phổ cập giáo dục mầm non cần có sự quan tâm vào cuộc quyết liệt và đầu tư đúng mức của Chính phủ, các ngành và chính quyền địa phương, nhất là các tỉnh vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long và đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án trong năm 2015.

Nhiều ý kiến cử tri cho rằng tình trạng lạm thu trong trường học vào đầu năm học tuy có được kiểm soát nhưng tại nhiều trường ở các địa phương vẫn tiếp tục xảy ra gây khó khăn cho các gia đình nghèo. Cử tri đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp tốt hơn, triệt để hơn để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng lạm thu này và thông báo cho nhân dân biết về kết quả khắc phục.

Phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả thấp

Về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cử tri nhiều nơi nhận xét tình trạng tham nhũng “vặt” trong khu vực công vẫn diễn ra phổ biến, biểu hiện qua nạn hối lộ trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công, lót tay, chạy chọt để được việc khi giao dịch với các cơ quan công quyền, nhất là trong các ngành, lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc, giải quyết công việc liên quan tới người dân, doanh nghiệp; một số vụ tham nhũng được phát hiện trong lĩnh vực y tế, trong việc thực hiện chế độ, chính sách người có công và các chính sách xã hội khác, trong một số cơ sở đào tạo, doanh nghiệp hoạt động công ích của địa phương gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Cử tri cho rằng những hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng vẫn chậm được khắc phục, như: Việc kê khai tài sản mang tính hình thức; một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả thấp; việc phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn hạn chế; việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt hiệu quả thấp.

Cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng và lãng phí; đẩy mạnh các hoạt động giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, nhất là trong việc sử dụng ngân sách nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, việc tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty do nhà nước quản lý.

Quyết liệt hơn với dự án “treo”, xả thải trộm

Về quản lý, bảo vệ tài nguyên và môi trường, cử tri phản ánh hiện nay, ở một số địa phương, bên cạnh diện tích đất đã thu hồi vẫn để trống, vẫn tiến hành thu hồi đất để cấp cho các dự án mới gây bức xúc, khiếu kiện trong nhân dân. Cử tri đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các địa phương có những giải pháp quyết liệt hơn trong việc xử lý các dự án “treo”, sử dụng đất có hiệu quả.

Tình trạng ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp, nhà máy và do nước thải chưa qua xử lý vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Tại các vùng nông thôn vấn đề nước thải và rác thải đang ngày càng phức tạp do nhiều cơ sở sản xuất, chế biến được đưa về nông thôn cùng với lượng lớn rác thải trong sinh hoạt của nhân dân chưa được xử lý. Trong khi đó ở nhiều tỉnh, huyện quy hoạch xử lý chất thải sinh hoạt và chất thải công nghiệp không có hoặc triển khai chậm. Công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm về môi trường còn nhiều bất cập, hiệu quả thấp và chưa được quan tâm đúng mức. Cử tri tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và chính quyền địa phương rà soát các chính sách liên quan, tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm, kiên quyết tạm đình chỉ hoặc cấm hoạt động đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng, công khai danh sách các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Cùng với những kiến nghị nêu trên, cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục giải quyết theo thẩm quyền và chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan giải quyết và có báo cáo rõ hơn về kết quả việc giải quyết những kiến nghị của cử tri đã được nêu tại các kỳ họp trước của Quốc hội, như: về tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở nhiều địa phương trên cả nước, nhất là vào mùa mưa, lũ, bão; về giải quyết tình trạng ngập nước ở các thành phố lớn khi có triều cường, mưa lớn; về kiểm soát chặt hơn nữa tình trạng khai thác và xuất khẩu thô khoáng sản ở một số địa phương; về tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép gây hậu quả nghiêm trọng ở nhiều nơi; về tình trạng khiếu nại tố cáo vẫn diễn ra phức tạp, về nợ công tăng nhanh và về cải cách hành chính.

ANH PHƯƠNG

>> Khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII: Dự kiến thông qua 18 dự án luật, 3 nghị quyết

Tin cùng chuyên mục