Kê khai tài sản: Chưa thể nói trung thực hay không

Ngày 23-10, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ (TTCP) tổ chức họp báo về kết quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) và phòng chống tham nhũng (PCTN) quý 3 và nhiệm vụ quý 4-2014.

Ngày 23-10, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ (TTCP) tổ chức họp báo về kết quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) và phòng chống tham nhũng (PCTN) quý 3 và nhiệm vụ quý 4-2014.

Vi phạm kinh tế trên 9.000 tỷ đồng

Trong quý 3-2014, qua thanh tra toàn ngành đã phát hiện vi phạm 9.069 tỷ đồng, 183ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 6.535 tỷ đồng và 154,5ha đất (đã thu hồi 3.964 tỷ đồng, 82,7ha đất; đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 322 tập thể, 384 cá nhân; ban hành 43.558 quyết định xử phạt vi phạm hành chính; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 12 vụ. “Trên 9.000 tỷ đồng vi phạm là con số lớn. Nhưng đáng nói là số tiền thu hồi đã lớn hơn, khoảng 4.000 tỷ đồng. Điều đó cho thấy vi phạm pháp luật vẫn còn nhiều. Nhưng các cơ quan đã làm quyết liệt hơn nên tỷ lệ thu hồi cao hơn”, Phó Tổng TTCP Trần Đức Lượng nhận định.

Về KNCT, ông Trần Đức Lượng cho biết, khiếu nại lên cấp Trung ương có tới 2.823 vụ, tăng tới 54,9%, nhưng ở địa phương giảm 33%. Qua đó cho thấy phải nâng cao trách nhiệm giải quyết KNTC ở địa phương để người dân không phải mất thời gian khiếu kiện lên Trung ương. Đơn khiếu kiện trùng lắp chiếm 75%, gây lãng phí, không đúng quy định của pháp luật. Kết quả giải quyết KNTC đúng thẩm quyền chỉ đạt 54,6%, rất thấp so với chỉ tiêu đặt ra là 90%”, ông Trần Đức Lượng nhấn mạnh.

Trong quý 4-2014, TTCP dự kiến ban hành rất nhiều kết luận các cuộc thanh tra mà dư luận quan tâm, trong đó có thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật tại Dự án Đầu tư Khu dân cư Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TPHCM; việc quản lý, sử dụng tài sản tại Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị (HUD); việc chấp hành chính sách, pháp luật tại Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam; trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước trong việc quản lý, điều hành thị trường vàng; việc chấp hành chính sách, pháp luật tại Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam; việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoáng sản của Bộ TN-MT; việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng đô thị Bắc Thăng Long - Vân Trì, Hà Nội…

Trên 1 triệu người kê khai nhưng mới xác minh 5 người

Tại cuộc họp báo, một trong những nội dung mà báo chí chất vấn lãnh đạo TTCP nhiều nhất là về công tác PCTN. Báo cáo tại Quốc hội mới đây, Tổng TTCP thừa nhận, tình hình tham nhũng vẫn diễn ra rất phức tạp, trong khi các giải pháp phòng ngừa chưa thật sự hiệu quả, trong đó có giải pháp kê khai tài sản của cán bộ. Đến nay đã có trên 1 triệu người kê khai nhưng chỉ 5 người được xác minh, 1 trường hợp được xác định kê khai không trung thực.

Theo ông Trần Đức Lượng, vừa qua, TTCP rà soát lại 9 giải pháp phòng ngừa tham nhũng thì chia thành 3 nhóm: hiệu quả, trung bình, hiệu quả không cao. Giải pháp kê khai tài sản nằm trong nhóm thứ 3. Trên thực tế, nhiều quốc gia áp dụng giải pháp này, nhưng cũng nhiều nước không làm. Với Việt Nam, đây không phải là vấn đề mới mà đã có quy định đối với cán bộ, công chức khi phải kê khai về hoàn cảnh kinh tế trong sơ yếu lý lịch. Luật PCTN quy định công khai bản kê khai của các đối tượng thuộc diện kê khai ở những nơi mà luật quy định. Tuy nhiên, ông Trần Đức Lượng cũng cho biết, các chuyên gia quốc tế khuyến nghị Việt Nam nên thu hẹp đối tượng công khai để hiệu quả hơn, dễ quản lý hơn và nghiên cứu việc công khai không có điều kiện. “Hiện nay, kê khai tài sản là giải pháp phòng ngừa tham nhũng kém hiệu quả”, ông Trần Đức Lượng thừa nhận.

Cũng theo ông Trần Đức Lượng, chính TTCP cũng băn khoăn về số người được xác minh kê khai tài sản quá ít. Nhưng thẩm quyền xác minh hiện nay thuộc về cơ quan quản lý cán bộ. TTCP đang tính thay đổi chủ thể xác minh để bảo đảm diện được xác minh nhiều hơn. Làm từ năm 2007, nhưng vì xác minh còn ít nên cũng chưa thể khẳng định là đã kê khai trung thực chưa. Từ năm 2007 đến nay, khi triển khai, chỉnh sửa chính sách này đều hướng tới việc làm thế nào để bảo đảm kê khai trung thực hơn. Đây là điều mà TTCP đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn hiện chính sách. Hiện TTCP cũng đang nghiên cứu về việc xử lý hành vi làm giàu bất chính.

Một nội dung khác được dư luận quan tâm trong thời gian qua là những khuyết điểm ngay chính trong nội bộ TTCP. Về điều này, theo ông Trần Đức Lượng, Ban Bí thư đã có chỉ đạo, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra, TTCP đã có kế hoạch để khắc phục khuyết điểm, hiện vẫn đang thực hiện. Cụ thể, về việc bổ nhiệm cán bộ cấp vụ và cấp phòng giai đoạn 8 tháng đầu năm 2011 của ông Trần Văn Truyền (nguyên Tổng TTCP) trước khi về hưu, TTCP đã rà soát và thấy cơ bản các trường hợp đó đảm bảo điều kiện tiêu chuẩn, phát huy được năng lực. Một số ít trường hợp có khuyết điểm đã bị xem xét xử lý; một số trường hợp lúc đó chưa đáp ứng điều kiện nhưng đến nay đã đủ điều kiện. Với trường hợp cho đến nay vẫn chưa đủ điều kiện thì đang tiến hành xử lý. Về kê khai tài sản của ông Trần Văn Truyền, Ban Bí thư giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác minh nhưng đến nay TTCP chưa nhận được kết luận nên chưa thông báo.

Với trường hợp ông Lê Sỹ Bảy, Vụ trưởng Vụ 1 và ông Hoàng Thái Dương, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (TTCP), ông Trần Đức Lượng cho biết kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định không có vi phạm và yêu cầu TTCP sau này thực hiện việc bổ nhiệm phải đầy đủ, thận trọng, chặt chẽ vì còn một số thủ tục chưa đủ, việc bổ nhiệm chưa tạo được đồng thuận cao và cần chặt chẽ hơn.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục