Cán bộ tiếp dân phải trọng dân

Ngày 18-4, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo (KNTC) tại trụ sở tiếp công dân của TƯ Đảng và Nhà nước ở Hà Nội.

Ngày 18-4, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo (KNTC) tại trụ sở tiếp công dân của TƯ Đảng và Nhà nước ở Hà Nội.

        Đùn đẩy, né tránh việc tiếp dân

Báo cáo về kết quả công tác tiếp công dân, công tác phối kết hợp trong tổ chức tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước quý 1-2014 của Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho biết, quý 1 trụ sở tiếp dân TƯ đã tiếp 5.180 lượt người (tại Hà Nội: 4.304 lượt, TPHCM: 876 lượt), trong đó khiếu nại 774 việc, tố cáo 269 việc… Có 132 lượt đoàn đông người (tại Hà Nội: 107 lượt, TPHCM: 25 lượt).

Theo nhận định chung, công dân thường chuẩn bị cho việc KNTC dài ngày cả về tinh thần và vật chất, nhiều đoàn có người đứng sau kích động. Đặc biệt vào thứ 5 hàng tuần có Ban Nội chính TƯ tham gia tiếp dân thì số người đến KNTC càng tăng, có ngày lên tới 300 người. Có nhiều vụ KNTC chống đối chính quyền một cách quyết liệt, có nhiều vụ KNTC cực đoan.

Những nguyên nhân chủ yếu của tình hình KNTC được Phó Tổng TTCP Nguyễn Đức Hạnh chỉ ra, là do cơ chế chính sách vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp với thực tế, thiếu tính ổn định, nhất là trong lĩnh vực đất đai, nhà ở (78% - 80% số vụ KNTC liên quan đến vấn đề đất đai). Các cuộc KNTC gay gắt hơn một phần do họ không được tham gia vào các dự án ngay từ đầu, lợi ích của người dân không được coi trọng. Trong quá trình giải quyết KNTC, nhiều địa phương còn xem nhẹ, né tránh trong việc tổ chức đối thoại với công dân…

Bà Nguyễn Thị Bích Ngà, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra TƯ chỉ rõ thực tế là nhiều cán bộ tiếp dân nhưng không có trách nhiệm. “Năm 2014 cần phải giải quyết được điều này để từ năm 2015, đây không còn là nguyên nhân làm gia tăng KNTC. Đề nghị xử lý những nơi không xây dựng quy chế tiếp dân. Thực tế cho thấy nơi nào có quy chế tiếp dân, người đứng đầu tiếp dân có trách nhiệm thì sẽ không có KNTC gay gắt, vượt cấp”, bà Ngà đề nghị.

Thiếu tướng Bùi Mậu Quân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II, Bộ Công an cũng cho rằng, nhiều địa phương chưa làm hết trách nhiệm thanh tra, giải quyết KNTC của dân, vì thế dân mới phải kéo lên TƯ khiếu kiện, trong đó đáng chú ý chủ yếu dân khiếu kiện về đất đai. “Dân bức xúc nhưng sự vào cuộc của mặt trận, của các tổ chức đoàn thể rất ít, thậm chí là chiếu lệ, chưa đặt mình vào vị trí của dân. Có nhiều trường hợp dân đi khiếu kiện sau đó quay sang tố cáo cán bộ tiếp dân làm sai”, ông Quân thẳng thắn và kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo kiểm tra, rà soát công tác tiếp dân, giải quyết KNTC ở địa phương.

Phó Tổng TTCP Nguyễn Đức Hạnh thừa nhận, đội ngũ cán bộ tiếp dân vừa thiếu vừa yếu về chất lượng, chính sách cho cán bộ tiếp dân chưa có, chưa thu hút được những người có tâm, có tài làm công tác này, nếu chưa muốn nói là nhiều người ngại làm việc này.

        “Nói phải củ cải cũng nghe”…

Từ thực tế này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, Luật Tiếp công dân có hiệu lực từ 1-7-2014, khi luật này đi vào cuộc sống thì công tác tiếp dân, giải quyết KNTC phải chuyển biến thực sự, phải giảm được số vụ, số người KNTC. “Cần lưu ý đến việc số đoàn, số người đến KNTC ở trụ sở tiếp dân của TƯ tăng lên. Nhiều địa phương chưa làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết KNTC, đó là điều phải nhìn nhận”, Phó Thủ tướng nhắc nhở.

Phó Thủ tướng một lần nữa yêu cầu cán bộ tiếp dân phải đặt mình vào vị trí của người dân. “Tiếp công dân là khâu quan trọng liên quan đến những vấn đề của công dân: tâm tư, nguyện vọng về chính sách, đầu mối thông tin về tiêu cực, tham nhũng... Cán bộ tiếp dân phải tận tụy, có trách nhiệm với nhiệm vụ được giao; có năng lực hiểu biết pháp luật để nắm sự việc. Phải biết dân vận, chia sẻ, trọng dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân”, Phó Thủ tướng chỉ đạo. Trụ sở tiếp dân không phải là nơi nhận đơn thư mà phải là nơi tiếp dân đúng nghĩa: lắng nghe, đối thoại, tiếp nhận, hướng dẫn dân, đôn đốc kiểm tra kết quả giải quyết KNTC của dân, đề xuất chính sách, giải quyết bất cập.

Cũng theo Phó Thủ tướng, hiện nay công tác tiếp dân chưa hết trách nhiệm, chưa công khai, minh bạch, còn đùn đẩy, né tránh. “Ông cha nói rằng nói phải củ cải cũng nghe. Nếu đối thoại, giải quyết tốt cho dân thì dân không phải vác đơn đi khắp nơi. Tới đây phải triển khai thi hành Luật Tiếp công dân một cách đồng bộ, người đứng đầu các bộ ngành, địa phương phải thực hiện việc tiếp dân định kỳ theo quy định, sẽ có chế tài xử lý những người thiếu trách nhiệm”, Phó Thủ tướng chốt lại. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, với những đối tượng có hành vi quá khích, phá hoại tài sản nhà nước, xâm phạm cán bộ, kích động người khiếu kiện sẽ bị xử lý nghiêm minh.

Giải quyết dứt điểm các vụ khiếu kiện phức tạp, kéo dài

Chiều 18-4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã làm việc với Thanh tra Chính phủ (TTCP) về giải quyết các vụ việc khiếu nại tố cáo phức tạp và kéo dài (528 vụ việc). Sau khi nghe báo cáo của TTCP, ý kiến của các bộ, ngành về tình hình giải quyết các vụ khiếu nại tố cáo kéo dài, phức tạp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu TTCP chủ trì làm rõ nội dung vụ việc, tổ chức đối thoại công khai, dân chủ, tạo sự đồng thuận, xem xét đầy đủ các khía cạnh pháp lý và thực tế của vụ việc để có biện pháp giải quyết bảo đảm tính khả thi. Trường hợp khó khăn báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến giải quyết. Hiện còn 47 vụ việc phức tạp, cần tập trung giải quyết, phấn đấu đến tháng 8-2014 giải quyết xong.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục