Năm 2015 phấn đấu tăng trưởng GDP 6,2%

Ngày 28-8, Chính phủ đã hoàn tất chương trình phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2014. Nhiều nội dung quan trọng đã được Chính phủ thông qua, trong đó có Đề án đổi mới chương trình - SGK, Nghị quyết về Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2014 - 2017 đối với 4 trường đại học lớn.

Ngày 28-8, Chính phủ đã hoàn tất chương trình phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2014. Nhiều nội dung quan trọng đã được Chính phủ thông qua, trong đó có Đề án đổi mới chương trình - SGK, Nghị quyết về Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2014 - 2017 đối với 4 trường đại học lớn.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng nếu nỗ lực, quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp thì mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 5,8% là khả thi. Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tái cơ cấu nền kinh tế, hoàn thiện thể chế chính sách; bảo đảm quốc phòng - an ninh… để tạo đà phát triển ở mức cao hơn, bền vững hơn trong năm 2015. Thủ tướng cũng yêu cầu khẩn trương, quyết liệt tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước theo hướng đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành gắn với nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng suất, hiệu quả, khả năng cạnh tranh. Thực hiện quyết liệt, hiệu quả tái cơ cấu ngân hàng thương mại gắn với giải quyết nợ xấu, nhất là đối với các ngân hàng thương mại yếu kém.

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, định hướng năm 2015 phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6,2%; lạm phát tương đương năm 2014 (khoảng 5%); tăng thu ngân sách khoảng 11%; bội chi ngân sách nhà nước khoảng 5%; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,7% - 2%.

Không có 10.000 lao động Trung Quốc sang làm việc tại Khu kinh tế Vũng Áng

Vừa qua dư luận quan tâm về thông tin tới đây sẽ có 10.000 lao động Trung Quốc sang làm việc tại Khu kinh tế Vũng Áng, trong khi lao động Việt Nam đang thiếu việc làm, nhất là có hàng ngàn lao động từ Libya trở về. Về điều này, tại cuộc họp báo Chính phủ tối qua, Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Nguyễn Trọng Đàm cho biết, tính đến 21-8, có 33.952 lao động đang làm việc tại Khu công nghiệp Vũng Áng, trong đó Việt Nam là 30.438 người, nước ngoài 3.514 người, trong số lao động nước ngoài có 1.913 người Trung Quốc, còn lại đến từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau.

Về thông tin sẽ có 10.000 lao động Trung Quốc sang làm việc tại Vũng Áng, ông Nguyễn Trọng Đàm cho biết đó là dự kiến xin tuyển lao động của 29 nhà thầu theo tiến độ xây lắp công trình nhưng UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ cho phép tuyển lao động theo tiến độ, theo thời điểm và yêu cầu của nhà thầu. Tính đến 27-8, tỉnh Hà Tĩnh mới chỉ chấp thuận 2.963 chỉ tiêu theo đúng quy định của nhà nước, các nhà thầu đang đề xuất khoảng 2.700 lao động trong thời gian tới nhưng chưa được chấp thuận. Dự kiến, quý 4-2014 và quý 1-2015, các nhà thầu cần 4,5 - 5 vạn lao động, trong đó có khoảng 8.000 lao động nước ngoài. Như vậy, con số 10.000 lao động Trung Quốc là chưa chính xác.

Làm rõ tiêu cực tuyển dụng công chức tại Bộ Công thương

Vừa qua dư luận hết sức bức xúc về vụ việc Cục Quản lý thị trường và Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) phát hiện vấn đề sai phạm trong tuyển dụng công chức. Ở Hải Phòng cũng có tố cáo vụ cán bộ Sở Công thương nhận tiền lót tay của doanh nghiệp tại phòng làm việc. Trả lời quan điểm của Chính phủ về những chuyện lùm xùm tại Bộ Công thương, ông Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu kiểm tra, xử lý nghiêm các tiêu cực. Hiện nay, Bộ Công thương đã xử lý các sai phạm. Bộ Nội vụ cũng đã có quyết định thanh tra về việc này.

Nói rõ thêm về điều này, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương xin lỗi vì tiêu cực ở Bộ Công thương khiến dư luận phải chú ý. “Khi xảy ra việc này, Bộ Công thương đã hết sức kiên quyết xử lý nghiêm minh các sai phạm, hủy bỏ kết quả thi tuyển công chức và sẽ tiếp tục xử lý nếu phát hiện các tình tiết mới. Về sự việc tại Cục Quản lý cạnh tranh, đến nay bộ chưa nhận được bất cứ một phản ánh nào của tổ chức, cá nhân, nhưng qua báo chí bộ đã cử đoàn kiểm tra xuống Cục Quản lý cạnh tranh. Kết quả kiểm tra cho thấy việc báo chí phản ánh chỉ có 6 chỉ tiêu nhưng lấy 9 là không đúng, vì bộ đã cho phép cục bổ sung thêm 3 biên chế. Việc thi tuyển diễn ra công bằng, trung thực nên cả 9 chỉ tiêu này được tuyển dụng biên chế”, ông Đỗ Thắng Hải cho biết và khẳng định, hiện nay Bộ Công thương đang tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ để kiểm tra, làm rõ thêm những vấn đề xung quanh việc này.

Về video phản ánh cán bộ Bộ Công thương nhận tiền lót tay của doanh nghiệp, ông Đỗ Thắng Hải biết, khi có video phản ánh bà Phạm Thanh Hương, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực Hải Phòng nhận tiền lót tay, bộ đã đình chỉ công tác bà Hương để làm tường trình vụ việc báo chí nêu. Bộ Công thương cũng đã cử đoàn kiểm tra xuống Hải Phòng xác minh 2 doanh nghiệp liên quan đến việc chi tiền lót tay này. Kết quả 2 doanh nghiệp đều khẳng định số tiền đó là để trả cho giấy chứng nhận xuất xứ, không phải là tiền chi lót tay. Tuy nhiên, Bộ Công thương sẽ tiếp tục kiểm tra, xác minh.

Kiểm tra có hay không việc chuyển giá ở Metro

Vừa qua, dư luận cũng rất quan tâm đến vụ Metro tại Việt Nam đã được nhà đầu tư người Đức đang tiến hành làm thủ tục chuyển nhượng cho nhà đầu tư người Thái Lan cũng như việc Metro vào Việt Nam đăng ký bán buôn nhưng lại bán lẻ. Và suốt hơn 10 năm hoạt động tại nước ta, Metro chưa hề nộp thuế thu nhập doanh nghiệp vì... lỗ. Trong khi đó, Metro vẫn tiếp tục đầu tư được các khu đất vàng.

Giải thích về điều này, ông Đỗ Thắng Hải cho biết, Metro là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Vào Việt Nam từ 2001, đến nay Metro đã thành lập 19 trung tâm. Họ vào ban đầu là để kinh doanh, nhưng 90% hàng hóa bán ở Metro là hàng Việt Nam, giúp tiêu thụ hàng hóa trong nước; tạo ra việc làm cho hơn 5.000 lao động. ”Trong suốt thời gian hoạt động ở Việt Nam, họ đã nộp 921 tỷ đồng các loại thuế, trừ thuế thu nhập doanh nghiệp. Họ kinh doanh vẫn có lãi nhưng vì đầu tư thêm nhiều điểm mới nên lại lỗ”, ông Đỗ Thắng Hải giải thích.

Thứ trưởng Bộ Công thương cũng cho rằng, họ bán cho nhà đầu tư Thái Lan, đó là điều luật pháp cho phép. Vấn đề đặt ra hiện nay là chúng ta đang xem xét có cho nhà đầu tư Thái Lan ưu đãi về đầu tư vì họ mới vào hay không, vì Metro đã hoạt động 12 năm rồi. Điều này Bộ KH-ĐT phải tính toán. Còn có hiện tượng chuyển giá hay không, lãi nhưng báo lỗ hay không thì Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính phải kiểm tra để có kết luận chính xác. Bộ Công thương sẽ xem xét lại việc có cho nhà đầu tư Thái Lan phân phối hàng hóa hay không và cơ chế chính sách như thế nào.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục