Đáp ứng yêu cầu quản lý hoạt động báo chí trong tình hình mới

Đáp ứng yêu cầu quản lý hoạt động báo chí trong tình hình mới

Chính phủ trình Luật báo chí (sửa đổi):

(SGGPO).– Chiều 4-11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Bắc Son, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Báo chí (sửa đổi). Dự thảo Luật Báo chí lần này gồm 6 chương với 59 điều, trong đó có 30 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí hiện hành.

Qua 16 năm thi hành Luật Báo chí, thực tiễn hoạt động báo chí thời gian qua bộc lộ những vấn đề đáng lo ngại như: cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; thông tin sai sự thật có chiều hướng ngày càng tăng; xu hướng “thương mại hoá” chậm được khắc phục; thông tin vi phạm thuần phong mỹ tục vẫn diễn ra. Nhiều thông tin trên báo chí thiếu chọn lọc, nặng về phản ánh mặt trái, tiêu cực của xã hội; nhiều nội dung tin, bài giật gân, câu khách; tính trung thực của báo chí bị giảm sút. Quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí nhưng cơ chế đảm bảo quyền này chưa cụ thể. Vì vậy, sửa luật để khắc phục những hạn chế, thiếu sót của báo chí, đáp ứng yêu cầu phát triển và quản lý hoạt động báo chí trong tình hình mới… Đặc biệt, sửa đổi Luật Báo chí hiện hành là để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 và để các quy định của pháp luật về báo chí hiện hành phù hợp với các yêu cầu mới do Hiến pháp năm 2013 đặt ra.

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son trình bày dự án Luật Báo chí (sửa đổi). Ảnh Lã Anh

So với Luật Báo chí hiện hành, dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) có một số nội dung mới. Cụ thể, về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí, ngoài chủ thể là báo chí, nhà báo, dự thảo luật đã bổ sung một số quy định mới như: Công dân có quyền tham gia hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; nhà báo, công dân có quyền tiếp cận các thông tin mà nhà nước không cấm theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin phục vụ cho việc thông tin trên báo chí; công dân có quyền được biểu đạt thông tin; tham gia giám sát, phản biện xã hội trên báo chí.

Dự thảo bổ sung các nội dung bị cấm thông tin trên báo chí gồm: lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; thông tin về những chuyện thần bí, các vấn đề khoa học mới mà chưa được kết luận, gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng; thông tin về thân nhân và các mối quan hệ của cá nhân trong các vụ án, vụ việc tiêu cực khi không có căn cứ cho rằng những thân nhân và các mối quan hệ đó liên quan đến vụ án, vụ việc tiêu cực hoặc chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, làm ảnh hưởng xấu đến đời tư của công dân; thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em; thông tin quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án.

Về lãnh đạo cơ quan báo chí, Luật Báo chí hiện hành quy định lãnh đạo cơ quan báo chí là tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc (đối với báo nói, báo hình), tổng biên tập, phó tổng biên tập (đối với báo in). Tuy nhiên, Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) quy định lại chức danh như sau: người đứng đầu cơ quan báo chí là tổng giám đốc hoặc giám đốc thay cho chức danh Tổng biên tập như Luật hiện hành; tổng biên tập, phó tổng biên tập là người phụ trách nội dung sản phẩm báo chí.

Về xử lý vi phạm trong lĩnh vực báo chí, dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định mới, cụ thể cơ quan báo chí bị thu hồi giấy phép hoạt động báo chí, giấy phép xuất bản thêm ấn phẩm báo chí, phụ trương, sản xuất thêm kênh phát thanh, kênh truyền hình, chuyên trang của báo chí điện tử và cơ quan, tổ chức bị thu hồi giấy phép xuất bản đặc san, bản tin khi đăng, phát thông tin vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 10 của Luật này gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng…

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Báo chí (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi cho rằng, về tổng thể, dự thảo Luật Báo chí đã kế thừa những nội dung cơ bản của Luật hiện hành, tiếp cận xu hướng phát triển của báo chí nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và để phù hợp với Hiến pháp năm 2013.

Tuy nhiên, dự thảo Luật còn một số bất cập cần được tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh. Cụ thể, về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí không chỉ rõ chủ thể của quyền tự do báo chí là công dân. Ủy ban đề nghị làm rõ hai vấn đề: Chủ thể của quyền tự do báo chí là ai? Nội dung quyền tự do báo chí là gì (hay nói cách khác: tự do báo chí khác tự do ngôn luận trên diễn đàn báo chí như thế nào).

Về giấy phép trong hoạt động báo chí, Ủy ban cho rằng dự thảo Luật quy định đến 7 nội dung cấp giấy phép và 4 nội dung phải thông báo với sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí là quá nhiều, làm tăng thủ tục hành chính, giảm tính chủ động của cơ quan báo chí, hạn chế quyền tự do báo chí. Cần rà soát lại các quy định về giấy phép và thủ tục thông báo, tránh can thiệp quá sâu vào hoạt động của các cơ quan báo chí, tăng quyền tự chủ cho các cơ quan báo chí, tạo điều kiện để cơ quan báo chí hoạt động sáng tạo và chủ động phù hợp với năng lực và chiến lược phát triển của họ.

Về cung cấp thông tin cho báo chí, dự thảo nêu cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Tuy nhiên, Ủy ban này cho rằng, việc bảo vệ nguồn tin của báo chí là vô cùng quan trọng đối với người làm báo. Thực tế hiện nay, loại tội phạm nghiêm trọng rất phổ biến và đa dạng. Nếu quy định như dự thảo Luật sẽ gây khó khăn cho người làm báo trong việc bảo vệ nguồn tin. Do đó, đề nghị chỉ nên yêu cầu việc tiết lộ nguồn tin đối với tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục