Ủy ban Pháp luật Quốc hội khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ 13

Sáng 4-3, Ủy ban Pháp luật Quốc hội khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ 13 tại Tòa nhà Quốc hội (Hà Nội).

(SGGPO).- Sáng 4-3, Ủy ban Pháp luật Quốc hội khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ 13 tại Tòa nhà Quốc hội (Hà Nội).

Theo chương trình dự kiến, Ủy ban Pháp luật sẽ thẩm tra một số đề án của Chính phủ về việc thành lập, điều chỉnh địa giới hành chính của một số địa phương; dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; dự án Bộ luật Hàng hải và Tờ trình của Chính phủ về đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.

Trong ngày làm việc đầu tiên, Ủy ban Pháp luật đã nghe trình bày đề án của Chính phủ về việc thành lập thị xã Đông Triều và các phường thuộc thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh; thành lập thị xã Điện Bàn và 7 phường thuộc thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; điều chỉnh địa giới hành chính huyện Sa Thầy để thành lập huyện Ia H Drai thuộc tỉnh Kon Tum; thành lập các phường Xuất Hóa, Huyền Tụng thuộc thị xã Bắc Kạn và thành lập thành phố Bắc Kạn thuộc tỉnh Bắc Kạn.

Đề án của Chính phủ được trình bày tại phiên họp đã đánh giá đầy đủ các tác động, ảnh hưởng đối với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường. Theo Chính phủ, những thay đổi về đơn vị hành chính như trên không làm tăng thêm tổ chức mới và không tăng biên chế.

Các ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cơ bản đồng tình với đề nghị của Chính phủ, tuy nhiên, nhiều thành viên trong Ủy ban Pháp luật cũng đã chỉ rõ, đối chiếu với quy định hiện hành, một số tiêu chí của các địa phương nêu trên vẫn chưa đạt. Bên cạnh đó, một số tiêu chí hiện hành cũng không còn phù hợp với thực tế.

Ông Chu Sơn Hà, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Nội nêu ví dụ: Một trong những tiêu chuẩn đã lỗi thời là phải đạt tỷ lệ trung bình 13 điện thoại cố định trên 100 dân. Nên thay bằng tỷ lệ người dân sử dụng internet thì hợp lý hơn. Mặt khác, cũng không nhất thiết mỗi phường đều phải có nhà tang lễ, khu nghĩa trang.

Ông Trần Tiến Dũng, ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh nêu quan điểm: Có trường hợp “non” tiêu chí một chút, nhưng công nhận xong thì địa phương phấn đấu vươn lên rất nhanh; do được tiếp thêm nguồn lực mới cả về vật chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, theo ĐB Trần Tiến Dũng, Chính phủ cần giải trình thêm về việc thành lập công an liên phường (nhằm đảm bảo bộ máy tinh gọn, “tiết kiệm” biên chế - PV), vì pháp luật hiện chưa quy định loại tổ chức này, vả lại đây chỉ có thể là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, cấp hành chính nào cũng phải có lực lượng công an riêng.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, đã là tiêu chí thì phải chấp hành, dù một số tiêu chí cần được rà soát, điều chỉnh. Ông Cương trăn trở: Ta thành lập đô thị cũng khá nhiều, cho “nợ” tiêu chí cũng nhiều, nhưng bao lâu thì “trả” được? Đừng nên làm giống như tình trạng đề bạt cán bộ, cho “nợ” tiêu chuẩn! Mặt khác, ngân sách nhà nước cũng sẽ phải bố trí cho công việc này, như ở Quảng Nam là phải chi trên 6% tổng số tiền đầu tư cần có; Quảng Ninh cần tới 20%. Đó cũng là những khoản tiền lớn.

Vẫn theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương, nói “không tăng biên chế” chỉ là một cách giải trình có tính chất “trấn an”, vì rõ ràng cần có bộ máy mới, nhân lực mới. ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) có cùng nhận định cho rằng biên chế sẽ phải tăng, nhưng đây là trường hợp “nhiệm vụ nhiều thật, tổ chức thêm thật”, nên không trái với tinh thần của Hội nghị Trung ương 7.
 
Được biết, việc thẩm tra đề án của Chính phủ về việc thành lập, điều chỉnh địa giới hành chính là nhiệm vụ mới của Ủy ban Pháp luật, liên quan đến thẩm quyền mới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (trước đây là thẩm quyền của Chính phủ).


ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục