Bổ sung quy định về tàu lặn, ụ nổi

Chiều 5-3, dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2005 đã được Ủy ban Pháp luật xem xét, thảo luận trong khuôn khổ phiên họp toàn thể lần thứ 13.
  • Luật hóa quy định lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm
  • Kết luận giám sát có hiệu lực bắt buộc thi hành

(SGGPO).- Chiều 5-3, dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2005 đã được Ủy ban Pháp luật xem xét, thảo luận trong khuôn khổ phiên họp toàn thể lần thứ 13.

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật lần này đã sửa đổi bổ sung nhiều quy định đặc thù cho tàu lặn, kho chứa nổi, giàn di động; bổ sung quy định về cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải; sửa đổi nhiều nội dung về hoạt động của thanh tra hàng hải. Đáng lưu ý, quy định về cơ sở đóng mới, sửa chữa và phá dỡ tàu biển cũng đã được bổ sung nhằm đảm bảo năng lực về nhân lực, tài chính, kỹ thuật... cho các cơ sở này để đảm bảo chất lượng kỹ thuật, an toàn của sản phẩm. Ngoài ra, những quy định về quản lý cảng biển và luồng hàng hải tại Nghị định số 21/2012/NĐ-CP được luật hóa.

Qua nghiên cứu dự thảo, Ủy ban Pháp luật cho biết, có 58/261 điều đã được sửa đổi, bổ sung so với Bộ luật hiện hành. Một số ý kiến trong Ủy ban thống nhất với phạm vi sửa đổi này, song cũng có những ý kiến kỳ vọng sửa đổi toàn diện Bộ luật hiện hành để tạo ra những chuyển biến căn bản đột phá mới; tạo động lực phát triển kinh tế hàng hải Việt Nam, hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam thành quốc gia “mạnh về biển, làm giàu từ biển”.

Cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí với việc bổ sung quy định về tàu lặn, kho chứa nổi, giàn di động; song đề nghị rà soát, tổng kết thực tiễn để đưa vào Bộ luật một số nội dung cụ thể hơn, như các đặc trưng để phân biệt giữa tàu ngầm, tàu lặn; làm rõ khái niệm về phân luồng hàng hải; về “tàu biển” và “ụ nổi”...

* Trước đó, trong sáng 5-3, Ủy ban Pháp luật Quốc hội tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ 13, xem xét thẩm tra dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân (HĐND).

Theo dự thảo báo cáo giám sát của Ủy ban Pháp luật, nhiều ý kiến nhất trí với quy định tại dự thảo về việc Quốc hội chỉ giám sát tối cao tại kỳ họp Quốc hội. Có ý kiến đề nghị làm rõ quy định “nghị quyết giám sát của Quốc hội là quyết định cao nhất” là cao nhất so với những văn bản nào?

Trong số những nội dung cụ thể, đa số ý kiến trong Ủy ban chưa nhất trí với quy định về quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát. Theo đó “đối tượng chịu sự giám sát có quyền từ chối trả lời, cung cấp thông tin thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật”. Ý kiến này cho rằng quy định trên dễ dẫn đến trường hợp đối tượng chịu sự giám sát lạm dụng, gây khó khăn, né tránh hoặc cản trở việc thực hiện quyền giám sát của Quốc hội và HĐND, hạn chế quyền giám sát của các cơ quan dân cử và đại biểu nhân dân. Mặt khác, quy định như vậy cũng chưa thống nhất với Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014. Thay vào đó, cần bổ sung quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.

Về hậu quả pháp lý của hoạt động giám sát, cơ quan thẩm tra tán thành quan điểm của cơ quan soạn thảo quy định: đối với mọi hoạt động giám sát, sau khi kết thúc giám sát, chủ thể giám sát phải có ý kiến chính thức bằng văn bản nêu rõ những mặt được, chưa được của đối tượng chịu giám sát; các biện pháp xử lý, kiến nghị xử lý cụ thể. Ý kiến chính thức này phải có hiệu lực bắt buộc thi hành. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của giám sát, nhiều ý kiến trong cơ quan thẩm tra đề nghị quy định cụ thể, chặt chẽ vào dự thảo Luật về hậu quả pháp lý của giám sát cũng như chế tài đối với việc không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ yêu cầu giám sát…

Đáng lưu ý, dự thảo Luật đã quy định việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn là hoạt  động giám sát của Quốc hội, HĐND và luật hóa các quy định của Nghị quyết số 85/2014/QH13 quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Quy định này cũng được đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành.

Về giám sát của Tổ đại biểu HĐND, Tờ trình của Chính phủ nêu hai loại ý kiến: có và không quy định hình thức giám sát của Tổ đại biểu HĐND. Đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra ủng hộ việc có quy định hình thức giám sát của Tổ đại biểu HĐND vì cho rằng qua tổng kết thực tiễn cho thấy, việc giám sát của các đại biểu nhân dân thông qua các Tổ đại biểu HĐND đã phát huy vai trò tích cực trong hoạt động giám sát. Nhất là ở một số địa phương thí điểm không tổ chức HĐND ở huyện, quận, phường, hoạt động giám sát của các Tổ đại biểu HĐND là cần thiết và có hiệu quả.

ANH PHƯƠNG 

Tin cùng chuyên mục