Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận: Cần thay đổi nhận thức xã hội về việc làm

(SGGP).- Ngày 24-4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình của Chính phủ về việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học và vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp.

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, trong giai đoạn năm 2011 - 2014, trung bình mỗi năm có khoảng trên 400.000 sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học. Số lao động có trình độ đại học, cao đẳng trong độ tuổi lao động thất nghiệp trong thời gian qua tăng cao hơn so với số tốt nghiệp và số có việc làm. Trong đó số thất nghiệp năm 2014 so với năm 2010 tăng gần gấp đôi. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp: kinh tế suy thoái, ít tạo ra việc làm mới… Nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa chủ động đầu tư, tổ chức nghiên cứu nhu cầu nhân lực của thị trường lao động để đào tạo những ngành, theo tiêu chuẩn mà xã hội cần. Chương trình đào tạo chưa theo kịp sự phát triển của nền kinh tế, khoa học - công nghệ. Đặc biệt, do học phí thấp, dẫn đến suất đầu tư/sinh viên thấp khiến cho các trường không đủ nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo.

Tại phiên họp, bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, tình trạng thiếu sự phối hợp giữa giáo dục - đào tạo và giải quyết việc làm là nguyên nhân quan trọng dẫn đến thực trạng này. “Trách nhiệm của Bộ Tài chính và các bộ khác đến đâu, khi mà đào tạo ra không giải quyết việc làm được mà cứ cấp ngân sách cho đào tạo”?

Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Nguyễn Thanh Hòa trần tình, Bộ LĐTB-XH chỉ có vai trò tham mưu, xây dựng chính sách, ban hành văn bản cho thị trường lao động vận hành, chứ không có chức năng giải quyết việc làm. Cùng quan điểm với ông Nguyễn Thanh Hòa, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng cho rằng, giải quyết việc làm là việc mà Bộ GD-ĐT và Bộ LĐTB-XH không thể làm được. “Phải thay đổi cả nhận thức của xã hội về giải quyết việc làm là kiếm được vị trí trong cơ quan nhà nước, vì bây giờ các đơn vị nhà nước đang giảm biên chế rất nhiều, không có nhu cầu tuyển dụng”…

Chất vấn Bộ trưởng Phạm Vũ Luận về việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thực thi Luật Giáo dục đại học, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) thẳng thắn nhận xét, việc soạn thảo chậm là do năng lực yếu kém. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trần tình: “Chúng tôi đã cố gắng, nhưng có những cái lực bất tòng tâm. Còn bảo thỏa mãn chưa thì thú thật là chưa thỏa mãn”.

Từ một góc nhìn khác, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) lại khẳng định: “May mà ban hành chậm, chứ có khi ban hành nhanh thì chất lượng lại kém”. ĐB Quốc cho rằng, Quốc hội cần thể hiện vai trò rõ rệt hơn nữa trong xây dựng những văn bản luật có chất lượng thực sự tốt…

ANH PHƯƠNG

Ngày 24-4, Bộ GD-ĐT đã công bố hướng dẫn về tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển thẳng vào ĐH-CĐ năm 2015. Theo đó, Bộ GD-ĐT quy định cụ thể danh mục các ngành ĐH-CĐ đúng hoặc gần với môn thi học sinh giỏi quốc gia. Các trường có thể bổ sung thêm các ngành đúng và ngành gần đối với từng môn thi học sinh giỏi quốc gia phù hợp với yêu cầu đầu vào các ngành đào tạo của trường. Nếu không tiếp tục tuyển thẳng vào một số ngành đúng hoặc ngành gần với môn thi học sinh giỏi quốc gia, các trường phải báo cáo Bộ GD-ĐT và thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của trường, các phương tiện thông tin đại chúng khác ít nhất 3 năm trước khi áp dụng.

Đối với thí sinh đoạt giải cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia, căn cứ vào kết quả dự án, đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật của thí sinh đoạt giải và danh mục các ngành đúng, ngành gần quy định mà Bộ GD-ĐT công bố, các trường xem xét tuyển thẳng vào ngành học phù hợp với kết quả dự án hoặc đề tài mà thí sinh đoạt giải. Trước ngày 15-8, các trường gửi kết quả tuyển thẳng cho các sở GD-ĐT để thông báo cho thí sinh; báo cáo kết quả tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển thẳng về Bộ GD-ĐT trước ngày 1-9.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục