Chú trọng quy định phòng ngừa, kiểm soát tai nạn lao động

* Sáng 25-5, dự án Luật Thống kê (sửa đổi) đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày trước Quốc hội.
  • Nâng cao tính hội nhập của hệ thống thông tin thống kê

(SGGPO).- Đó là ý kiến của đại biểu Trần Thanh Hải (TPHCM), Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về dự án Luật An toàn, vệ sinh lao động tại phiên họp của Quốc hội sáng nay, 25-5.

“Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động thương tâm mà lẽ ra đã có thể phòng ngừa, hạn chế được. Tôi đề nghị dự thảo Luật này cần ưu tiên công tác phòng ngừa, hạn chế, kiểm soát tai nạn lao động. Khi không may xảy ra tai nạn, đề nghị trợ cấp tai nạn lao động mà không phân biệt lỗi do người sử dụng lao động hay người lao động; đồng thời xử lý nghiêm minh người, tổ chức, cá nhân gây ra tai nạn lao động nghiêm trọng”, đại biểu Trần Thanh Hải nêu quan điểm.

Ông Hải cũng quan tâm đến tình trạng bệnh nghề nghiệp đang gia tăng trong bối cảnh nền kinh tế đang phát triển rất đa dạng và cho rằng dự Luật cần có chính sách kiểm soát chặt chẽ tình trạng bệnh nghề nghiệp; đầu tư nghiên cứu đúng mức và khẩn trương cập nhật, công bố danh mục các loại bệnh nghề nghiệp, định kỳ đánh giá lại về bệnh nghề nghiệp. Chỉ ra một số bất hợp lý trong quy định tại dự thảo liên quan đến nội dung này.

ĐB Trần Thanh Hải trăn trở: “Việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ hiện nay còn nhiều hạn chế, kết quả năm 2014 giảm mạnh so với năm 2013. Đây là một nội dung mà thanh tra lao động phải đặc biệt lưu ý, nhất là với nhóm nghề nặng nhọc nguy hiểm”.

Bên cạnh việc góp ý chuẩn hóa nhiều thuật ngữ trong dự thảo Luật, ĐB Lê Trọng Sang (TPHCM) đề nghị cụ thể hóa khái niệm “tai nạn lao động nặng” và đề xuất nhiều cải cách trong quá trình bồi thường cho người bị tai nạn lao động để đảm bảo tính kịp thời và chia sẻ gánh nặng với người lao động và gia đình.

ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) thì kiến nghị bổ sung trách nhiệm của công đoàn cơ sở vào dự thảo Luật, trong đó có nội dung “giúp người lao động khiếu nại, khởi kiện khi quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động bị xâm hại”.

Bà Hương cũng cho rằng, dự Luật cần làm rõ hơn trách nhiệm, thời gian thông báo về sự cố an toàn lao động, tránh tình trạng giấu nhẹm hoặc thông báo chậm trễ, hạn chế hiệu quả xử lý tai nạn lao động... Ngoài ra, cần có thêm một số nội dung nhằm minh bạch hóa việc thu – chi của Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; có chế tài đảm bảo quỹ này thực sự là do người sử dụng lao động đóng vào mà không phải là trích lại từ lương của người lao động.

* Sáng 25-5, dự án Luật Thống kê (sửa đổi) đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày trước Quốc hội.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, Luật Thống kê năm 2003 điều chỉnh hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê, hệ thống tổ chức thống kê nhà nước và điều tra thống kê của tổ chức, cá nhân ngoài Hệ thống thống kê nhà nước. Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) lần này đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với mọi hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

“Nói cách khác, dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) sẽ điều chỉnh hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê nhà nước và ngoài nhà nước. Tuy nhiên, do tầm quan trọng của thông tin thống kê nhà nước trong hoạt động quản lý nhà nước nên các quy định tại Luật chủ yếu vẫn tập trung vào hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê do hệ thống tổ chức thống kê nhà nước thực hiện”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Cụ thể, đối với hoạt động thống kê của các tổ chức, cá nhân ngoài hệ thống tổ chức thống kê nhà nước thực hiện chỉ quy định về mục đích, nguyên tắc, yêu cầu và phạm vi, đồng thời quy định lĩnh vực cấm trong hoạt động thu thập và phổ biến thông tin thống kê (bao gồm các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh).

Về hệ thống tổ chức thống kê, dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) cơ bản giữ nguyên các quy định hiện hành. “Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng Cơ quan Thống kê Trung ương không nên trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư vì lo ngại số liệu thống kê không bảo đảm tính độc lập, khách quan, do nằm trong cơ quan vừa có chức năng quy hoạch, xây dựng kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội lại vừa chức năng đánh giá tình hình thực hiện các chính sách đó”, Bộ trưởng Vinh thẳng thắn.

Đặc biệt, dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) đã bổ sung những quy định nhằm tăng cường năng lực thống kê quốc gia, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thống kê, đưa thống kê Việt Nam hội nhập đầy đủ và sâu rộng với cộng đồng thống kê khu vực và thế giới. Đơn cử, dự Luật đã đưa mô hình 7 bước sản xuất thông tin thống kê vào các nội dung quan trọng của Luật trên cơ sở tham khảo các mô hình sản xuất thông tin thống kê của Thống kê Liên hợp quốc (GSPBM), Thống kê Châu Âu (Eurostat), Thống kê Thụy Điển…

Quy định Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và phân loại thống kê quốc gia cũng đã được xây dựng phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam. Đơn cử, Chương III “Dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê nhà nước” được thiết kế trên cơ sở nghiên cứu các khuyến nghị của Cơ quan thống kê Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế. Dự thảo Luật cũng khẳng định, dữ liệu hành chính là nguồn thông tin quan trọng, hữu ích cho hoạt động thống kê nhà nước và được cung cấp cho Cơ quan Thống kê Trung ương sử dụng nhằm tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có, tiết kiệm chi phí.

Vẫn theo ông Bùi Quang Vinh, nhằm minh bạch hóa việc công bố thông tin thống kê của cơ quan thuộc hệ thống tổ chức thống kê nhà nước, giúp người sử dụng thông tin thống kê đánh giá chính xác tình hình, dự thảo đã bổ sung nội dung các mức độ về thống kê, bao gồm: số liệu thống kê ước tính, số liệu thống kê sơ bộ, số liệu thống kê chính thức…

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục