Nhiều vấn đề cần tiếp tục thảo luận về dự án Luật Tố cáo sửa đổi

* Về hưu cũng có thể bị tố cáo

* Về hưu cũng có thể bị tố cáo

(SGGPO).- Sáng nay 14-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc phiên họp thứ 8. Trong buổi sáng ngày làm việc đầu tiên, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố cáo.

Khai mạc phiên họp thứ 8 UBTVQH

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật này, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, hiện có một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau. Về phạm vi điều chỉnh và tên gọi của dự thảo luật, Chính phủ cho rằng, qua tổng kết 4 năm thi hành Luật Tố cáo đã phát hiện nhiều hạn chế, vì vậy, cần sửa đổi, bổ sung toàn diện để giải quyết những hạn chế hiện nay, đáp ứng yêu cầu mà thực tiễn đòi hỏi.

Hiện tại, dự thảo luật đã tập trung sửa đổi những vấn đề hết sức cơ bản, quan trọng với tổng số 64 điều, trong đó: Giữ nguyên 4 điều, sửa đổi 36 điều và bổ sung 14 điều mới so với Luật Tố cáo năm 2011. Ủy ban Pháp luật của Quốc hội – Cơ quan Thẩm tra dự luật – cũng đồng tình với quan điểm này.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, dự thảo luật chỉ nên sửa đổi một số vấn đề nổi cộm, vướng mắc nhất của Luật Tố cáo hiện hành, nhất là về quy định bảo vệ người tố cáo.

Về hình thức tố cáo, Chính phủ cho rằng, để xác định rõ trách nhiệm của người tố cáo, tránh tình trạng lợi dụng các hình thức tố cáo để tố cáo tràn lan, cố ý tố cáo sai sự thật, thì đối với tố cáo hành chính, dự thảo luật chỉ quy định hai hình thức tố cáo (như quy định của Luật Tố cáo năm 2011): Tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Đối với tố giác, tin báo tội phạm, tố cáo trong hoạt động tố tụng thì đã có quy định về các hình thức tố cáo khác được điều chỉnh ở các luật tố tụng.

Một số ý kiến khác cho rằng, ngoài hai hình thức tố cáo là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp, dự thảo luật cần quy định bổ sung các hình thức tố cáo khác như tố cáo bằng bản fax, email, điện thoại… để tạo điều kiện cho người tố cáo thực hiện quyền tố cáo, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm. 

Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu trình bày dự án Luật Tố cáo sửa đổi

Vẫn theo Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu, tố cáo nặc danh (không rõ họ, tên, địa chỉ người tố cáo) cũng tồn tại 2 loại ý kiến khác nhau. Chính phủ cho rằng, chưa nên chấp nhận xem xét, giải quyết đơn tố cáo không rõ họ, tên, địa chỉ người tố cáo. Trong khi đó, cũng có quan điểm cho rằng, mặc dù có quy định nhưng việc bảo vệ người tố cáo còn rất khó khăn, nhiều người không dám tố cáo hành vi vi phạm pháp luật. Để kịp thời phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm, cần quy định về việc giải quyết tố cáo đối với trường hợp người tố cáo không ghi họ tên, địa chỉ của mình.

Liên quan đến thời hiệu tố cáo, Chính phủ cho rằng, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các quy định pháp luật hiện hành không quy định về thời hiệu tố giác, tin báo tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Việc tố cáo hành vi vi phạm xuất phát từ nhận thức của người tố cáo; việc đánh giá tính chất nguy hiểm cho xã hội, xử lý, giải quyết tố cáo là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Để tạo thuận lợi cho người dân, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật, tránh tình trạng bỏ sót, bỏ lọt hành vi vi phạm, không nên quy định về thời hiệu tố cáo trong dự thảo Luật.

Loại ý kiến khác đề nghị dự thảo luật cần quy định về thời hiệu tố cáo vì thực tế có nhiều trường hợp tố cáo hành vi vi phạm pháp luật đã xảy ra từ lâu, không còn gây nguy hại, nhưng công dân vẫn tố cáo, cơ quan nhà nước phải thụ lý và xem xét, giải quyết gây tốn kém, lãng phí cho người dân và cơ quan nhà nước.

 Giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức

Về nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo: Dự thảo luật tiếp tục kế thừa nguyên tắc xác định thẩm quyền trong Luật hiện hành, ngoài ra còn bổ sung thêm một số nguyên tắc để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn hiện nay. Đó là tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức mà nội dung thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan, tổ chức; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của nhiều cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều cơ quan, tổ chức; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu, trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đã nghỉ hưu; của cán bộ, công chức, viên chức đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác, bị mất chức, cho thôi việc, bị buộc thôi việc, tự ý thôi việc hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức (Điều 12).

(Trích Tờ trình số 76/TTr-CP của Chính phủ về dự án Luật Tố cáo)

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục