Cổ phần hóa - tốc độ phải song hành hiệu quả



Diễn đàn thúc đẩy quá trình đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 6-11 một lần nữa khẳng định quá trình đổi mới, sắp xếp và nâng cao hiệu quả DNNN là mục tiêu lớn, đúng đắn của Đảng, Chính phủ và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Theo số liệu được công bố, trong 20 năm cải cách vừa qua, số lượng DNNN đã giảm vài chục lần, từ 12.000 DN vào đầu những năm 1990, hiện chỉ còn hơn 500 DN 100% vốn nhà nước thuộc 11 ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Tiến trình cổ phần hóa đã thu về hàng ngàn tỷ đồng cho ngân sách và góp phần đa dạng hóa nguồn vốn sở hữu DN. Sau chuyển đổi, nhiều DN tiếp tục phát triển, bảo đảm chất lượng và uy tín thương hiệu...

Mặc dù vậy, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu nhìn nhận, so với khối tài sản khổng lồ mà DNNN đang được giao quản lý thì tỷ lệ đóng góp 22% tổng thu ngân sách và 28% GDP là chưa tương xứng. Hiệu quả hoạt động và tỷ lệ lãi của DNNN nhìn chung thấp nhất so với các thành phần kinh tế khác và đây không phải là điều gì mới mẻ, mà đã tồn tại trong nhiều năm qua. Thậm chí, nhiều dự án thua lỗ, thất thoát vốn lớn.

Ngay từ đầu kỳ họp thứ 6 (đang diễn ra), một báo cáo quan trọng của Chính phủ cũng đã được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội (không được trình bày tại hội trường) cho biết, tỷ suất lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp/vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) bình quân chung của các DNNN năm 2017 là 10,2% (năm 2016 là 7,6%). Tỷ suất lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp/tổng tài sản (ROA) bình quân chung năm 2017 là 7,4% (năm 2016 là 5,7%)… Tại báo cáo, Chính phủ thừa nhận, so với khu vực DN khác (DN dân doanh, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài), và so với các DN khác cùng ngành nghề kinh doanh thì kết quả trên tuy có tiến bộ, nhưng chưa tương xứng với nguồn lực vốn, tài sản được giao cho các DNNN (trừ các DN hoạt động trong lĩnh vực độc quyền tự nhiên).

Nguyên nhân của tình trạng trên, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu là do việc cổ phần hóa DNNN chậm, xuất phát từ tâm lý của một bộ phận lãnh đạo DN chậm chuyển biến, e ngại, né tránh trách nhiệm hoặc lo mất quyền lợi nếu chuyển đổi mô hình DN. Thêm vào đó là những vướng mắc liên quan đến đất đai, định giá tài sản, sự thiếu đồng bộ về thể chế, quy định pháp luật, xử lý, sắp xếp lao động. Nhiều chuyên gia cũng nhấn mạnh, năng lực quản trị DN của một số lãnh đạo còn yếu kém, chậm cập nhật, trong khi cơ chế quản trị DNNN chậm đổi mới, chưa phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế; tính công khai, minh bạch còn hạn chế; trách nhiệm của người quản lý DNNN chưa rõ ràng; công tác cán bộ, chính sách tiền lương, thưởng của DNNN chưa gắn với hiệu quả hoạt động, theo cơ chế thị trường, chưa có tác động khuyến khích người lao động tăng năng suất lao động…

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2030, Chính phủ tiếp tục đẩy nhanh tốc độ và đa dạng hóa mạnh mẽ sở hữu DN. Nhưng việc tăng tốc cổ phần hóa sẽ chỉ thực sự có ý nghĩa khi đem lại hiệu quả cao. TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng, một nguyên tắc quan trọng quyết định hiệu quả của công tác cổ phần hóa là phải có tư duy thị trường, hay nói nôm na là “bán được giá nhất có thể”, theo cách nhìn của một nhà đầu tư. Điều đó có nghĩa, để DN mạnh lên, bán được giá hơn thì hãy khoan bán, mà tìm cách “bồi bổ” cho DN, rồi chọn đúng thời điểm và phương thức bán có lợi nhất để tiến hành thương vụ. Hoặc khi xét thấy cần bán nhanh để có tiền đầu tư vào một mục đích khác cần kíp hơn, có thể sinh lợi nhiều hơn thì bán ngay, không quá câu nệ chuyện “bảo toàn vốn nhà nước”, miễn là đảm bảo công khai, minh bạch và chịu trách nhiệm. Đồng thời với đó là tập trung nâng cao quy mô, tầm hoạt động và sức cạnh tranh của DN bằng cách đổi mới cơ chế quản lý; trong đó áp dụng thông lệ quản trị DN quốc tế với DNNN. Trong đó, vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN (vừa chính thức ra mắt ngày 30-9 vừa qua) là hết sức quan trọng. Ủy ban này được Chính phủ giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn Nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty TNHH 2 thành viên trở lên.

Tin cùng chuyên mục