Cộng đồng 3P

Tháng 11 vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã công bố chính sách phương Nam mới. Theo đó, tăng cường giao lưu, hợp tác với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nâng tầm mối quan hệ lên tương đương với 4 cường quốc là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).

Nhà máy Samsung Vina (Hàn Quốc) tại Việt Nam. Ảnh: Business Korea
Nhà máy Samsung Vina (Hàn Quốc) tại Việt Nam. Ảnh: Business Korea

Với dân số 620 triệu người, đứng thứ 3 thế giới, ASEAN là một thị trường hấp dẫn. Hơn nữa, đây là khu vực có dân số trẻ với số dân trong độ tuổi lao động chiếm hơn 40%. Hiện nay, GDP của ASEAN lên tới 2.600 tỷ USD, xếp thứ 6 thế giới và nền kinh tế khu vực đang phát triển rất nhanh. Trong vòng 40-50 năm qua, GDP của khu vực tăng gần 100 lần, so với mức GDP 37,6 tỷ USD vào năm 1970. Do đó, tăng cường hợp tác với khu vực giàu tiềm năng này sẽ mở ra triển vọng phát triển kinh tế cho cả Hàn Quốc và ASEAN.

Theo các chuyên gia kinh tế Hàn Quốc, với tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt 5%, ASEAN có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trên thế giới vào năm 2030. Đặc biệt, với tỷ lệ dân số trẻ cao cùng tầng lớp lao động, trung lưu phát triển nhanh chóng, ASEAN nổi lên như một thị trường tiêu dùng và cơ sở sản xuất giàu tiềm năng.

Trên thực tế, nhiều nước trên thế giới đã và đang hướng sự tập trung vào khu vực này do giá nhân công thấp, nhu cầu tiêu dùng tăng trưởng mạnh và cơ sở hạ tầng cần được nâng cấp.

Hiện nay, Trung Quốc và Nhật Bản đang cạnh tranh quyết liệt để giành được các đơn đặt hàng trong thị trường cơ sở hạ tầng khu vực.

Cụ thể, Bắc Kinh có kế hoạch chi tới 1.000 tỷ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng ở ASEAN, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào thị trường này.

Trong khi đó, Nhật Bản đã đổ rất nhiều tiền của vào ASEAN kể từ khi đưa ra học thuyết Fukuda vào những năm 1970. Học thuyết Fukuda ra đời khi Thủ tướng Nhật Takeo Fukuda thăm các nước ASEAN và công bố chính sách của Nhật đối với các nước Đông Nam Á. Chẳng hạn, nước này đầu tư hơn 1 tỷ USD dưới hình thức viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam.

Hàn Quốc đã duy trì mối quan hệ chặt chẽ với ASEAN kể từ khi ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) vào năm 2007. Năm ngoái, tổng kim ngạch thương mại song phương Hàn Quốc - ASEAN đã đạt 120 tỷ USD, chiếm 13% tổng kim ngạch thương mại của Hàn Quốc.

Hiện nay, ASEAN đang là đối tác thương mại thứ hai của Seoul sau Trung Quốc. Xuất khẩu của Hàn Quốc sang khu vực này tăng trưởng 7,5% mỗi năm, cao hơn mức tăng trưởng 4,2% sang thị trường Mỹ và 4% sang Trung Quốc. Đặc biệt, thặng dư thương mại của Hàn Quốc với ASEAN tăng trưởng hàng năm. Do đó, nếu tiến vào thị trường ASEAN một cách mạnh mẽ hơn thông qua chính sách phương Nam mới, Hàn Quốc có thể tìm ra một thị trường thay thế cho Trung Quốc.

Trong khi giới thiệu chính sách phương Nam mới, Tổng thống Moon Jae-in đã đưa ra một thuật ngữ mới mang tên Cộng đồng 3P như một khẩu hiệu cho sự hợp tác kinh tế Hàn Quốc - ASEAN.

3P được ghép từ 3 chữ cái đầu của con người (People), hòa bình (Peace) và thịnh vượng (Prosperity). Không dừng ở sự hợp tác kinh tế, tầm nhìn mới này hướng tới một cộng đồng nơi các quốc gia cùng nhau phát triển.

Tin cùng chuyên mục