Đảm bảo an toàn đập chứa nước

Hàng loạt quy định về đảm bảo an toàn đập chứa nước đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đưa vào dự thảo nghị định về quản lý an toàn đập để thay thế Nghị định 72/2007 của Chính phủ quy định về quản lý an toàn đập đã bộc lộ nhiều bất cập. 
Quy trình vận hành hồ chứa phải bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du
Quy trình vận hành hồ chứa phải bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du
Mất an toàn hồ chứa

Hồ chứa nước là công trình tổng hợp nguồn nước nhằm cung cấp nước cho các ngành kinh tế quốc dân, cắt giảm lũ, phát điện và cải thiện môi trường. Đến nay, cả nước đã đầu tư xây dựng gần 7.000 hồ chứa các loại và các hồ chứa này đã phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt góp phần vào sự phát triển nông nghiệp, công nghiệp, ổn định đời sống nhân dân, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, Bộ NN-PTNT cho biết, các đập của hồ chứa nước hầu hết là đập đất, được xây dựng cách đây 30 - 40 năm trong thời kỳ đất nước còn nhiều khó khăn, trình độ kinh tế - xã hội thấp, nhu cầu dùng nước chưa cao, tiêu chuẩn thiết kế thấp, nguồn vốn đầu tư thủy lợi hạn hẹp, năng lực khảo sát thiết kế thi công, quản lý còn nhiều bất cập nên nhiều công trình không tránh khỏi các nhược điểm như chưa đồng bộ, chất lượng thấp, thiếu mỹ quan, chưa thật sự an toàn. Trải qua thời gian dài khai thác, hầu hết các công trình đều xuống cấp và tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn hồ chứa. Nếu xảy ra sự cố, đặc biệt là vỡ đập sẽ gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân vùng hạ du. 

Nhiều năm qua, công tác quản lý an toàn đập được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 72/2007 quy định về quản lý an toàn đập. Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế  như phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Nghị định này chưa quy định rõ về quản lý an toàn công trình đập dâng. Ngoài ra, Nghị định 72/2007 cũng chưa phân định rõ trách nhiệm của chủ đập và chủ quản lý, do vậy chưa rõ trách nhiệm của chủ thể cấp kinh phí và chủ thể thực hiện các nội dung về quản lý an toàn đập như bảo dưỡng sửa chữa thường xuyên, kiểm định an toàn đập, sửa chữa, nâng cấp đập, lập phương án phòng, chống lũ lụt cho vùng hạ du, cắm mốc phạm vi bảo vệ đập. Các quy định về phân công, phân cấp vai trò, trách nhiệm và sự phối hợp của các bộ, ngành và địa phương về quản lý an toàn đập chưa đầy đủ và rõ ràng…

Một trong những điểm hạn chế được Bộ NN-PTNT nêu ra là Nghị định 72/2007 chia đập gồm 3 loại: Đập quan trọng quốc gia, đập lớn và đập nhỏ. Hiện Việt Nam có hơn 6.000 đập là đập nhỏ, trong đó có những hồ chứa có dung tích rất nhỏ. Cụ thể đập có chiều cao < 5m hoặc hồ chứa dung tích < 50.000m3 là các đập, hồ không phức tạp về mặt kỹ thuật xây dựng và quản lý vận hành và hầu hết do tư nhân đầu tư xây dựng để nuôi trồng thủy sản, trữ nước phục vụ sản xuất nhỏ lẻ. Mặt khác, các đập, hồ này khi xảy ra sự cố cũng ít ảnh hưởng đến vùng hạ du nên việc đưa các đối tượng này vào phạm vi điều chỉnh của Nghị định 72/2007 (bắt buộc phải thực hiện các quy định về quản lý an toàn như kiểm định; lập phương án phòng, chống lũ lụt cho vùng hạ du; lập quy trình vận hành…) là không cần thiết.

Đáp ứng điều kiện năng lực và chuyên môn

Nhằm khắc phục những hạn chế trên, Bộ NN-PTNT đã có dự thảo nghị định về quản lý an toàn đập thay thế Nghị định 72/2007. Trong dự thảo này, bên cạnh những quy định chung và phân loại cụ thể quy mô các loại đập, Bộ NN-PTNT cũng đã đề xuất những quy định cụ thể về yêu cầu năng lực đối với các đơn vị quản lý, khai thác đập; quản lý vận hành đập; quản lý nhà nước về an toàn đập…

Cụ thể, dự thảo đề nghị phân làm 4 loại đập: Đập quan trọng đặc biệt là đập của hồ chứa nước có dung tích toàn bộ từ 200.000.000m³ trở lên hoặc đập của hồ chứa nước có dung tích nhỏ hơn 200.000.000m³ nhưng vùng hạ du đập có thành phố, thị xã hoặc khu công nghiệp, công trình liên quan đến an ninh quốc gia; đập lớn là đập có chiều cao từ 15 m trở lên hoặc đập của hồ chứa nước có dung tích từ 3.000.000m³ trở lên đến 200.000.000m³; đập vừa là đập có chiều cao từ 10m đến dưới 15m hoặc đập của hồ chứa nước có dung tích từ 500.000m³ đến dưới 3.000.000m³ và đập nhỏ là đập có chiều cao dưới 10m hoặc đập của hồ chứa nước có dung tích dưới 500.000m³.

Tại dự thảo, Bộ NN-PTNT cũng đề xuất đơn vị quản lý, khai thác đập phải đáp ứng các điều kiện năng lực. Trong đó, đối với đập quan trọng đặc biệt, phải có ít nhất 7 kỹ sư thủy lợi, thủy điện; trong đó ít nhất 2 người có thâm niên công tác từ 5 năm trở lên và giấy chứng nhận qua lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý đập. Đối với đập lớn phải có từ 3 - 5 kỹ sư thủy lợi, thủy điện; trong đó ít nhất 1 - 2 người có thâm niên công tác từ 5 năm trở lên, có giấy chứng nhận qua lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý đập. Đối với đập của hồ chứa nước loại vừa phải có ít nhất một kỹ sư thủy lợi, thủy điện hoặc một cán bộ có trình độ cao đẳng thủy lợi, thủy điện có giấy chứng nhận qua lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý đập. Riêng đối với đập nhỏ, cần một cán bộ có trình độ tối thiểu từ bậc cao đẳng thủy lợi trở lên; có giấy chứng nhận qua lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý đập. Ngoài ra, công nhân vận hành cửa van cống lấy nước, tràn xả lũ phải qua khóa đào tạo do Sở NN-PTNT hoặc cơ quan chuyên môn, đơn vị đào tạo có chức năng tổ chức; đối với cửa van vận hành bằng điện phải có thợ điện bậc 4 trở lên. Năng lực của tổ chức, cá nhân vận hành nhà máy thủy điện thực hiện theo quy định của pháp luật về điện.  

Ngoài ra, dự thảo cũng quy trình vận hành hồ chứa phải đáp ứng đầy đủ các nhiệm vụ của công trình theo thứ tự ưu tiên, bảo đảm an toàn công trình, an toàn vùng hạ du; quy trình phải bảo đảm các yêu cầu quy định tại Luật Thủy lợi và phù hợp với quy trình vận hành liên hồ chứa nước trên lưu vực sông đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Dự thảo cũng quy định cụ thể về vận hành hồ chứa nước trong mùa lũ, mùa kiệt và trong tình huống khẩn cấp dự kiến; quy định khoảng thời gian tối thiểu phải thông báo trước khi vận hành mở cửa xả nước đầu tiên; quy định chế độ thông báo, hiệu lệnh thông báo xả lũ trong trường hợp bình thường hoặc tình huống khẩn cấp; nguyên tắc phối hợp giữa các công trình cắt giảm lũ và phân lũ (nếu có); đồng thời quy định quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vận hành hồ chứa nước...

Dự thảo cũng quy định phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp đối với đập. Cụ thể, trước mùa mưa hàng năm, đơn vị quản lý, khai thác đập phải lập phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp đối với đập, phê duyệt sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của cơ quan chỉ huy phòng, chống thiên tai cấp tỉnh hoặc cấp huyện, xã - nơi xây dựng đập theo phân cấp. Đối với các đập mà vùng hạ du có dân cư tập trung hoặc có di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, khu công nghiệp, công trình quốc phòng, an ninh quan trọng phải lập phương án ứng phó với tình huống xả lũ khẩn cấp hoặc vỡ đập.

Tin cùng chuyên mục