Xây dựng “thương hiệu” di sản kiến trúc cảnh quan Đà Lạt

Xây dựng “thương hiệu” di sản kiến trúc cảnh quan Đà Lạt

Từ lâu Đà Lạt đã được biết đến là xứ sở ngàn hoa, ngàn thông.  Nhưng không chỉ có vậy, với lịch sử 114 năm hình thành và phát triển, thành phố này còn tạo ra một quỹ kiến trúc phong phú và đa dạng, xứng đáng là một đô thị di sản kiến trúc cảnh quan độc đáo của Việt Nam.

Sự khác biệt độc đáo

Xây dựng “thương hiệu” di sản kiến trúc cảnh quan Đà Lạt ảnh 1

Một khu biệt thự tại Đà Lạt. Ảnh: H.H

Theo GSTS.KTS Hoàng Đạo Kính, các công trình kiến trúc của Đà Lạt “phong phú về thể loại, đa dạng về phong cách, nổi trội về chất lượng thẩm mỹ kiến trúc”. Kiến trúc sư di sản nổi tiếng người Pháp Jean Manuel Paoli cho rằng: “Chất lượng và tính đa dạng trong kiến trúc biến Đà Lạt thành một nơi độc đáo.

Tìm khắp châu Á, liệu có thành phố nào như thế không? Đà Lạt có một không hai, điều đó hấp dẫn du khách và chinh phục họ nữa. Đà Lạt tập trung nhiều thuận lợi và phải biết dựa vào thế mạnh này để trở thành một địa chỉ hàng đầu”. Có thể coi Đà Lạt như một bảo tàng các biệt thự và các công trình công cộng, tôn giáo tín ngưỡng với các thể loại kiến trúc Âu, Á, gắn liền với nét đặc trưng địa hình, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, tạo ra sự khác biệt độc đáo.

Theo ông Huỳnh Đức Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Đà Lạt hiện có khoảng 45.000 biệt thự, mỗi diện tích tối thiểu 500 m2, với nhiều loại hình kiến trúc đẹp, độc đáo như nhà thờ Con Gà, nhà thờ Domain de Maria, Giáo hoàng học viện, Langbian Palace, Sofitel Palace, Viện Pasteur, Viện Nguyên tử hạt nhân, Dinh Bảo Đại, ga Đà Lạt, chợ Đà Lạt… Trong số này có hơn 1.500 dinh thự, biệt thự có giá trị đặc biệt về nghệ thuật kiến trúc. Hiện còn khoảng 4.000 biệt thự lớn nhỏ bị bố trí sử dụng sai công năng, bị chia cắt thành nhà ở tập thể. Nếu có kế hoạch đầu tư tôn tạo, nâng cấp đúng mức sẽ làm đẹp hơn nhiều bộ mặt kiến trúc đô thị cảnh quan thành phố.

Đà Lạt có lẽ là thành phố duy nhất cả nước không có đèn giao thông. Đi trong lòng thành phố, du khách có thể nhìn thấy nhà phố trước mặt, trên đầu, và dưới chân do địa hình dốc, chập chùng, tạo ra không gian thẩm mỹ độc đáo. Nhưng nhiều người cũng đang lo ngại sự “tole hóa” các mái nhà, biệt thự ở thành phố, làm mất đi tính thẩm mỹ mềm mại, truyền thống trong kiến trúc của Đà Lạt.  Đà Lạt còn là một đô thị trong rừng và rừng nằm ngay trong lòng thành phố với độ che phủ gần 65%. Không gian được chia cắt thành những mảng riêng biệt trong phối cảnh chung, tạo ra những lớp cảnh quan đa dạng, hướng về dãy Langbian hùng vĩ - điểm mốc cảnh quan của bức tranh tổng thể thành phố Đà Lạt. 

Phát triển thương hiệu đô thị Đà Lạt

Trong tiến trình đô thị hóa, không gian phát triển của thành phố chắc chắn sẽ được mở rộng, sẽ có nhiều công trình mới, hiện đại để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về nhiều mặt, phục vụ việc ăn ở, đi lại, học hành, giao thương, vui chơi giải trí của cư dân thành phố, của du khách, các doanh nghiệp và người nước ngoài đến Đà Lạt. Nhưng làm cách nào để hiện đại, hội nhập mà không mất đi truyền thống kiến trúc đặc thù đã tạo ra bản sắc riêng của Đà Lạt là một bài toán khó trong quy hoạch và phát triển thành phố. Trong luận văn tiến sĩ nghiên cứu về Đà Lạt, Victor Alneng (Trường Đại học Stockholm) cho rằng: “Làm thế nào để hiện đại hóa mà không phá hủy không khí lãng mạn đặc biệt của một thành phố kiểu Pháp ở phương Đông chính là một thách thức lớn nhất đối với người Đà Lạt. Bởi vì nếu “Đà Lạt trở thành một TPHCM của Tây nguyên, thì người ta thà ở TPHCM còn hơn”.

Ông Huỳnh Phong Tranh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, cho rằng: Quy hoạch và phát triển thành phố phải là một “quy hoạch mở”, tạo ra một không gian phát triển mới, nhưng đồng thời phải là một “quy hoạch nghiêm nhặt”, tuyệt đối bảo vệ các di sản kiến trúc, cảnh quan của thành phố để Đà Lạt xưa và nay luôn hòa quyện vào nhau trong quá trình phát triển. Mới đây, trong buổi làm việc với lãnh đạo TP Đà Lạt, ông Huỳnh Phong Tranh chỉ đạo thành phố nên nghiên cứu tổ chức những hoạt động thiết thực kỷ niệm 115 năm hình thành và phát triển Đà Lạt (1893-2008).

UBND thành phố cần phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các hội thảo khoa học; xúc tiến xây dựng và công nhận thương hiệu Đà Lạt – đô thị di sản kiến trúc cảnh quan độc đáo. Cùng với các thương hiệu rau, hoa, trà, rượu vang, tranh thêu… nổi tiếng cả nước và trên thế giới, kiến trúc xây dựng, di sản kiến trúc cảnh quan đô thị Đà Lạt xứng đáng là thương hiệu cần được công nhận sớm.     

Trần Hữu Hiệp

Tin cùng chuyên mục